06:10, 11/10/2017

Những nụ hôn trong bóng đêm

Tôi có đứa cháu ngoại mới lên sáu. Một đứa bé sáu tuổi thường thấy cái gì cũng hỏi, toàn những câu hỏi ngây thơ, trong veo. Mới đây theo mẹ về thăm, một lần nhìn tôi thắp hương lên bàn thờ, cháu hỏi: "Ông ngoại ơi! Tấm hình trên kia là hình của ai?".

Tôi có đứa cháu ngoại mới lên sáu. Một đứa bé sáu tuổi thường thấy cái gì cũng hỏi, toàn những câu hỏi ngây thơ, trong veo. Mới đây theo mẹ về thăm, một lần nhìn tôi thắp hương lên bàn thờ, cháu hỏi: “Ông ngoại ơi! Tấm hình trên kia là hình của ai?”. “A, đó là hình của ông cố!”. Mắt đứa cháu gái tròn xoe ngước lên, quan sát một cách chăm chú, rồi hỏi tiếp: “Nhưng ông cố là ai?”. “Ông cố là cha của ông ngoại!”. Đứa cháu ngoại gật gật cái đầu làm hai bím tóc đung đưa, tỏ ý mình đã hiểu, nhưng một lát, khi tôi giải thích “ông cố đi xa, không về nữa” thì cháu lại hỏi: “Ông ngoại có nhớ cha của ông ngoại không?”. “Có, có chứ! Ông ngoại nhớ cha của ông ngoại lắm!”. “Vậy cha của ông ngoại có thương ông ngoại không, có hay hôn lên trán ông ngoại không?”. “Có! Có!”. Tôi đáp vội sau một thoáng bối rối trước câu hỏi khá ngộ nghĩnh và đầy bất ngờ, nhưng sau đó lòng nhói đau khi nhìn lên tấm ảnh lồng trong tấm giấy gương màu đỏ.

 

Tôi là đứa con không may mắn có cha sống bên cạnh. Tôi chào đời đúng vào lúc vừa tròn một năm khi đất nước bắt đầu chia cắt theo tinh thần của Hiệp định Gienève. Vốn là một cán bộ Việt Minh nhưng cha tôi không thuộc diện đi tập kết mà được phân công ở lại miền Nam để hoạt động. Ngày ấy, cũng như nhiều vùng quê khác, ở quê tôi, chính quyền Ngô Đình Diệm thường tổ chức những đợt truy quét rất gắt gao nhằm đàn áp phong trào cách mạng. Rất nhiều cán bộ của ta đã bị bắt giam và không ít người đã bị tra tấn đến chết. Để hoạt động, cha tôi phải trốn lên rừng cùng nhiều cán bộ khác và đêm đêm bí mật về các thôn xóm móc nối, gầy dựng cơ sở. Khi bắt đầu hiểu biết, tôi hỏi mẹ: “Cha con là ai? Sao không thấy?”. “Cha con đi xa! Rồi một ngày sẽ về!”. Mẹ nói rồi dặn dò: “Đừng hỏi về cha, khi có người khác ở bên cạnh!”. Tôi nghe lời mẹ, nên dù bạn bè có khoe về cha mình điều này, điều nọ tôi đều lặng im.


Năm tôi lên tám, giữa khuya, đang ngủ say trên chiếc giường tre, giật mình thức giấc, thấy có ai đó ôm chặt lấy người tôi, hôn lên trán và phả vào mặt tôi mùi mồ hôi rất lạ. Tôi hoảng sợ la toáng lên. Trong bóng đêm, mẹ vội vàng đưa tay bịt miệng tôi và nói nhỏ: “Cha con vừa về và vừa hôn con đó! Đừng nói to, mọi người biết!”. “Thế cha con đâu?”. “Vì con la to nên cha đi rồi! Lần sau cha lại về!”.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Cũng từ đó, qua lời giảng giải của mẹ, tôi dần hiểu ra vì sao cha tôi không được ở gần tôi và gia đình. Đêm đêm nằm ngủ, tôi chờ đợi và rồi tôi đã gặp được cha. Mặc dù quanh làng những hàng rào của ấp chiến lược căng dày những lớp chông nhọn và dây thép gai, nhưng thỉnh thoảng cha tôi lại về đúng vào những lúc giữa khuya. Mẹ đã đánh thức tôi dậy và trong bóng đêm, tôi đã được cha ôm ấp. Trước khi đi cha lại hôn lên trán tôi. Có lần tôi thì thầm vào tai cha rằng, tôi muốn được gặp cha vào ban ngày để mấy anh chị em chúng tôi nhìn thấy rõ mặt cha. “Nhất định sẽ có ngày đó!” - Cha nói rồi lặng lẽ lách người qua cánh cửa, lao vội ra vườn cây.


Tôi lại chờ. Nhưng những cuộc bí mật ghé qua thăm nhà của cha thưa dần. Ngày quê nhà đồng khởi, nhiều bạn bè của cha đã về nhưng cha tôi không được về vì đang bận công tác ở một vùng khác. Tiếp đó, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt và cha đã vĩnh viễn nằm xuống trong một lần bị địch phục kích. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, một người bạn của cha tôi đã mang về và trao cho mẹ tôi tấm hình của cha không rõ được chụp từ lúc nào.


Đã hơn nửa thế kỷ trôi đi, tôi chỉ được nhìn cha qua tấm ảnh. Ký ức về cha với tôi thường dừng lại ở những lời thì thầm và những nụ hôn cha dành cho tôi trong bóng đêm.


“Cha của ông ngoại có hay hôn lên trán ông ngoại không?”. Câu hỏi của đứa cháu ngoại làm tôi muốn khóc. Tôi giấu nỗi đau bằng cách cúi xuống hôn lên má đứa cháu. Nhưng con bé không đồng ý, đưa tay chỉ vào trán mình và nói: Ông ngoại phải hôn lên trán con nè! Ba con thường hôn chỗ này nè…


HOÀNG NHẬT TUYÊN