Tôi có anh bạn tên Cường, tuổi cũng cao rồi, vốn là dân miền Trung, nhưng lớn lên phiêu bạt nhiều nơi, sau đó có gia đình và sống tận trong Bạc Liêu. Hai năm trước, một lần nhân tiện đi công tác, tôi ghé chơi, trong lúc trò chuyện anh bảo: "Ông sống ở Nha Trang sướng quá còn gì. Hồi trước năm 1975, ....
Tôi có anh bạn tên Cường, tuổi cũng cao rồi, vốn là dân miền Trung, nhưng lớn lên phiêu bạt nhiều nơi, sau đó có gia đình và sống tận trong Bạc Liêu. Hai năm trước, một lần nhân tiện đi công tác, tôi ghé chơi, trong lúc trò chuyện anh bảo: “Ông sống ở Nha Trang sướng quá còn gì. Hồi trước năm 1975, tôi có thời gian làm việc ở đó và mơ ước sau này sẽ sống lâu dài tại thành phố biển ấy, song ở đời đâu phải cái gì mình muốn đều được cả đâu. Nha Trang đúng là quá đẹp ông ạ…!”.
Ngồi với nhau chỉ gần hai tiếng đồng hồ, nhậu với nhau vài ve, sau mấy câu về vợ con, gia đình, còn lại, Cường toàn nói về Nha Trang và càng lúc anh càng làm tôi ngạc nhiên. Không chỉ nói về khí hậu, biển trời, cá tôm, biển cả… mà anh còn kể vanh vách về các danh lam, thắng cảnh, về những di tích văn hóa, lịch sử ở khắp TP. Nha Trang cũng như các địa bàn khác của tỉnh Khánh Hòa. Nào Hòn Chồng, Hòn Đỏ; nào chùa Long Sơn, Nhà thờ đá; nào Tháp Bà, đền thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp…
Kể xong anh kết luận: Nha Trang đẹp nhờ một phần cảnh quan thiên nhiên, nhưng phần khác làm người ta thích là ở đó có cả một di sản văn hóa đồ sộ, không chỉ về vật thể mà cả về phi vật thể nữa.
Vốn là sinh viên Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975, thích tìm hiểu về văn hóa dân gian và sau ngày giải phóng, Cường từng làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu ở Nha Trang mấy năm. Tuy không lâu nhưng cái máu mê tìm hiểu đã giúp cho anh biết nhiều chuyện về vùng đất này. Đặc biệt, tuổi đã quá sáu mươi mà trí nhớ của anh khá tốt. Anh nói với tôi: “Ông biết không, cùng với những hòn đảo ngoài khơi, có hai dãy núi làm cho Nha Trang vào cuối thu rất đẹp, đó là núi Cô Tiên ở phía bắc và dãy Hoàng Ngưu ở phía nam. Hồi còn ở Nha Trang, sáng sớm, bơi ra biển, tôi thích nhìn về hai phía núi ấy, nhất là độ cuối thu, khi tất cả các đỉnh cao bồng bềnh trong mây trắng, trông đẹp lạ lùng”. Nói xong anh còn kể về truyền thuyết gắn liền với hai dãy núi ấy rồi đọc câu ca dao, mà theo anh, anh đã sưu tầm được từ một bà cụ sống nghề biển ở Xóm Cồn: “Xa quê nhớ núi Cô Tiên/Nhờ dòng sông Cái in nghiêng bóng dừa/Bến Cù Huân con đò đưa/Để qua với bậu sớm trưa đi về”.
Mặc dù sống ở Nha Trang mấy chục năm nhưng quả thật so với Cường, sự hiểu biết của tôi về thành phố này còn kém anh quá nhiều. Nghe anh trò chuyện mà tôi mê, mặc dù trong lòng thắc mắc, không rõ bến Cù Huân là nơi nào. Về nhà, tra cứu sách vở, mới hay, ngày xưa sông Cái Nha Trang còn được gọi là sông Cù và vịnh Nha Trang xưa còn được gọi là vịnh Cù Huân. Như vậy, ngày xưa, khi chưa có những chiếc cầu, tại khu vực sông Cái Nha Trang, nơi dòng sông sắp đổ ra biển có một bến đò gọi là bến Cù Huân.
Hẹn ra Nha Trang chơi nhưng rồi Cường theo gia đình vợ đi định cư ở nước ngoài nên mấy năm tôi không gặp lại anh. Đêm qua, có cơn mưa nhỏ làm cho khí trời se se dễ chịu. Mặt biển Nha Trang sau cơn mưa phẳng lặng như mặt hồ. Tôi bơi ra xa và chợt nhớ đến truyền thuyết mà Cường đã kể nên hướng mắt về phía núi Cô Tiên.
Ngày xửa, ngày xưa có một số tiên nữ từ trên trời xuống trần gian dạo chơi, khi đến vùng biển Nha Trang ngày nay, thấy phong cảnh quá đẹp nên dừng lại. Vì đắm say phong cảnh, nàng tiên út đã không theo các chị ra về cho đến khi cổng trời đóng lại. Không còn cách nào khác, nàng tiên ấy đành nằm chờ bên bờ biển và đã hóa thành ngọn núi.
Dáng núi mang hình của một tiên nữ đang nằm theo truyền thuyết của cha ông để lại, giờ đây, trước mắt tôi đang bềnh bồng trên những đám mây trắng, và phía ngoài kia, mặt trời đỏ rực đang nhô lên…
HOÀNG ANH