10:07, 10/07/2018

Tô Hạp, tháng Bảy

Thị trấn Tô Hạp xinh đẹp ngày nay trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ là căn cứ địa của cách mạng, được coi như "một cái túi chứa bom", liên tục chịu đựng sự càn quét ác liệt của kẻ thù, vậy mà giờ đây, tất cả đã đổi thay đến không ngờ. 
 

Thị trấn Tô Hạp xinh đẹp ngày nay trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ là căn cứ địa của cách mạng, được coi như “một cái túi chứa bom”, liên tục chịu đựng sự càn quét ác liệt của kẻ thù, vậy mà giờ đây, tất cả đã đổi thay đến không ngờ. 
 
Đến với Tô Hạp hôm nay là đến với một thị trấn miền núi rất nên thơ với những con đường nhỏ chạy qua những triền đồi, bốn bề là màu xanh bạt ngàn của vườn cây và núi đồi. Không chỉ có tôi, mà rất nhiều bạn bè tôi khi tới đây đều thích cảnh yên bình của một thị trấn miền núi, thích những làn gió tràn qua các con phố nhỏ lúc nào cũng đậm mùi cây cỏ của rừng, thích khí hậu mát dịu; thích những buổi sáng thức dậy dạo bước trong cảnh những con đường đang phủ đầy những đám mây trắng đục nhưng mỏng manh như khói; thích những nụ cười của người dân Raglai đôn hậu, hiền lành… Bưu điện, trường học, công sở và những ngôi nhà của người dân được xây dựng khang trang, kiên cố… Ở cái chợ nhỏ, người mua, kẻ bán tấp nập. Đi đâu ta cũng bắt gặp những nụ cười hiền lành, đôn hậu.
 

 

Thị trấn Tô Hạp trong sương.

Thị trấn Tô Hạp trong sương.

 
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, mặc dù còn đơn lẻ, nhưng vài năm gần đây, khách du lịch tìm đến với Khánh Sơn, trong đó có thị trấn Tô Hạp ngày càng nhiều. Ở đây có thác Tà Gụ, một ngọn thác đẹp nằm cách thị trấn 15km về phía tây nam, với thác nước trắng xóa cao trên 15m đổ xuống lòng hồ rộng trong veo giữa bốn bề là vách đá cheo leo cùng cây cỏ hoang sơ. Ở đây có di chỉ văn hóa Dốc Gạo, nơi gắn liền với sự ra đời đàn đá Khánh Sơn - loại nhạc cụ được cha ông ta chế tác với bao thanh âm trầm, bổng… Cùng với phong cảnh đẹp, những lễ hội, phong tục, tập quán của người Raglai chứa bao điều mới lạ đã trở thành sự cuốn hút, muốn khám phá của du khách. Những năm gần đây, với chính sách định canh, định cư, cuộc sống người dân trong vùng đã đổi thay rất nhiều. 
 
Cái tên Khánh Sơn càng được nhiều người nhắc tới với hai thứ đặc sản là mía tím và sầu riêng. Từ thị trấn Tô Hạp tỏa đi các xã của huyện, ta dễ dàng bắt gặp nhiều nơi trồng mía tím. Mía trồng trong vườn, trồng bên sườn núi, trồng trước sân nhà. Những cây mía thân cao, vươn thẳng, từng lóng dài màu tím, mập tròn, nối tiếp, vỏ mỏng, bên trong chứa đầy nước ngọt lịm giờ đây đã trở thành giống mía ăn tươi đặc biệt được nhiều người trong nước biết tới. Trong khi đó, sầu riêng Khánh Sơn giờ đây đã trở thành thương hiệu. Thật thú vị khi dừng chân ghé thăm một vườn sầu riêng với hàng trăm cây cao, sum suê cành lá và cành nào cành nấy lúc nhúc những quả to, quả bé. Cách thị trấn Tô Hạp không xa, khi tìm về các xã lân cận, bạn có thể tìm gặp hàng chục khu vườn như thế, chưa kể hàng chục vườn sầu riêng khác mới trồng, đang độ non cành, non lá.
 
Cây thơm, trái ngọt, người hiền, đất lành, Khánh Sơn còn được coi là nơi đang lưu giữ những vỉa trầm tích văn hóa độc đáo của người Raglai. Trong đó, có những bộ sử thi dài được truyền đời này tới đời khác qua lối hát kể mà người hát có thể hát thâu đêm suốt sáng về những người anh hùng Raglai xa xưa - những người con ưu tú, bằng sự dũng cảm của mình đã hiên ngang chống lại kẻ thù, chống lại ác quỷ để giữ yên cho buôn làng. Về đây, nếu có thời gian xuống các buôn làng, bạn sẽ được tiếp cận những bản trường ca giàu chất sử thi ấy qua điệu “Siri” dìu dặt kéo dài theo bước chân phụ nữ Raglai trên đường đi lên nương rẫy, lúc trỉa bắp, trồng khoai; điệu “Majêng” ngân nga trong lời ru của người mẹ dìu con vào giấc ngủ; điệu “Adoh” rộn ràng trong những buổi tưng bừng đón mùa lễ hội bên ché rượu cần tỏa hương thơm ngây ngất. 
 
Tháng Bảy. Chúng tôi đến Tô Hạp và từ đây theo những con đường tỏa xuống các xã, các buôn làng của huyện Khánh Sơn, để rồi mới đến nơi lại được chứng kiến bao đổi thay mới mẻ. 
 
Tô Hạp tháng Bảy, có biết bao điều để nói…
 
HOÀNG ANH