Mở mạng một sớm mai, đọc được trên facebook của một đồng nghiệp những dòng như thế này: Có những khi phải lặng lẽ lục tìm danh bạ điện thoại, âm thầm xóa đi một dòng tên…
Mở mạng một sớm mai, đọc được trên facebook của một đồng nghiệp những dòng như thế này: Có những khi phải lặng lẽ lục tìm danh bạ điện thoại, âm thầm xóa đi một dòng tên…
Có mấy chữ thôi mà khơi gợi trong mình bao nhiêu thứ. Những chỗ trống để lại, một số điện thoại, một dòng tên, một chỗ ngồi, một gương mặt thân quen, hay thậm chí cả những bóng người mình chẳng kịp biết mặt, nhớ tên…
Trống. Như cái cảm giác của đứa con ngồi giữa mênh mông của hồ sen quê nhà mà day dứt với nỗi nhớ cha. Rằng, biết đâu ngày xưa cứ để cha sống ở quê với vườn tược vịt gà, với ruộng đồng bờ bãi, đừng vì con bỏ quê lên phố thì đâu đến nỗi có một ngày bất chợt cha rời bỏ gia đình mà đi... Để hôm sau thôi, khi nỗi đau còn chưa kịp nguôi, con đã phải quen với việc không có cha bên mình, quen với những việc cha từng làm mỗi ngày, quen với việc thay cha gánh vác gia đình, làm chỗ dựa cho mẹ và em...
Trống. Ấy là cái khoảng trống bất ưng ùa tới khi dọn dẹp đống sách báo cũ kỹ từ năm nảo năm nào, bắt gặp tấm thiệp nhỏ của một nhà báo quê phố biển, công tác ở một tờ báo lớn ở TP. Hồ Chí Minh gửi chúc Tết một cộng tác viên là mình dịp Tết Nguyên đán 13 năm trước. Con người ấy mình biết đến nhưng chẳng quen mặt, bây giờ nhân ảnh cũng đã mờ đi theo những con chữ viết tay trên tấm thiệp đã ố vàng. Để bây giờ mới tự hỏi, có phải chăng đó là sự đồng cảm của một người đồng hương giữa phố lạ gặp nhau qua trang viết, và tấm thiệp chúc như lời cảm ơn vì đã nói hộ lòng mình dăm tiếng nói, dăm nỗi nhớ quê nhà.
Đó còn là một chỗ nằm trong bệnh viện, chỗ nằm toàn dây dợ, chai truyền, toàn mùi thuốc của người thân, của bệnh nhân cùng phòng. Đứa em trai đầu đã bạc, xông pha chiến trường thuở nào với 4 ngón tay để lại đất rừng Tây Nguyên, mà giờ nằm đấy, thiêm thiếp vì những liều mooc-phin bác sĩ tiêm cho vợi bớt cơn đau lan khắp người. Để có một mái đầu bạc hơn sáng sáng đến bệnh viện, nắn nắn đôi bàn tay gầy guộc ấy mà vỗ về, hay có khi bắc ghế ngồi lặng lẽ ở cuối giường bệnh, lặng lẽ ngắm nhìn gương mặt đứa em trai chợp mắt trong những phút giây ngắn ngủi. Cũng có đôi lúc nào đó đôi mắt ấy hé mở, môi mấp máy bên tai mấy chữ thèm cơm mà nghe ứa nước mắt. Giữa cuộc sống đủ đầy thế này mà vẫn có người bảo rằng thèm một bát cơm, dù chỉ là bát cơm trắng thôi. Thèm còn hơn ngày xưa thèm cơm trắng của mẹ, thèm nắm cơm một thời đi đánh giặc có thời gian dài bị lọt vào trận tập kích của địch, cùng đồng đội ăn dưa leo và măng rừng cầm cự… Đứa em mới hôm nào còn cùng đoàn văn nghệ sĩ háo hức ra Trường Sa, háo hức kể về mỗi bước chân mình trên những đảo nổi đảo chìm, từ sự quan tâm săn sóc của những người bạn đồng hành trên chuyến tàu lênh đênh ra đảo, đến tô mì tôm, đến chiếc giường đơn sơ người đảo trưởng nhường cho mình, người già nhất chuyến đi khi đã ngoài 60 tuổi. Để những ngày sau đó khi về đất liền rồi, thỉnh thoảng lại nhận được những món quà của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ấy là những con cá, con mực tươi roi rói các anh đánh bắt được và gửi vào đất liền. Cả bài bút ký in trên báo Văn Nghệ, hay bức ảnh chụp mình trên bài báo xuân của người đồng nghiệp như mãi còn theo tháng năm về những kỷ niệm trong chuyến hải trình hơn 10 ngày ở hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc... Giờ thì nằm im đấy, không hay biết bên cạnh mình có một người khóc ngặt khi nghe một mái đầu bạc đã 96 tuổi khóc rưng rức qua điện thoại, bảo không còn đủ sức để làm một chuyến bay vào trong ấy để nhìn mặt đứa con trai lần cuối, để tiễn con đi một đoạn đường cuối cùng. Nỗi đau cuối đời của một người cha. Mới mấy tháng trước thôi, ông còn vào dự đám cưới đứa cháu nội, vậy mà… Nước mắt của con giờ thì cũng chẳng thể dùng để lau nước mắt của đấng sinh thành, cũng chẳng thể vỗ về được nữa. Nghe yêu thương trong mình sao quá đỗi mong manh.
Ấy còn là trống một chỗ ngồi trên vỉa hè, giữa những cái bàn ghế cũ thấp lè tè của quán cháo sườn khi chạy xe ngang qua góc đường quen thuộc. Quán cháo của một cụ bà cũng xấp xỉ 85 tuổi, bao nhiêu năm qua là kế sinh nhai nuôi cả nhà. Mỗi sáng, lại quen với dáng cụ ngồi thu gối, tay run run chậm rãi múc từng vá cháo vào tô cho khách. Khách đến quán quen hương vị thơm của tô cháo, quen cả cách cụ lẩm bẩm đếm từng vá cho đủ, bao nhiêu tiền ứng với bấy nhiêu vá. Cũng đôi lần thấy quán nghỉ, ấy là những hôm cụ ốm. Giờ thì vắng lặng luôn, kể từ một ngày mưa, cứ như thể nước mắt ông trời cũng sụt sùi tiễn đưa cụ...
Cũng có một chỗ trống chỉ mới mấy hôm thôi mà sao khiến mình làm gì cũng lóng nga lóng ngóng, cũng quên trước quên sau. Một chỗ ngồi để trống mà khiến mình phải nhớ. Một nỗi nhớ mơ hồ mà như một điểm tựa, như đôi khi muốn có một ai đó ở cạnh bên, như ai đó rồi cũng có lúc thèm một bờ vai cho mình.
Những khoảng trống để lại, dù xa hay gần, dù có hay không tuổi tên…
B.T