Nhà ông chủ mà tôi giúp việc gần 5 năm nay là một gia đình khá giả. Ông là anh đầu. Sau ông có 3 người em gái, tất cả đã ở riêng. Cha mẹ họ mất đi để lại một mảnh đất khá rộng, chừng 2ha, ở một xã ngoại ô thành phố. Mảnh đất vuông vức lắm, lại có mặt tiền khá dài.
1. Nhà ông chủ mà tôi giúp việc gần 5 năm nay là một gia đình khá giả. Ông là anh đầu. Sau ông có 3 người em gái, tất cả đã ở riêng. Cha mẹ họ mất đi để lại một mảnh đất khá rộng, chừng 2ha, ở một xã ngoại ô thành phố. Mảnh đất vuông vức lắm, lại có mặt tiền khá dài. Hưởng của cải theo di chúc, ông chủ được 1 lô tiếp giáp hai mặt tiền. Bên cạnh là đất của cô Ba và cô Tư. Cô Út ít có công với gia đình hơn nên có miếng ở phía sau, tuy rộng hơn. Khi thành phố mở ra, mảnh đất của ông bà để lại giá bỗng cao ngất ngưởng. Có nhà mặt tiền, ông chủ và hai bà cô giàu lên nhanh chóng. Riêng cô Út, khi đất vừa chia thì đã phải bán ngay để lấy tiền mổ tim cho đứa con, chỉ để lại một phần làm nhà ở. Mấy năm trước, khi chưa được chia đất, vào ngày lễ, Tết, cô Út và tôi tất bật lo dọn dẹp nhà cửa cho ông chủ, rồi chuẩn bị các món ngon từ trước đó mấy ngày. Với tôi, cô Út là người dễ gần, dễ nói chuyện nhất. Cô là người ít học nhưng việc đối nhân xử thế so với những người khác trong gia đình thì hơn hẳn. Có lần tôi hỏi nhỏ:
- Cô Út, sao ông bà lại chia cho cô miếng đất ở phía sau?
Một lúc, cô trả lời:
- Chồng cô không được lòng nhà ngoại. Với lại, gia đình cô nghèo, không có điều kiện chăm lo nhiều cho ông bà. Cô chỉ có cái công thôi.
Tôi hỏi lại:
- Ông bà ghét dượng thì phải thương cô chứ, miếng đất của cô ở phía sau như vậy, thiệt thòi quá.
- Thôi con ạ. Nhà người ta, cha mẹ không để lại tài sản thì sao. Được như vầy là tốt lắm rồi, cô chẳng nghĩ gì cả.
2. - Còn một tuần nữa là đám giỗ ông nội. Lần này tính sao đây ông? - Bà chủ hỏi ông chủ.
- Có gì đâu mà tính. Thì cũng như mọi năm. Cô Ba, cô Tư đóng tiền, cô Út mang tới cặp gà. Phần còn lại, mình lo.
- Năm nay không nấu nướng như mọi năm đâu. Đặt người ta nấu là nhanh gọn nhất. 40 người, đặt 4 bàn, mỗi bàn 2 triệu, vị chi 8 triệu đồng. Thế là chu đáo lắm rồi. Còn phải lo đám giỗ bà nội sắp tới nữa chứ.
Nói xong, bà chủ làu bàu:
- Bây giờ cô Út còn mang cúng gà với vịt. Ai mà làm thịt?
- Thì cô Út với con Bẻo chứ ai? Bà có làm đâu mà lo!
- Thế cũng không được. Mình có cần gà đâu. Sát sinh trong nhà là mang tội đấy!
Nói rồi, bà chủ lẳng lặng bỏ xuống bếp. Tôi đang xếp đống đồ chơi của thằng bé con ông bà chủ, thấy “tình hình” căng thẳng nên vội vàng thu dọn cho xong. Ở nhà này, ông bà chủ giàu có nhưng sống với nhau không hạnh phúc. Từ khi được chia đất, tính hai người thay đổi hẳn. Ông chủ ngày đêm chơi bời, không lo làm ăn; bà chủ thì coi ai không ra gì vì bỗng dưng trong nhà có khối tài sản lớn với 2 căn nhà cho thuê.
