Cả đời má tôi, chốt lại chỉ gói gọn trong hai từ: nội trợ. Má thất học, biết đọc biết viết nhờ ẵm em đứng lê la ngoài cửa lớp học trường làng. Nhà nghèo, mồ côi cha, em thơ mẹ dại, mười tuổi đầu đã đi ở đợ, đi làm thuê, buôn gánh bán bưng ngoài đường. Rồi má yêu và lấy chồng thư sinh, sấp ngửa với bầy con một lèo mười đứa, hỏi còn biết làm gì khác.
Cả đời má tôi, chốt lại chỉ gói gọn trong hai từ: nội trợ. Má thất học, biết đọc biết viết nhờ ẵm em đứng lê la ngoài cửa lớp học trường làng. Nhà nghèo, mồ côi cha, em thơ mẹ dại, mười tuổi đầu đã đi ở đợ, đi làm thuê, buôn gánh bán bưng ngoài đường. Rồi má yêu và lấy chồng thư sinh, sấp ngửa với bầy con một lèo mười đứa, hỏi còn biết làm gì khác. Thời đi học, mỗi lần khai sơ yếu lý lịch tới phần nghề nghiệp của mẹ là điền “nội trợ”, sau năm 1975, nghề này ngó bộ hơi lạc hậu nên phải sửa lại là lao động tay chân cho sang. Lũ con lúc đó chỉ ước má mình làm công nhân hay xã viên hợp tác xã gì đó cũng được cho có cái nghề rõ ràng mà trưng ra với người ta.
Nội trợ, mở mắt ra từ mờ sáng là quần xắn tới gối luôn tay luôn chân đến tối mịt, tới khi bước lên giường là phải nằm giữa hai đứa con nhỏ nhất, đứa còn bú mẹ đứa còn tè dầm. Má chẳng hề có một mối quan hệ nào khác ngoài gia đình, hàng xóm và cái chợ quen thuộc gần nhà. Má cũng không bao giờ quan tâm tới sự tồn tại của cái thế giới bất kỳ nào ngoài phạm vi bán kính vài trăm mét từ cái bếp nhà mình. Duy nhất mỗi ngày, đều đặn và đúng giờ, má xách giỏ ra khỏi nhà để đi chợ; là được thong dong một mình.
Tôi thích nhìn má sửa soạn đi chợ. Một chút son, một chút phấn hồng và chuốt nhẹ chân mày. Chỉ nhiêu đó cũng đủ cho khuôn mặt một người phụ nữ sáng bừng lên đầy sinh lực. Má có rất nhiều áo bà ba may bằng lụa một màu mặc với quần đen, là y phục truyền đời mỗi khi ra đường. Bà mẹ của một đàn con lít nhít vẫn giữ được cái eo thắt dưới tấm lưng thon sau chiếc áo bà ba. Chợ cách nhà chưa đầy 500m, không biết có cây si nào lấp ló chờ má trên đường hay không chớ chen vô chợ lấm lem mồ hôi mồ kê giữa cá mú rác rến thì còn gì.
Vừa khuất bóng là đàn gà con bắt đầu ngồi ngong ngóng chờ má. Má về chợ là có quà, bao giờ cũng vậy. Không gói kẹo bột thì cũng cái bánh phồng, bịch chè, củ sắn nước... Ngóng từ trong nhà ra tới cây khế giữa sân, xong ra tiếp tới cây bàng trước ngõ. Gặp bữa đứa út bé tí khóc chướng, đứa chị nách em bên hông thất thểu ra cổng đi dần về phía chợ. Má trong chợ vừa đi ra là đụng ngay, hoảng hốt thấy mấy đứa con mặt mũi tèm lem phơi nắng chang chang, inh ỏi loi choi kêu gào má ơi má hỡi.
Mưa bão không bỏ chợ đã đành, khi bịnh má cũng nhứt quyết xách giỏ đi, mặc ai nói gì thì nói. Con cá mớ rau phải tự tay lựa, tính toán cân lượng gia vị không thừa không thiếu, tùy buổi chợ mà lên thực đơn, sao giao cho ai được. Có năm giáp Tết, má sanh em bé mới được một tuần, nóng ruột quá bèn len lén trùm khăn mặc áo ra chợ mua sắm tất niên cho đúng ý làm cả nhà một phen thất kinh.
