Trời vừa sáng, ngoài vườn, dưới các lùm cây, những đám sương mù chưa tan hết, vài chỗ còn mờ mờ, xám đục, vậy mà ông Cúc đã thức dậy, ra vườn lui hui vạch lá, tìm bắt những con sâu ở luống cà trước sân.
Trời vừa sáng, ngoài vườn, dưới các lùm cây, những đám sương mù chưa tan hết, vài chỗ còn mờ mờ, xám đục, vậy mà ông Cúc đã thức dậy, ra vườn lui hui vạch lá, tìm bắt những con sâu ở luống cà trước sân.
Qua mấy buổi sáng, luống cà không còn tình trạng héo đọt, sâu cũng hết, nhưng theo thói quen, ông vẫn ra sớm, tỉ mẩn vạch từng cái đọt cà để xem. Tìm mãi một lúc không thấy sâu, ông định đi về phía cuối vườn xem đêm qua trời mưa, đám cải non mới gieo được tuần lễ có bị giập không thì vợ ông, bà Nhu từ trong nhà bước ra hiên, gọi:
- Này ông, ra ngoài ấy làm gì? Chân với cẳng khô nứt như ruộng tháng Ba, thế mà cứ lội lung tung, thuốc với thang nào trị cho khỏi?
Thấy vợ càu nhàu, ông Cúc chẳng nói gì, quay vào nhà. Bà vợ giục:
- Ông vào chuẩn bị ăn sáng rồi đạp xe xuống chỗ ông thầy gì ở dưới huyện mà lấy thuốc đi! Hôm qua ông nói sáng nay sẽ đi mà!
- Thì lát nữa, bây giờ vẫn còn sớm!
- Sớm gì, mình già rồi, đi sớm, về sớm. Đi trễ, nắng lắm!
Hai tô mì còn bốc hơi nóng được bà bưng ra đặt trên bàn. Đôi vợ chồng già cùng ngồi vào. Trong khi ăn, bà nói với ông:
- Nghe nói ông thầy này bốc thuốc có tiếng lắm! Biết đâu trị thuốc Tây hoài không hết, chuyển qua thuốc Bắc nó hết.
- Thì cứ thử xem sao - ông trả lời vợ.
Ông Cúc bị bệnh viêm da cơ địa đã hơn hai năm nay. Ngày đó, da ở lòng hai bàn chân ông tự nhiên khô cứng lại từng mảng, rồi ngứa. Ngứa kinh khủng. Hết lớp da này tróc, lớp da non khác trồi ra, lại ngứa. Càng gãi càng ngứa. Chữa thuốc Nam không xong, ông Cúc tìm ra trạm y tế xã. Một cô y sĩ trẻ sau khi xem hai bàn chân ông liền khuyên: “Bác phải xuống bệnh viện ngay! Để lâu, e bị nhiễm trùng!”. Ở bệnh viện huyện, người ta bảo ông bị viêm da cơ địa dạng á sừng rồi cho ông thuốc kháng sinh và thuốc mỡ để bôi. Uống hết thuốc lần đầu, ông Cúc tiếp tục tái khám hai lần nữa, song niềm hy vọng cũng dần tan theo những cơn ngứa, cơn đau ngày một tăng.
Cách đây hơn tuần, đi ăn đám giỗ ở nhà ông Sáu Nhách, một người bà con phía ngoại, nghe bệnh của ông, một vị khách đang có mặt liền khuyên: “Bệnh này phải chữa bằng thuốc Bắc”. Người ấy còn giới thiệu một tiệm thuốc nằm ở thị trấn.
Nhà có ba đứa con, một gái hai trai, tất cả đều ra thành phố kiếm việc làm rồi có vợ, có chồng ngoài ấy, ở quê chỉ còn hai vợ chồng già. Ông Cúc, bà Nhu chủ yếu tự lo liệu cuộc sống bằng cách trồng rau trong vườn rồi mang ra chợ bán. Hôm qua, để chuẩn bị cho chồng xuống thị trấn hốt thuốc Bắc, bà Nhu đã lấy số tiền dành dụm được chuẩn bị cho ông năm trăm ngàn đồng. Ăn sáng xong, bà Nhu đưa tiền cho chồng:
- Ông đi sớm rồi về!
- Chừng này liệu có đủ không?
- Thì cứ xuống gặp thầy, bắt mạch rồi lấy mấy thang, đợt sau mình xuống lấy tiếp! Trong nhà hết tiền rồi. Mai mốt tui bán mấy con gà để đưa thêm cho ông!
