Cơn mưa tháng Chạp lay phay rải đều trên bầu trời. Chỉ có vài bước ra sân mà khi sờ lên đầu đã thấy ẩm ướt tay. Ông đành phải ngồi xuống chiếc ghế bên hiên. Từ đây nhìn lên qua kẽ ngói vỡ vẫn thấy những mảng mây bay là là như khói, bất giác tiếng thở dài kèm theo tiếng khò khè.
Cơn mưa tháng Chạp lay phay rải đều trên bầu trời. Chỉ có vài bước ra sân mà khi sờ lên đầu đã thấy ẩm ướt tay. Ông đành phải ngồi xuống chiếc ghế bên hiên. Từ đây nhìn lên qua kẽ ngói vỡ vẫn thấy những mảng mây bay là là như khói, bất giác tiếng thở dài kèm theo tiếng khò khè.
Bây giờ ông mới được hưởng chút tĩnh lặng, bởi nhà ở xóm chợ, từ nửa đêm đã ồn ào. Với ông, âm thanh tưởng hỗn tạp đó nhưng lại rất rành rọt, tiếng nào ra tiếng đó. Nằm trên giường ông chơi trò lọc từng âm thanh như người nhấm nháp ngụm trà nóng. Âm thanh đầu tiên từ xa tới rồi tắt chính là vó ngựa quen thuộc suốt hơn 60 năm qua khi ông tới ngôi nhà này. Bây giờ cho dù thời của xe ô tô nhưng nhiều người quê vẫn dùng phương tiện cổ từ thế kỷ trước, chắc có lẽ đường quê lắt lẻo, ngựa lại khôn quen đường nên làm cho người lái đỡ vất vả hơn lái xe ô tô chăng? Tiếng người xôn xao nhưng rất thì thào, đồ dỡ xuống nghe nặng chịch, rồi sau đó chỉ còn tiếng phụ nữ. Đó là những người bỏ sỉ với người buôn mối rau củ quả. Người dân gọi đây là chợ âm phủ vì chợ mở từ sau nửa đêm tới rạng sáng thì biến mất, lúc đó chỉ còn tiếng chổi quét xào xạc của công nhân vệ sinh. Khi mọi người đi ăn sáng thì tất cả không còn một dấu vết gì nữa. Kể cũng khổ cho những cuộc mưu sinh như thế, lúc ngủ ngon nhất thì phải dậy đi làm, mà làm một cách cật lực hối hả như để chạy với thời gian.
Giờ nó là ngôi nhà còn sót lại gần như cuối cùng ở góc này cùng với cây gòn cao vút. Trải qua hơn 70 năm, có bao biến đổi từ khi ngôi nhà ông hướng ra Đầm Én. Rồi đầm lấp cạn thành chợ tròn, phía bên kia xây 2 chung cư cao ôm lấy chợ. Mới đây có mấy chung cư nữa cũng xây nhưng xóm chợ nhỏ bé ẩm thấp của ông vẫn y nguyên không ai đụng tới. Nếu nhìn sơ qua thì nó thật tàn tạ. Nhưng với người lãng mạn thì coi đó là cổ kính, mang rêu cũ của thời gian. Cũng đúng vì qua bên tường là mái đình miếu thờ Thần Nam Hải. Ngày trước hay có hát Án hay lễ hội cúng thần tháng Giêng rất ồn ào nhưng lại đậm màu biển cả. Từ ngày nó được xây hội trường, ông chỉ nghe tiếng loa ầm ầm nói những điều cho những người làm việc. Nó không thú vị như tiếng chợ âm phủ mà hàng sáng ông vẫn thường nghe.
Thời gian trôi đi, từ ngôi nhà này, những đứa con ông lớn lên, có đứa đi nước ngoài, đứa lên miền xa, đứa ở thành phố. Vợ ông - người phụ nữ tần tảo may mắn vẫn ở với ông trong ngôi nhà này. Hồi xưa, thời đi làm trước giải phóng, mỗi buổi sáng bà làm cho ông ly cà phê sữa, ổ bánh mì ốp la, hay thỉnh thoảng làm ly soda đánh trứng gà… Ông thấy rất thích bàn tay của bà nhẹ nhàng như lời nói, bà đặt ly cà phê hay tô mì lên bàn cho ông ăn rồi lui nhẹ. Bà gốc Huế nên vẫn giữ phẩm chất của người phụ nữ xứ này thiên về gia đình. Ngày Tết, bà cùng các con gái trổ hết tài hoa tay bày cỗ cúng gia tiên. Còn ông, ngày xưa, ông cũng bắt chước các cụ chơi thủy tiên. Ông học cách tỉa củ ngâm nước và công phu chờ đợi phút giao thừa khi vừa thắp hương cúng tổ tiên, đốt xong bánh pháo rồi ngồi vào chờ bông thủy tiên đầu tiên nhú từ củ trong veo, trắng ngần thanh khiết…
Nhưng ngày đó đã xa rồi, ngôi nhà này đang tàn tạ theo thời gian, cây mai núi năm xưa gốc đã sâu tới hơn nửa phần, lại đang mục, chắc chỉ hết xuân này nó sẽ đổ. Dù rất duy lý nhưng ông cũng hơi ớn lạnh, liệu cây cũng như người già, rồi sẽ chết? Điều rất buồn là đã mấy mùa xuân qua gia đình không đoàn tụ được tất cả, năm thiếu đứa này, xuân thiếu cháu kia…
Trời hửng, ông bước ra sân, mắt chợt sáng lên ở góc sân chỗ bức tường đổ chưa sửa lại một bụi tường vi nở hồng, mỗi chùm hoa lăn tăn đong đưa như khói lan. À đúng rồi, đây là cây tường vi ai vất ngoài đống xà bần ông nhặt lên đem về dúi ở góc sân, vậy mà nay đã vươn đầy tược lá bạc nõn nà… Thế đấy, bụi tường vi bên thềm vẫn nở, với ông đó là mùa xuân nho nhỏ nhưng đầy ấm áp.
Lê Đức Dương