Rồi đàn gà con lớn lên tứ tán, lo vun vén cho tổ ấm nho nhỏ của mình. Chuyện chợ búa đối với mấy cô gà mái mơ ngày làm tám tiếng ở công sở là cả một cực hình. Mua cái gì về cũng bị má chê mắc, chê không tươi, không ngon bằng. Thôi thì đứa nào thuận đường cứ tạt về nhà gởi má mua cho. Vậy là cái giỏ của má ngày càng thêm trĩu nặng trong hân hoan, mỗi lần đi chợ về là bày ra cả vạt còn hơn hàng xén. Rổ này có cá rau ớt của con Ba, bịch này có thịt bò cà chua của con Năm, này là đường đậu sườn heo của con Sáu... Hôm nào thiếu vắng mối nào là má thắc thỏm không yên, lần chần chưa muốn xách giỏ đi, rồi chắt lưỡi thôi mua dư dư chút đứa nào thiếu thì ghé sớt bớt cho nó. Đón má về chợ bây giờ là mấy bác xích lô hom hem quen thuộc nơi cổng chợ kiếm chút tiền trà đá, xe ngừng thả cái kịch trước ngõ chỉ có ba ra mở cổng xách đồ phụ mà không cần đòi quà...
Sự “về hưu” nghề nội trợ của má ở tuổi ngoài 70, khi cho đến một lúc, má tự nhận ra mình không còn nhớ đường ra cổng chợ để về nhà, không phân biệt được tờ giấy bạc năm trăm ngàn và hai chục ngàn, bỏ hai lần muối vô tách cà phê, luộc gà quên làm lòng, và những món ăn dọn lên dần dần bị thừa lại bẽ bàng. Không còn đi chợ, không có việc nhà, không bạn bè, chùa chiền, không chăm con chăm cháu, không phim bộ tấu hài...
Mỗi ngày sau ba bữa ăn má ngồi trên ghế salon phòng khách nhìn ra đường, xuyên qua lớp cổng sắt luôn cài then. Ngồi chán, má qua nằm võng, vắt tay lên trán. Trong đôi mắt có phần ngây dại và trống rỗng của má, tôi đọc được sự tiếc nhớ xa xăm, niềm khắc khoải về một cái gì mơ hồ đã đánh mất. Đôi khi má nói sao thấy buồn buồn, và nhớ. Hỏi thì má nói nhớ cha mẹ, nhớ em út, hỏi chi. Nói, em má ở bên kia đường kìa, nhớ thì con dẫn qua thăm. Má nói, không, tao nhớ thằng Ba, nó ở xa. Thằng Ba là cậu ruột tôi, người mà tháng trước má mới gặp, cùng ngồi ăn uống cả buổi xong quay sang hỏi, ủa anh ở đâu mà tui thấy quen quen. Con cái ở xa về thăm, đứa nào cũng hỏi câu má nhớ con không má, biết con là đứa nào không. Má cười cười, biết sao không biết, mày là con của ba mày chớ ai. Bà con U60 cố cãi, không chịu, má phải nói tên con chớ, con tên gì. Bà má tám mươi chọc luôn, mày tên là con Chó...
Đón Tết, đã bao nhiêu năm trôi qua rồi má không còn được gói bánh, nấu bánh, làm mứt, phơi dưa kiệu, mắm tôm chua, thịt ngâm... Không còn những buổi chợ hối hả cuối ngày giáp năm để vét hết số tiền còn lại mua cho được cành mai chưng ba ngày xuân. Không còn lặn lội mua cặp quần đùi mới cho ba, mua đôi giày mới cho cháu. May ra thì ba sẽ rủ má lặt lá mai, dù cứ phải ngay ngáy dòm chừng vì sợ má bẻ luôn cả gốc lẫn cành như đã từng.
Những ngày tất bật cuối năm, người xe ầm ầm ngang nhà, phố xá rộn ràng tấp nập, chợ búa chen chúc, những đứa con xa nhà chạy vạy tàu xe khệ nệ quà cáp trở về nhà, có một đôi mắt lặng thầm thản nhiên trông theo...
ÁI DUY