Ông Cúc đút tiền vào túi áo, dắt chiếc xe đạp ra sân. Mặt trời cũng bắt đầu lên, tỏa ánh nắng ấm áp xuống con đường nhỏ. Đã bảy mươi lăm tuổi, nhưng so với nhiều người trong làng thì ông Cúc trông còn khỏe. Chiếc xe đạp chạy bon bon trên con đường lớn của xã dẫn về phía thị trấn. Không mấy chốc ông Cúc đã đạp xe đến cuối thôn Trang Hạ, nơi tiếp giáp với một chiếc cầu bê tông mới xây dẫn về thị trấn. Ồ, chuyện gì đây? Ông ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người tụ tập ở một ngôi nhà tranh nằm sát bên đường. Ông tò mò dừng lại. “Chuyện gì thế?”, ông hỏi một người đàn bà đang đứng bên sân. “Khổ quá bác ạ! Nhà này là nhà của con Năm Nhi. Mấy tháng trước, chồng nó qua đời, đúng vào lúc nó vừa sinh con. Con nhỏ lại bị bệnh tim, sáng nay bệnh tái phát, bà con vừa đưa đi cấp cứu dưới huyện rồi”. Người đàn bà chậc lưỡi rồi nói tiếp: “Bịnh nặng mà nhà lại nghèo. Mấy bữa nay, thằng nhỏ không có sữa uống, khóc quá chừng. Mấy bà con tui ở quanh đây đang bàn giúp đỡ nhưng nhà nào cũng nghèo, không biết tính sao! Ai có chút ít đều giúp mẹ nó chữa bệnh rồi. Kìa, bác coi, thằng nhỏ mới có mấy tháng tuổi! Đút nước cháo nó không chịu uống…”.
Ông Cúc đứng tần ngần giữa cái sân đất. Trên hàng hiên có một bà cụ đang bế đứa bé quấn trong chiếc khăn ố màu. Khuôn mặt đứa bé rất trắng, đôi mắt nó nhắm lại, chắc đang ngủ.
- Bộ bà con thân thiết của đứa bé không còn ai sao? - Ông Cúc hỏi một người khác.
- Dạ, vợ chồng nhà này đều mồ côi. Thế mới khổ chứ!
Người kia trả lời rồi thở dài. Ông Cúc cũng thở dài, sau đó, chẳng biết phải làm gì nên dắt chiếc xe đạp ra đường, đi tiếp. Lòng ông đượm buồn. Ông từng nghe nói tới chuyện ở thành phố người ta giàu, có người có đến cả trăm tỷ đồng. Nhưng ở quê ông người nghèo vẫn còn nhiều. Số phận của gia đình người phụ nữ có tên Năm Nhi kia nay mai sẽ ra sao? Lòng ông nhói đau khi hình dung cảnh thằng bé mà ông nhìn thấy ban nãy đang khóc thét lên vì khát sữa. Đạp thêm một đoạn, ông Cúc có cảm giác mấy tờ giấy bạc trong túi áo của mình đang động đậy. Ừ, hay là mình… Ông đắn đo rồi bất ngờ quay đầu xe, đạp về phía ngôi nhà có đứa bé. Ông rút số tiền vợ ông vừa đưa sáng nay cho người đàn bà đang bồng đứa bé:
- Chị cầm lấy mua sữa cho cháu!
Người đàn bà đón nhận mấy tờ giấy bạc, nhìn ông ngạc nhiên, định nói gì đó, nhưng ông đã bước vội ra sân, đạp xe đi. Khi ông về tới nhà thì mặt trời đã lên hơn cả cây sào. Vợ ông đang lúi húi bên cái chuồng gà.
- Sao về sớm vậy? - Bà tỏ ra quan tâm nhưng có lẽ nhìn thấy ông chồng già trở về với hai bàn tay không nên đứng dậy, hỏi tiếp - Thuốc đâu?
- Mấy trăm bạc bỏ trong túi không biết rớt ở đâu, đi một đoạn, thò tay vào thấy mất tiêu. Tìm hoài trên đường mà chẳng thấy…
- Cái gì? - Hình như bà chưa tin vào tai mình nên gằn giọng.
- Tiền bị mất! - Ông lặp lại một cách lúng túng.
- Trời ơi là trời! Bà vợ hét to lên.
Ông biết cơn thịnh nộ của vợ sẽ còn tiếp tục nên bước vội vào nhà, treo cái mũ lên vách rồi đi ra sau vườn. Phía sau lưng ông, giọng khó chịu của bà Nhu như đang đuổi theo:
- Đi hốt thuốc, có mấy trăm bạc mà cũng để mất là sao chứ? Xưa nay ông cẩn thận lắm mà !...
Đứng dưới gốc cây dâu da đang mùa sai trái một lát, ông Cúc lại đi vòng qua xem mấy luống cải. Ông biết, ít ra ông cũng sẽ phải mất cả ngày để nghe bà càu nhàu. Phải cố chịu! Ông tự nhủ, sẽ không kể cho vợ mình về chuyện vừa gặp. Kể ra, chắc bà sẽ càng tru tréo thêm lên. Ông nghĩ, đời mình còn dài, cái bệnh ngứa không chữa hôm nay thì sẽ chữa vào ngày khác, nhưng đứa bé kia không có sữa thì biết làm sao…
. Truyện ngắn của HOÀNG ANH