07:12, 13/12/2017

Có một nụ tầm xuân bất tử…

Trong kho tàng ca dao, thơ ca dân gian Việt Nam đầy ắp những bài trữ tình đằm thắm; trong đó, mười câu biến thức song thất lục bát của bài Nụ tầm xuân là một điển hình. Sở dĩ gọi biến thức song thất lục bát vì hai câu mở không theo quy ước thi ca kinh điển song thất, mà là hai câu lục bát biến thể.

Trong kho tàng ca dao, thơ ca dân gian Việt Nam đầy ắp những bài trữ tình đằm thắm; trong đó, mười câu biến thức song thất lục bát của bài Nụ tầm xuân là một điển hình. Sở dĩ gọi biến thức song thất lục bát vì hai câu mở không theo quy ước thi ca kinh điển song thất, mà là hai câu lục bát biến thể. Sau đó tiếp diễn một câu bảy chữ và một câu tám chữ, tiếp đó là 4 câu lục bát, và kết bài bằng hai câu song thất.


Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Trèo lên cây bưởi, bước xuống vườn cà, những hình ảnh miền quê thân thuộc qua hàm ngữ đối sánh: xa - gần, cao - thấp, nở hoa - búp nụ. Sắc màu chân quê - trắng trinh nguyên hoa bưởi, tím dịu dàng hoa cà, xanh biếc nụ tầm xuân, hay có thể phơn phớt hồng duyên dáng gợi cảm bày ra. Hình ảnh trèo lên dễ làm cho người hát, ca, ngâm vịnh nghĩ đến bài ca trữ tình “Trèo lên cây khế nửa ngày/Ai làm chua xót lòng này khế ơi!”; hay là một mô-típ trèo lên theo lục bát biến thể - “Trèo lên cây khế mà rung/Khế rụng đùng đùng, không biết khế ai…”.


Sự tái lập nụ tầm xuân ở câu thứ ba làm nên một thực tại đau lòng - Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay! Bây giờ (anh) không dám Chạm vào một nhánh tầm xuân/Dẫu xanh biếc nụ, dẫu ngần ấy quên (Bế Kiến Quốc) và Tầm xuân hoa nở bên rào/Mưa phơn phớt ngõ, gió xao xuyến chiều ấy, giờ đây đã trở thành nỗi đau hoài niệm.


Bây giờ - thời gian hiện tại - sự việc đang là, một người bày tỏ nỗi nuối tiếc, một người nhẹ nhàng, dịu ngọt trách cứ mà nghe sao đến da diết tận đáy lòng! - Ba đồng một mớ trầu cay/Sao anh không hỏi những ngày còn không. Âm tiết hỏi làm nên một từ vựng ngữ nghĩa đa tầng: bắn tin, dạm hỏi, lễ hỏi, ăn hỏi, cưới hỏi. Và còn không là còn ở với mẹ già, còn trinh trắng. Người con gái đau đớn trần tình: Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng, như cá cắn câu. Lời thơ như được nhốt lại, buộc vào trong hàm ngữ sâu sắc của sự ẩn dụ, so sánh mang tính thẫm mỹ.


Thế rồi, thi pháp ca dao bất ngờ chuyển sang hai câu bảy chữ khép lại bài ca - Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra làm cho người đọc, hát, ngâm, vịnh hình như cảm thấy bài ca dao chưa chấm hết ở đó, ý ca dao còn được diễn mở trong thành tố biết thuở nào ra. Nỗi tuyệt vọng u hoài tiếc nuối viễn ảnh con sáo sổ lồng.


Hai câu đầu của bài ca dao bất hủ chỉ là lời mượn cảnh tỏ tình, giãi bày nội tâm hụt hẫng của chàng trai, mà thực ra chính là em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay! Để trần tình nỗi khổ đau của mình, người con gái tỏ bày liền mạch dòng ngữ lưu sáu câu - bốn câu lục bát và hai câu song thất. Đây cũng là một điểm nhấn của bài ca dao mặn mà, quy chiếu, giải trình cặn kẽ, nói cho hết ý của nhân vật chủ thể. Cấu trúc chuyển nhịp, giọng điệu, biến thức thơ bất ngờ, tạo sắc màu cảm xúc, phản ánh tâm trạng bối rối trong cách phân trần của cô gái trước người yêu.


Với mười câu hát, hai lần xuất hiện từ vựng em - anh, nhưng ngữ ý khác nhau của xao xuyến chủ thể, và chỉ một lần cô gái gọi anh. Em - anh trong bài ca dao là những nhân vật trữ tình mang tính phiếm chỉ, nhưng hàm ý chung nhất cho những hoàn cảnh đau lòng của bất cứ ai rơi vào.


Đa tầng ngữ nghĩa, hình tượng nghệ thuật trữ tình, tự sự giãi bày, đối đáp nhẹ nhàng, những thi liệu quen thuộc… bài ca dao Nụ tầm xuân đã thực sự trở thành một trong những viên ngọc bích lấp lánh của thơ ca dân gian Việt Nam.


Võ Khoa Châu