Vào năm cuối Đại học Sư phạm, anh được phân công về một trường cấp 3 thực tập, làm giáo viên chủ nhiệm lớp cô. Dáng ngoài gầy gò, lại ít nói, rụt rè, cô chẳng có gì đặc biệt để một thầy giáo trẻ, đẹp trai như anh để ý.
Vào năm cuối Đại học Sư phạm, anh được phân công về một trường cấp 3 thực tập, làm giáo viên chủ nhiệm lớp cô. Dáng ngoài gầy gò, lại ít nói, rụt rè, cô chẳng có gì đặc biệt để một thầy giáo trẻ, đẹp trai như anh để ý.
Tuy vậy, trong một lần đang say sưa giảng bài, anh đã bắt gặp một đôi mắt đen buồn thăm thẳm của cô học trò ngồi cuối lớp. Tuy có vẻ như cô đang nghe chăm chú, nhưng anh vẫn nhận ra, đó là một ánh nhìn lơ đãng, xa xăm. Dường như trong đôi mắt ấy chất chứa rất nhiều nỗi buồn và lo âu. Những ngày sau đó, dù ở nhà hay trên lớp, anh thường bị đôi mắt ấy ám ảnh. Anh muốn biết vì sao ánh mắt của một cô học trò nhỏ bé lại có thể mênh mang đến thế?
Tìm hiểu qua lớp trưởng, anh được biết, hoàn cảnh gia đình cô rất khó khăn: Ba là thương binh nặng phải nằm một chỗ. Mẹ suốt ngày còng lưng với mấy sào ruộng để lo cho 6 miệng ăn trong nhà. Là chị cả nên ngoài giờ đến trường, một mình cô phải gánh vác hết mọi việc, từ chăm lo cho ba đến trông coi đàn em lít nhít… Có lẽ vì vậy nên sức học của cô không tốt, điểm số các môn thường dưới trung bình.
Anh thấy thực sự thương cảm và xót xa. Từ hôm đó, anh thường đến nhà phụ đạo thêm cho cô. Chỉ có điều, do quá bận rộn nên đến cả thời gian tiếp thầy cũng còn không có chứ nói gì đến chuyện cô học thêm. Thấy vậy, anh chẳng nề hà, xắn tay áo lên cùng cô giải quyết những việc nhà luôn bộn bề: khi thì xắt chuối, băm bèo, lúc lại chẻ củi hoặc thay cô cho heo ăn… Lúc đầu, cô cương quyết ngăn cản, nhưng anh nghiêm giọng: “Đang là những năm cuối cấp. Nếu em muốn trượt tốt nghiệp thì thầy sẽ mặc kệ”. Nghe thật có lý! Mặt khác, cô nhận ra sự chân thành của anh nên dần chấp nhận. Công việc kết thúc sớm nên cô có nhiều thời gian học bài hơn. Dưới sự chỉ bảo tận tình của anh, điểm số các môn học của cô tiến triển vượt bậc. Thỉnh thoảng, anh nhìn thấy những tia sáng ánh lên trong mắt cô. Và nụ cười của cô, dù hiếm hoi, đã rạng rỡ hơn bao giờ hết…
Chiến tranh biên giới nổ ra. Anh và một số đồng nghiệp được đặc cách tốt nghiệp để lên đường nhập ngũ. Xe lăn bánh rồi, anh vẫn thấy cánh tay cô vẫn còn vẫy theo rất lâu.
Ít lâu sau, anh nhận được thư cô. Lá thư đầy ắp kỷ niệm, niềm thương nỗi nhớ và lòng biết ơn sâu sắc. Cô khoe, giờ đây cô đã được là học sinh tiên tiến. Cô còn nói rằng sẽ cố gắng học tốt để sau này trở thành đồng nghiệp của anh.
Mỗi khi đơn vị hành quân qua những con đường mòn bạt ngàn hoa xuyến chi, anh lại nhớ nhà, nhớ cô quay quắt. Trên các con đường ở quê anh mọc đầy loài hoa dại này. Những bông hoa ấy cũng giống cô: mảnh mai, mềm mại nhưng mạnh mẽ. Anh thường hái những chùm hoa xuyến chi, cẩn thận cất trong ngực áo. Quê hương và cô sẽ mãi theo anh trên những bước đường hành quân.
