Nhà xuất bản Phụ nữ vừa ra mắt tác phẩm Người Việt tử tế của 2 tác giả Nguyễn Một - Lê Thành Phong. Tử tế lúc nào cũng cần, nhưng trong cơn hoạn nạn thì con người cần phải tử tế với nhau hơn.
Nhà xuất bản Phụ nữ vừa ra mắt tác phẩm Người Việt tử tế của 2 tác giả Nguyễn Một - Lê Thành Phong. Tử tế lúc nào cũng cần, nhưng trong cơn hoạn nạn thì con người cần phải tử tế với nhau hơn. Nhà văn Nguyễn Một kể chuyện bà chị ở quê khi hay tin hàng xóm mổ thịt con heo chết đã sang mua mấy ký thịt đem về chôn như một cách góp thêm cho láng giềng ít vốn để mua con giống. Rồi chuyện ông cậu ở quê nhà xứ Quảng mỗi khi ra đường gặp đám tang, bao giờ ông cũng ngả nón để bày tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Nhà báo Lê Thanh Phong lại kể về những chuyện tử tế mà anh gặp được trong quá trình làm nghề, như chuyện một người phát tâm từ bi xin được đóng học phí giúp trẻ em nghèo ở Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) không phải bỏ học… Cứ vậy, những câu chuyện mà hai cây bút này đem đến với độc giả như một lời nhắc nhở, kêu gọi về việc hãy sống tử tế.
Có không ít những lời than vãn rằng xã hội ngày nay sao quá ít điều tử tế. Nhưng nhìn kỹ lại, chuyện tử tế, điều tử tế luôn ở quanh ta. Ngay trong những ngày này, ta có thể bắt gặp rất nhiều chuyện tử tế. Sau khi cơn bão số 12 đi qua, nhiều tổ chức, công ty đã ủng hộ Khánh Hòa hàng chục tỷ đồng để khắc phục bão lũ. Hàng chục chuyến từ thiện đã đưa hàng, tiền cứu trợ về với đồng bào đang trong hoạn nạn. Ngay trong cộng đồng dân cư cũng có nhiều chuyện tử tế. Một chủ doanh nghiệp ở Ninh Hòa có xe tải nhỏ sẵn sàng chở đồ miễn phí cho người dân khắc phục nhà cửa sau bão, chở hàng từ thiện. Những hộ gia đình ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh đón hàng xóm có nhà bị sập, tốc mái về trú ngụ trong nhà mình trong những ngày sau bão.
Vâng! Tử tế nào có gì đâu cao xa, đâu cần phải là điều gì đó quá sức, chỉ cần có cái tâm, người ta có thể làm được điều tử tế. Trong những ngày mưa bão này, chụp tấm ảnh về một địa chỉ phát cơm từ thiện, về một cửa hàng tôn bán đúng giá, một cửa hàng nhận sửa nhà nhanh cũng là góp phần làm lan tỏa những điều tử tế. Thế nhưng, trong đời sống hối hả, vì vô tâm, chúng ta đang ít thực hành những điều tử tế. Cả con ngõ ngập rác nhưng ai cũng ngồi ta thán chứ không xem đó là việc của mình. Buồn hơn nữa, có những người lợi dụng sự sơ hở của người dân để trộm cắp, hôi của sau bão. Nhìn hình ảnh người ta tranh giành tháo dỡ các thùng nhựa từ những lồng bè của người nuôi tôm cá bị vỡ ở Vạn Ninh mà không khỏi buồn lòng. Liệu người ta có giàu hơn, cuộc sống có tốt đẹp hơn sau những việc làm như vậy không?
Thời đại nào, xã hội nào cũng có kẻ xấu, cái xấu. Để đẩy lùi cái xấu trước hết cần phải đánh thức sự tử tế, kêu gọi mọi người hướng đến những việc tử tế từ những việc nhỏ nhất. Bởi thực tế cho thấy, có người đi nước ngoài trở về luôn khen đường phố sạch sẽ, không kẹt xe, nhưng chính những người đó khi ở trong nước thì xả rác bừa bãi, chen lấn, chiếm đường, gây ùn tắc giao thông… Chuyện tử tế, điều tử tế cần phải được nuôi dưỡng như một mạch nguồn văn hóa của dân tộc. Còn nhớ, trong phim tài liệu Chuyện tử tế, đạo diễn Trần Văn Thủy có viết: “Tử tế luôn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế và đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hoặc trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia dẫu có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - Người Tử Tế - trước khi mong muốn và chăn dắt họ thành những người có quyền hành giỏi giang hoặc siêu phàm”.
Hãy làm những điều tử tế nhỏ nhất, ngay xung quanh mình!
THÀNH NGUYỄN