Ngày hôm sau, cô Út đến nhà ông chủ chơi. Bà chị dâu từ xa nhìn thấy cô Út có vẻ không ưng bụng, đi thẳng lên lầu. Cô Út xuống bếp. Thấy tôi, cô buồn buồn:
- Gà nhà cô bị bệnh hay sao mà có mấy con đứng ủ rũ như tàu lá héo. Lo quá, kiểu này dịch lây lan, sợ không có gà để cúng ông.
Thương người phụ nữ khốn khó, tôi kéo cô lại nói thầm:
- Cô ơi, con nói thiệt nhé. Cô cúng ông bằng tiền đi, chứ con thấy bà chủ không thích mang gà sang đây đâu.
- Sao vậy? Góp bao nhiêu tiền thì được hả con?
- Con hổng biết, nhưng con thấy bà chủ nói với ông chủ rằng cô Ba và cô Tư, mỗi người góp một triệu rưỡi.
Nghe tôi nói, cô Út trầm ngâm một hồi rồi thở dài, dắt chiếc xe đạp ra về, chẳng lên lầu chào bà chủ.
3. Chặt mấy buồng chuối đi bán, cộng thêm số tiền để dành trong nhà, cô Út chỉ có trong tay được 300.000 đồng. Cô đi thẳng đến nhà anh.
- Em có chừng này góp vào cúng ba, chị cầm giúp. Gà nhà em bị bệnh hết rồi.
- Được đấy, có tiền đặt cho người ta nấu. Bày vẽ gà vịt làm gì.
Nói xong, bà chủ cầm chiếc phong bì tiền, rồi để nó lên bàn.
Đến khi ông chủ về, thấy chiếc phong bì liền hỏi:
- Phong bì của ai đây?
- Cô Út không cúng gà nữa mà cúng tiền - bà chủ trả lời.
Ông chủ mở chiếc phong bì, rút ra 3 tờ 100.000 đồng, rồi đưa cho bà chủ.
- Hả, có chừng này thôi sao?
- Có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều. Nhà cô ấy khó khăn, có tấm lòng là được.
- Xì, khó với chẳng khăn. Con nào không là con. Chỉ có ngày giỗ cha mà cũng tính toán. Đất ngày xưa chia đều, đứa nào cũng có phần, nghèo gì mà nghèo.
- Thôi kệ, cô ấy cũng có hoàn cảnh riêng - ông chủ muốn đấu dịu nên nói ngắn gọn rồi dắt xe ra khỏi nhà.
Mọi việc đến đó tưởng kết thúc, ai ngờ một lát sau, cô Tư đến chơi. Sau lời chào hỏi, bà chủ nói với cô Tư:
- Cô và cô Ba phải góp thêm tiền để lo giỗ cha, chứ anh chị không lo nổi đâu. Cô Út mới qua đây, góp có ba trăm ngàn à.
Cô Tư nghe vậy lập tức nói ngay:
- Mấy năm trước, lần nào nó cũng mang có hai con gà, còn lần này lại góp có 300 ngàn đồng. Để đó, tôi bảo nó nộp thêm. Kỳ thiệt!
Nghe họ nói, tôi thấy lo cho cô Út. Cô nghèo nhưng rất giàu tình cảm, luôn yêu thương giúp đỡ mọi người, không phải chỉ trong nhà mà cả hàng xóm láng giềng. Tôi không biết, đến ngày giỗ ông, bà chủ và các cô có mặt nặng mày nhẹ với cô Út không; rồi lúc đó cô Út sẽ xử sự ra sao.
Buổi chiều, nhân lúc rảnh, tôi ghé qua nhà cô Út, định nói khéo cho cô biết chuyện này để tìm cách đối phó. Nhưng tôi đã im lặng. Làm sao nói được khi nhìn thấy cảnh cô Út với vẻ mặt thảm não đang loay hoay với mấy con gà bị bệnh tả ở đầu sân.
Bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Thiệt tội cho cô Út!
. Truyện ngắn của Anh Ngọc