Chắc chắn có nhiều người khi tiếp cận cuốn sách "Dấu xưa, nền cũ… trên đất Ninh Hòa" của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Triều Dương (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2017) sẽ không tránh khỏi ngạc nhiên về sự lao động của tác giả...
Chắc chắn có nhiều người khi tiếp cận cuốn sách “Dấu xưa, nền cũ… trên đất Ninh Hòa” của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Triều Dương (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2017) sẽ không tránh khỏi ngạc nhiên về sự lao động của tác giả. Vì cuốn sách trông khá đồ sộ, dày đến hơn 600 trang (khổ 14,5 x 20,5cm) mà nội dung được sách chuyển tải khá rộng, khá phong phú, đề cập đến nhiều phong tục, tập quán xưa cũ ở một vùng đất.
Với 5 chương, cuốn sách tuần tự giới thiệu đến người đọc 5 phần chính gồm: Tập tục và hương ước liên quan đến hôn sự, sinh đẻ xưa ở Ninh Hòa; Người Ninh Hòa ngày xưa ăn Tết; Những lễ tục và cầu cúng trong dân gian Ninh Hòa xưa; Phương tiện đi lại trong dân gian Ninh Hòa xưa; Những sinh hoạt hát múa cổ truyền trên vùng đất Ninh Hòa xưa. Với cách diễn đạt của lối văn tường thuật dân dã, những trang viết bàng bạc về các phong tục, tập tục xưa tiếp nối nhau hiện ra trong cuốn sách một cách rất lôi cuốn. Chỉ đọc chương 1 thôi, người đọc sẽ được cung cấp bao nhiêu kiến thức quý của người xưa về tập tục hôn nhân, sinh đẻ. Từ việc cậy người mai mối đến cưới hỏi, ở rể, làm dâu, con gái lạy cha mẹ để đi lấy chồng, rồi chuyện ly hôn, tục huyền, tái giá, hồi giá đến việc có bầu, sinh con, đặt tên con… mỗi việc, mỗi chuyện là một chuyên đề, trong đó chứa đựng những bức tranh sinh động, đầy ắp tư liệu về những lễ nghi, phong tục, tập tục. Ở các chương còn lại cũng vậy, ngoài những khái niệm, nêu lên quá trình hình thành và trình tự diễn ra trong từng phong tục, tập tục, tác giả đã đi sâu phân tích những nét tương đồng cũng như khác biệt của các phong tục, tập tục này ở Ninh Hòa so với các địa phương khác.
Điều khá độc đáo là bên cạnh việc giới thiệu phong tục, tập tục, Võ Triều Dương luôn mở rộng biên độ, sử dụng những câu chuyện dân gian hoặc thơ ca dân gian để nội dung được đề cập vừa có chiều sâu, vừa tạo cho người đọc dễ tiếp cận. Như trong chương 1, tác giả đã sử dụng gần chục câu ca dao và 3 truyện kể để minh họa là: “Chuyện làm rể giả”, “Chuyện hai ông Hương Kiểm tranh chức” và “Chuyện đêm khuya thuyền biển nhớ nhau”. Ngoài ra, miêu tả các tình tiết, diễn biến cũng như miêu tả con người, loài vật, vật dụng… trong các phong tục, tập tục một cách cụ thể cũng là nét đặc trưng mà tác giả đã thực hiện. Ví dụ khi nói về đôi dép da trâu ở những gia đình nông dân nghèo (trong chương đề cập về các phương tiện đi lại của người Ninh Hòa xưa), tác giả viết: “Trong gia đình thường có hai đôi dép da trâu, một dùng cho người lớn, một dùng cho thiếu niên nhỏ tuổi. Loại dép này không phải dùng thường xuyên mà chỉ mang đi đường trong những ngày nắng nóng… Để có những đôi dép này, từng gia đình phải tự tạo lấy. Khi trâu chết, người ta lột lấy da lưng. Da trâu tươi khá mềm, dùng mũi dao bén cắt thành hình chiếc dép, vừa theo bàn chân người. Lại còn khoét thêm 3 cái lỗ nhỏ để làm điểm xỏ quai dép…”. Cách miêu tả như trên xuất hiện ở hầu hết các chương của cuốn sách và nhiều chỗ đã tạo cho người đọc có cảm giác như mình đang trực tiếp chứng kiến diễn biến của các phong tục, tập tục đang diễn ra, hoặc bật cười vì những điều rất lạ, rất dí dỏm về cách hành xử của người xưa.
Trong “Dấu xưa, nền cũ… trên đất Ninh Hòa”, Võ Triều Dương đã giới thiệu đến người đọc hơn 100 chuyên đề lớn, nhỏ về phong tục, tập tục hay những nội dung liên quan đến phong tục, tập tục ở Ninh Hòa xưa. Để làm được điều này, Võ Triều Dương cho biết, ông mất hơn 20 năm để sưu tầm tư liệu và biên soạn. Ngoài việc nghiên cứu tư liệu thành văn, tác giả đã tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi và nhờ gần cả trăm người sống tại địa phương là các bậc cao niên am hiểu kể lại để mình ghi chép cũng như so sánh, chọn lọc trước khi biên soạn.
Thật khó nói hết những vấn đề mà “Dấu xưa, nền cũ… trên đất Ninh Hòa” đã chứa đựng. Nhưng đây thực sự là một công trình nghiên cứu công phu và độc đáo về một vùng đất!
HOÀNG ANH