11:07, 31/07/2018

Từ một thảo am

Ngày xưa bà ngoại tôi là đồng đền một cái am thờ Mẫu, gia đình tôi ở ngay phía sau. Má tôi phụ trách nấu cỗ mỗi lần cúng kiếng, hưởng không ít lộc. Am được ông ngoại tôi lập từ năm 1946, cực thịnh đầu những năm 50 cùng với làn sóng di cư từ miền Bắc và Trung vô, sau ông mất thì giao lại cho bà ngoại làm thủ am.

Ngày xưa bà ngoại tôi là đồng đền một cái am thờ Mẫu, gia đình tôi ở ngay phía sau. Má tôi phụ trách nấu cỗ mỗi lần cúng kiếng, hưởng không ít lộc. Am được ông ngoại tôi lập từ năm 1946, cực thịnh đầu những năm 50 cùng với làn sóng di cư từ miền Bắc và Trung vô, sau ông mất thì giao lại cho bà ngoại làm thủ am.


Bà ngoại tôi hay hăm he, giữa trưa đứng bóng và chạng vạng tối là cấm tiệt trẻ con và con gái mới lớn lai vãng trước am, dưới bóng cây bàng cổ thụ âm u rợp bóng. Rằng không được quấy rầy chốn thanh tịnh của thánh thần, qua lại phải cúi đầu im lặng, không được ngó thẳng lên điện thờ, nơi có đặt các pho tượng sơn phết nghiêm trang khoác xiêm y kim tuyến lấp lánh. Trên cao chính giữa là Tam tòa Thánh mẫu, tả hữu là các Quan, Chầu, thấp hơn là cô Bơ cô Chín cô Bé, ông Hoàng, Cậu... Đôi mắt của các pho tượng luôn hướng thẳng mở to, ánh nhìn vừa nghiêm trang sắc sảo vừa dịu dàng xuyên thấu. Má tôi còn nhứt quyết, hồi bà còn nhỏ đã từng nghe nhiều người nhìn thấy cả vệt hào quang màu trắng từ trên cây bàng vụt ngang bầu trời đêm hướng về phương Bắc, ý là có Mẫu vi hành, giá lâm nơi thảo am rồi quay về lại tổng hành dinh Tháp Bà nằm phía bắc thành phố. Am nhỏ nhờ vậy mà nổi tiếng, quanh năm cúng bái linh đình.


Tháp Bà, hồi xưa chẳng ai gọi là Ponagar, là nơi hiển linh bậc nhất, nơi ngự trị của Mẫu Thiên Y A Na, người mẹ vĩ đại, bà Chúa của xứ sở. Huyền thoại và huyền sử đan quyện về xuất thân gốc tích của Bà. Vậy nên 3 ngày Tết, ai cũng phải ráng chen chân về Tháp Bà để viếng, gần như là một thông lệ, mỹ tục thiêng liêng đầu năm. Để lên được tới ngôi tháp chính có đặt tượng Bà vào những ngày này phải xuyên qua mấy lớp thành trì ăn mày dày đặc từ ngoài cổng kín hết mấy chục bậc tam cấp. Hầu hết những ai đi lễ cũng đổi sẵn cả bọc tiền lẻ mới tinh để làm phước. Hồi còn bé, tôi hay được ngoại và má dẫn đi, tả xung hữu đột giữa biển người mới tới được tháp chính, người lớn đi chân trần vô thắp nhang khấn vái xin xăm, con nít đứng ngoài ôm khư khư đôi guốc giữ dùm, mắt cay xè vì khói nhang mù mịt, nắng nóng như giữa lò nung. Đôi lần ráng chui vô ngôi tháp hẹp và u u minh minh, len lén ngước nhìn tượng Bà sau lọng che trướng phủ, ngó tới ngó lui không biết cả một lời cầu xin...


