Vừa bước vào nhà, đặt chiếc ba lô xuống, Nguyên đã chạy ra vườn...
Vừa bước vào nhà, đặt chiếc ba lô xuống, Nguyên đã chạy ra vườn:
- Ba má ơi, con về rồi nè!”.
Đang chăm chút mấy chậu mai còn sót lại trong cơn bão số 12, ông Tư Lợi và bà Hai Sương bỗng ngước lên. Nhìn thấy con, ông bà cười thật tươi:
- Nguyên về nghỉ Tết hả con? Có mệt không?
- Dạ, con không mệt. Bão làm cây cối hư hại nhiều, ba má hả?
- Bây giờ đỡ lắm rồi đấy. Hồi sau bão, mọi thứ ngổn ngang, may mà con bé Lan rủ mấy đứa bạn đến giúp giùm chứ không thì…
Bão qua đã mấy tháng nay, vậy mà dấu ấn của nó vẫn hằn lên từng thân cây, mặc dù đây đó những cành non đã bắt đầu vươn ra, tỏa lá. Cây me gần 30 năm tuổi bị nghiêng sang một bên. Cây bưởi da xanh cũng phải chằng chéo cho đứng thẳng. Cả chục chậu mai, giờ chỉ còn 2 chậu. Nguyên xót cho mảnh vườn nhà mình vì nơi này gắn bó với anh từ thuở ấu thơ với bao nhiêu kỷ niệm, trong đó có cả kỷ niệm với người bạn gái thân thiết, ở cách nhau chỉ vài nóc nhà, với cái tên rất đẹp: Ngọc Lan.
Nguyên và Lan học chung từ lớp 1 đến lớp 12 tại một thị trấn sầm uất, có con sông Cái hiền hòa chảy qua. Tốt nghiệp phổ thông, Nguyên vào TP. Hồ Chí Minh học đại học, còn Lan học tại một trường đại học cách nhà hơn 10km. Họ đã đi qua tuổi thơ êm đềm, lớn lên với những kỷ niệm ngây thơ, ngộ nghĩnh của tuổi học trò. Còn nhớ hồi bé, đồ chơi không có, dưới gốc cây me trong vườn, đám con nít rủ nhau lấy gạch dựng thành bếp, rồi lấy lon sữa to làm nồi nấu cơm. Nguyên được phân công đi kiếm lá rau ngót ở bờ rào về nấu canh, Lan thì về nhà lấy trộm ít gạo. Mấy bạn khác đi kiếm củi, bẻ cành cây làm đũa. Cơm nấu sống nhăn, vậy mà cả bọn túm tụm lại, ăn một cách ngon lành. Có năm vào dịp Tết, khi người lớn tất bật dọn nhà dọn cửa thì mấy đứa con nít lại rủ nhau đi hái những bông hoa nhỏ xíu, kết lại thành vòng để chơi trò cô dâu chú rể. Lớn lên, khi biết để ý đến nhau, những trò chơi ấy trở thành kỷ niệm. Hôm chia tay sau 12 năm học phổ thông, không hiểu sao Nguyên lại dúi vào tay Lan bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử. Bài thơ là cả một bức tranh xuân trong sáng, rạo rực, say mê, thơ mộng nhưng lại phảng phất một nỗi buồn. Bài thơ này Lan thuộc, vậy mà cho đến bây giờ, cô vẫn cứ muốn nhìn nét chữ của Nguyên…
Những kỷ niệm đẹp ấy lưu giữ mãi trong lòng hai người, nhưng chẳng ai nói ra với ai. Nguyên chơi thân với Lan đến mức ranh giới của tình bạn vững chãi quá, làm cho chàng trai chẳng dám thổ lộ tình cảm của mình. Một năm, rồi hai năm sau khi chia tay nhau vào đại học, hai người vẫn giữ khoảng cách với nhau, vẫn là tình bạn như hồi còn con nít. Cách đây một năm, cũng vào dịp Tết như thế này, Nguyên buồn lắm khi nghe Lan cho biết mình đã có người yêu, đó là Thắng, bạn cùng trường đại học. Nghe tin ấy, tim anh như muốn vỡ tung. Và lúc ấy, Nguyên chợt nhớ tới bài thơ của Hàn Mặc Tử mà anh tặng cô. Phải chăng, bài thơ đã ứng vào người mà mình thầm thương trộm nhớ.
