Nếu là khách phương xa đến Đại Lãnh lần đầu vào những ngày nắng ráo, tôi tin bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì bức tranh biển, trời đang hiện ra trước mắt mình.
Nếu là khách phương xa đến Đại Lãnh lần đầu vào những ngày nắng ráo, tôi tin bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì bức tranh biển, trời đang hiện ra trước mắt mình.
Đại Lãnh đẹp. Đẹp lạ lùng làm ta có cảm giác như mình đang đứng trước một bức tranh thủy mặc bao la. Trời xanh. Biển xanh. Đồi núi xanh. Những hàng dương cũng xanh. Cùng với bãi cát dài hình lưỡi liềm trắng phau, những gam màu xanh ấy như không có ranh giới làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng dù rằng trước khi đến đây ta còn vướng bận nỗi u hoài nào đó vì tình, vì đời. Không phải ngẫu nhiên mà ở vùng đất này xuất hiện câu ca dao: “Đại Lãnh nằm giữa cảnh tiên/Một bên nước nhược, một bên non bồng/Bên em má đỏ môi hồng/Giữa trời biển rộng sóng lòng xôn xao”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã xếp phong cảnh Đại Lãnh vào những danh thắng hàng đầu của đất nước, để rồi đến năm 1836, vua Minh Mạng cho thợ chạm hình phong cảnh Đại Lãnh vào 1 trong 9 chiếc đỉnh đồng (Cửu Đỉnh) lớn, đặt trước sân Thế Miếu ở Huế, và sau đó, vào năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, Đại Lãnh đã có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn.
Ảnh minh họa |
Theo sách “Non nước Khánh Hòa” của Nguyễn Đình Tư, vào năm Thành Thái thứ 13, có một vị khách tên là Phạm Ngũ Giáo, quê ở Thừa Thiên, người có tài cao học rộng nhưng công danh lận đận. Một lần đi ngao du, đến Đại Lãnh thấy bãi biển xinh đẹp nên ông Giáo đã dừng chân xây dựng nhà cửa, vườn tược, rồi kết bạn với nhiều vị nho sĩ ở vùng Tu Bông, Vạn Giã. Cũng từ đó, theo gương ông Giáo, nhiều người dân các vùng khác đã tụ về và dần dần làng Đại Lãnh ra đời. Vì ông Giáo có biệt tài chữa bệnh đậu mùa nên được người dân địa phương thương mến, gọi là “Ông Cửu Đậu”.
Tôi không còn nhớ mình đã đến Đại Lãnh bao nhiêu lần, và mỗi lần đến lại mang theo về những cảm giác thoải mái. Vì khí hậu trong lành, vì những món ăn biển độc đáo, và còn nữa, vẻ đẹp của biển trời như níu giữ từng bước chân ta đi. Tất nhiên, còn tắm biển nữa, bãi tắm ở đây thật tuyệt vời, thoai thoải, trong veo với những con sóng êm êm, từng đợt nối đuôi nhau vỗ vào bờ… Chưa hết, cũng từ đây, bạn có thể thuê thuyền để đi tham quan nhiều nơi trên một vùng biển đảo rộng lớn, trong đó có làng chài trên đảo Khải Lương; có thắng cảnh Mũi Đôi - Hòn Đầu, nơi được coi là một công viên đá tự nhiên của đất trời với bao hình dáng kỳ thú…
Tôi có một người bạn từ TP. Hồ Chí Minh dự định thời gian tới sẽ đưa cả gia đình ra Khánh Hòa nghỉ ngơi, và vừa rồi đã viết thư hỏi: “Theo ông, ra đó, nhà tui nên đi tham quan những điểm nào?”. Tôi giới thiệu một loạt địa chỉ để anh bạn tham khảo và tất nhiên trong đó có Đại Lãnh.
Bạn tôi ơi! Khánh Hòa có rất nhiều cảnh đẹp. Nhưng Đại Lãnh là nơi không thể không đến! Đại Lãnh đẹp không thể diễn tả bằng lời mà chỉ khi đặt chân đến ta mới cảm nhận hết được. Tôi có thể khẳng định với bạn rằng, Đại Lãnh là nơi đến rồi sẽ nhớ… Còn nữa, vì bạn là người thích văn thơ xưa, nên trước khi bạn đến tôi xin giới thiệu trước mấy câu thơ có liên quan đến Đại Lãnh của Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890) trong bài thơ chữ Hán tiễn bạn mình cáo quan trở về Khánh Hòa. Đó là “Đại Lãnh văn viên cô nguyệt hạ/Nha Trang xạ hổ loạn vân gian”. Mấy câu thơ này được nhà thơ Quách Tấn dịch là: “Lắng vượn trăng mờ đêm Đại Lãnh/Bắn hùm mây rối núi Nha Trang”…
Đại Lãnh đến rồi nhớ!
HOÀNG ANH