Ở thảo am nhà mình ngày còn bé tôi cũng chẳng mặn mà gì mỗi khi có lễ lạc hầu đồng linh đình, dù mỗi lần như vậy là náo động cả xóm lao động nghèo. Họ chen chúc ngoài cửa chờ xin lộc. Con nhang đệ tử tham dự ngồi vây quanh sân điện bên trong hầu hết là dân có tiền của. Các bà đi lễ với những bộ áo dài rất đẹp, nữ trang đầy người, tóc bới kiểu cách gài hoa ngọc lan, dầu thơm nồng nàn. Đàn ông ít hơn, thường là người hát văn đàn trống, họ cũng nhai trầu và quần là áo lượt. Giữa tiếng đàn hát trống chiêng, giữa mù mịt nhang khói, giữa không gian hẹp tù túng, hỏi không say mới lạ. Tôi chỉ bị má sai lên dòm chừng, coi tới giá hầu nào thì xuống bếp báo lại để dọn cỗ bàn cho họ kịp tan lễ là có ăn ngay, giá ông Hoàng Mười thì nhà bếp sẽ bắc lại nồi nước dùng cho nóng, giá Cậu Bé thì bưng mâm lên sắp chén đũa ra... Bụt nhà không thiêng, tôi ước mình chưa bao giờ là đứa trẻ thập thò bên “cánh gà” của sân điện.


Nhưng má và rất nhiều người như tôi biết vẫn chưa bao giờ hết tin tưởng vào quyền năng mầu nhiệm của Mẫu, vẫn đều đặn ngày xuân qua Tháp lễ bái xin xăm để biết vận hạn cả năm. Xuân Canh Tuất, không cầu con mà má xin được lá xăm trong đó có câu “trước sanh lục nữ sau mới được sanh nam”. Ngờ đâu cuối năm có hoàng nam thiệt, dù đã hết hy vọng khi liền tù tì sinh sáu đứa con gái trước đó. Nhiều năm sau, dù khó khăn chồng chất ăn nay lo mai nhưng má vẫn cố mỗi năm một lần lên Tháp viếng Bà. Cho đến năm đó, phương tiện đi lại eo hẹp, má dẫn theo bốn đứa con lớn nhứt 14 tuổi, nhỏ nhứt mới 7 tuổi cùng lên xe lam ba  bánh đi. Xe chở 8 người thì tết nhứt nhồi thành 16 người, nghẹt thở ngất ngư. Hơn tiếng đồng hồ sau, cả bốn mẹ con chất trên xích lô về lại, đỗ xịch trước cửa nhà, thất thểu trầy trụa tay chân. Xe lam ôm cua lật luôn khi đổ dốc cầu Xóm Bóng dưới chân Tháp. Khi hoàn hồn má nói, ban đầu tính qua Tháp trước mà đông quá nên thôi đi thăm mộ trước, đến khi quay lại thì cũng vì đông quá sợ không bắt xe về được nên thôi không lên Tháp nữa mà theo xe lam về luôn mới xảy ra cớ sự. Sợ quá, ba tôi cấm luôn ba ngày Tết không cho ai đi đâu nữa.


Vậy là đã quá lâu, quá lâu rồi má không còn quay về nơi chốn linh thiêng huyền thoại đó nữa, dù ngày ngày vẫn dâng hương bái vọng. Am điện ngày xưa dần lạnh lẽo vắng bóng khách thập phương. Bà đồng đền mất, con cháu không ai nối nghiệp. Những buổi hầu đồng thi thoảng cũng được tổ chức nhưng vội vàng và đối phó, nửa công khai nửa lén lút; ngày càng giống các buổi trình diễn, màu mè, ồn ào và vô hồn. Những pho tượng thờ im lìm trong lồng kính, mở to mắt dõi nhìn thế sự qua làn hương mong manh.


Rồi khi tất cả đã trở thành ký ức thì bỗng dưng tôi phát hiện ra mình thích nghe các làn điệu chầu văn, kiểu Bắc kiểu Huế gì cũng mê, nghe như chết lịm trong tiếng đàn nguyệt đàn nhị, trong tiếng phách tiếng trống. Thứ lễ nhạc mà ngày xưa tôi hờ hững, ngoảnh mặt bỏ chạy.


“... Nền linh hiển ngàn xưa chung tú/Riêng một tòa động phủ thiên nhiên/Chầu xưa vốn đấng cung tiên/Giáng trần độ thế về miền non xanh..” (hầu văn Huế, Thượng Ngàn Thánh Mẫu); “Múa lượn khúc rồng... tay Tiên múa lượn khúc rồng/Rõ ràng Cô Chín trong đền Sòng Cô mới ra/Gió lộng sơn hà Cô quạt cho... gió lộng sơn hà/Quạt cho nam nữ trẻ già đều vui tươi/Quạt cho chim hót hoa cười/Quạt cho mát rượi lòng người trần thế gian” (Hầu văn Bắc, Cô Chín)…


Lạ, mỗi lần nghe là thấy rộn ràng vui tươi, mà cứ chực trào nước mắt.


ÁI DUY