Khi nghe ba má nhắc đến Lan, tự nhiên Nguyên lại cảm thấy có điều gì đó trào dâng trong lòng. Thì ra mấy tháng nay, vào những ngày nghỉ học cuối tuần, Lan đã đến nhà Nguyên để chăm sóc, giúp đỡ ba má anh. Vậy mà thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm bạn, Lan chẳng nói gì.
Sáng 28 Tết, đang lúi húi kê lại những chậu hoa trước sân thì bất ngờ có tiếng của Lan trong veo cất lên ngoài cổng:
- Ồ, Nguyên về rồi à? Có khỏe không?
- Nguyên chưa việc gì, còn Lan? - Nguyên mừng quá trả lời.
- Cũng chưa việc gì!
Nói xong, cả hai cùng cười.
- Cảm ơn mấy bữa sang giúp ông bà già nhen. Vậy mà gọi điện hỏi thăm, chẳng thấy nói gì cả.
- Chuyện nhỏ, có gì đâu mà nói.
Trò qua chuyện lại, một lát, Nguyên hỏi:
- Sao, chuyện tình cảm đến đâu rồi. Năm sau ra trường làm đám cưới luôn chứ?
Nghe Nguyên hỏi, Lan thoáng buồn:
- Chia tay rồi!
- Lý do?
- Có một số điểm không hợp.
- Cứ đùa!
- Thật mà…
Bâng quơ một lát, Lan bảo nhà mình có việc phải về, hẹn khi khác sang chơi. Nguyên tiễn cô bạn ra tận cổng.
Quay vào nhà, Nguyên cứ băn khoăn, chuyện của Lan và Thắng có phải đã chấm dứt rồi không? Buổi chiều và tối hôm ấy, anh chẳng làm được gì, cứ đi ra đi vào như người mất hồn.
Buổi sáng thức dậy, Nguyên chở má ra chợ. Đang đứng ở cổng chợ đợi má thì anh gặp Huyền, bạn cùng thời phổ thông.
- Trời, về khi nào vậy?
- Mới về hai bữa nay. Ở ngoài này học có vui không?
- Sinh viên ở đâu chẳng như nhau. Ông có bạn gái chưa?
- Chưa, giới thiệu cho một người đi.
- Vậy thì ông yêu Lan đi.
- Người ta đang có bạn trai, tự nhiên bà lại gán cho tui.
- Không, trước có quen một anh chàng nhưng bây giờ thì hết rồi. Lan nó thích ông lắm nhưng tui thấy ông cứ im hoài.
Hai chữ “im hoài” của Huyền đã làm cho Nguyên suy nghĩ. Ừ, Huyền nói đúng. Tại sao mình lại nhút nhát như vậy. Có thể Lan cũng đang chờ mình?
Chở má đi chợ về, Nguyên sang thăm nhà Lan, và quyết định sẽ rủ cô bạn gái buổi tối đi uống cà phê để tìm cách bày tỏ lòng mình. Nhưng khi đến cổng, thấy Lan đang ngắm những dây hoa lộc vừng trước sân, anh chàng cảm thấy bối rối. Lẽ ra phải chào Lan thì Nguyên lại hỏi:
- Lan có tập thơ của Hàn Mặc Tử không, Nguyên mượn một chút.
Nghe hỏi, Lan tròn mắt:
- Không có. Tết nhất mà cũng đọc thơ à?
- Muốn đọc lại bài “Mùa xuân chín”.
Như hiểu được tâm trạng của người bạn thân, Lan chỉ cười, rồi bảo: “Lãng mạn ghê ha!”.
Đã trưa, mặt trời từ trên cao rọi xuống, chiếu những tia nắng xuyên qua kẽ lá, tạo nên những chiếc bóng lung linh. Nguyên thấy giữa hai người không còn khoảng cách như trước. Nguyên đưa tay định nắm tay Lan nhưng vội rụt lại vì bất chợt từ trong nhà có tiếng vọng ra:
- Lan ơi, châm nước vào nồi bánh chưng giúp mẹ nghe!
Ở đầu hè, bên mấy khóm hoa vạn thọ, nồi bánh chưng đang bốc khói, tỏa hương thơm nức.
Truyện ngắn của Anh Ngọc