Trong một trận chiến, anh bị thương và được chuyển về tuyến sau. Tỉnh lại ở trạm xá, anh hết sức buồn rầu khi thấy chân bên phải không còn nữa, với một ống quần trống rỗng. Rồi anh được phục viên trở về nhà. Trong niềm vui của người thân và bạn bè, anh vẫn nhận ra nụ cười ngọt ngào và ánh mắt ấm áp cô dành cho anh.
Theo nguyện vọng, anh được về lại ngôi trường nơi anh đã từng thực tập, cách nhà cô chỉ vài trăm mét. Lúc này đây, cô lại trở thành chỗ dựa tinh thần của anh. Dù rất bận rộn việc nhà và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô vẫn tranh thủ đến căn phòng nhỏ trong khu tập thể giáo viên để giúp anh những việc lặt vặt: lúc nhặt mớ rau, khi làm hộ mớ tôm, con cá cho bữa cơm chiều. Thỉnh thoảng, anh chống nạng đến thăm cô, giúp cô giải những bài toán khó.
Lúc này đây, cô không còn là cô học trò nhỏ bé ngày nào mà đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn. Dù trái tim anh luôn đập dồn dập mỗi khi gần nhau, nhưng anh hiểu, trong mắt mọi người, anh và cô chỉ là tình thầy trò. Tuy vậy, đêm đêm, anh vẫn không thể ngăn mình thao thức với câu hỏi: Liệu trong trái tim cô có khoảng trống nào dành cho anh? Liệu cô có thể chấp nhận một người tàn tật trong khi xung quanh cô có nhiều người theo đuổi?
Anh chưa kịp hỏi những điều ấy thì một ngày nọ, cô đột ngột rời bỏ quê hương, theo gia đình vào một tỉnh phía nam xa lắc. Cô đi vội vã, chẳng kịp nói với anh một lời tạm biệt. Anh gói những kỷ niệm về cô, cất vào một góc sâu của ký ức. Nhưng cô vẫn luôn hiển hiện trong căn phòng nhỏ của anh bằng những bông hoa xuyến chi trắng muốt anh thường hái trên đường từ trường trở về nhà, cắm vào lọ, để trên bàn làm việc. Hàng ngày, ngang qua nhà cô, bước chân anh cứ ngập ngừng, dù nơi ấy giờ đã có chủ mới…
Thời gian trôi qua, anh vẫn một mình trong căn phòng tập thể giáo viên. Anh lấy những ngày đến lớp, những tối phụ đạo cho học trò làm niềm vui sống.
Vậy mà, thật bất ngờ, vào một buổi chiều mùa hạ, anh nhận được thư cô. Lá thư dài chất chứa bao nỗi niềm. Cô xin lỗi vì ngày đó ra đi mà không kịp sang chào vì ba cô bỗng trở bệnh nặng. Có người thân trong Nam hứa giúp đỡ nên cả nhà vội vã đi ngay. Rồi ba cô không qua khỏi, khiến mẹ cô quỵ hẳn. Những năm tiếp theo đó là một cuộc mưu sinh nhọc nhằn của cô nơi xứ lạ. Cô phải bỏ học giữa chừng để đi làm nuôi mẹ và các em.
Sức khỏe mẹ cô dần hồi phục. Rồi bà gặp được một người đàn ông tốt bụng chấp nhận cưu mang cả gia đình. Cô được đi học lại và trở thành đồng nghiệp của anh. Cuối thư, cô hỏi, liệu anh có chấp nhận, một lần nữa, làm chỗ dựa cho cô, như những ngày thơ ấu? Nếu anh đồng ý, cô sẽ chuyển công tác ra Bắc ngay.
Anh vui sướng nhưng cũng lại đau khổ khi nghĩ rằng anh sẽ là người ích kỷ nếu trói buộc cô vào cuộc đời mình. Anh viết thư cho cô nói rằng anh sẽ rất hạnh phúc nếu có cô bên cạnh, nhưng sợ rằng anh chẳng thể làm chỗ dựa cho cô như ngày xưa. Anh khuyên cô hãy tìm một chàng trai khác xứng đáng hơn…
Bỗng, một buổi sáng Chủ nhật, cô xuất hiện trong căn phòng nhỏ của anh với khuôn mặt tươi rói. Chìa ra tờ quyết định nhận công tác tại trường cũ, cô cười tinh nghịch: “Nếu anh vẫn khăng khăng không cho em ở chung, thì em sẽ ở gian bên cạnh cũng được!”. Anh đã lặng đi vì bất ngờ và hạnh phúc…
. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy