Tôi thường tự hỏi, thơ có đem được điều gì thật có ý nghĩa cho cuộc đời này không? Thơ có là món quà cho mẹ tôi không?
Tôi thường tự hỏi, thơ có đem được điều gì thật có ý nghĩa cho cuộc đời này không? Thơ có là món quà cho mẹ tôi không?
Tôi chẳng có gì ngoài thơ cả. Và trong ít ỏi gom góp thơ tôi, thơ tôi viết về mẹ là tình sâu máu thịt nhất.
Hơn ba mươi năm về trước, tôi, đứa học trò nổi tiếng giỏi văn, được chọn lên học lớp chuyên trên huyện. Tờ mờ sáng ngày đầu tuần, mẹ ân cần đưa tôi xuống bến xe để vượt mười lăm cây số lên phố ở học, rồi đến trưa thứ Bảy, mẹ lại ra đứng chờ gần đầu ngõ, mắt cười hiền hậu, đón tôi bổi hổi về. Trong vô vàn xáo động của ký ức tuổi thơ tôi, cái nhịp điệu của những lần ra đi và về nhà của thằng bé thơ mười tuổi của ngày xưa cứ ám ảnh khôn cùng. Cái nhịp điệu ấy còn kéo dài mãi cho tới những năm tháng sau này, khi tôi lên lớp tám, lớp chín, rồi đi học đại học, đi hoang, đi dạy học, làm thơ, phiêu bạt kỳ hồ.
Mỗi lần xao xác trở về là mỗi lần tôi như con sẻ run đói hạt thóc thơm của mẹ, như con nghé lạc bầy được vùi khóc hơi rơm. Và mỗi lần ra đi là mỗi lần tôi lại day dứt nhớ.
Nhớ những mùa đông những năm chín mươi ở Sài Gòn, tôi thường viết thư cho mẹ. Trong thư tôi nhắc mẹ phải luôn mang đôi guốc gỗ, bởi con trùn đào đất khắp vườn, tôi chắc thế, còn bậc đá lót quanh giếng mùa đông năm nào cũng lên rong. Bao giờ lá thư cũng là tờ đôi giấy vở trắng tinh tươm. Tôi viết lên những dòng chữ to, rõ ràng chứ không như chữ tôi viết trong những bài luận ở lớp. Ngày xưa mẹ học được bao đâu nhưng tôi biết tình thương của mẹ nhiều hơn tất cả chữ có trên đời cộng lại. Có thể mẹ sẽ nhận được thư tôi vào lúc trưa hay chiều nhưng hẳn rồi thế nào mẹ cũng đợi đến tối mới mang ra đọc. Thư có gì đâu vậy mà mỗi lần đọc xong mẹ cứ ngồi một mình suốt trong đêm lặng lẽ. Trời mùa đông thì lạnh. Tôi lại thêm một lần ân hận vì đã viết thư về.
Suốt những thời gian qua, tôi thường tự hỏi, thơ có đem được điều gì thật có ý nghĩa cho cuộc đời này không, thơ có là món quà cho mẹ tôi không?
Hơn hai mươi năm về trước, hẳn trong những ngày tôi đang ở xa nhà, mấy chị tôi đã đọc thơ tôi đăng trên nhiều tờ báo cho mẹ nghe. Chị tôi muốn mẹ vui và được an ủi. Đứa con trai út của mẹ từ học chữ sách của người đời thì đến nay đã biết làm ra chút chữ nghĩa cho mọi người đọc lại mình, sẻ chia với mình, “mẹ ngồi gỡ tóc bên bậu cửa/trước sân vàng đọng nắng trưa hè/cả đời mẹ cháy lên như lửa/giờ cánh tay còm xanh cánh tre/cả đời mẹ gánh nợ nhân gian/ngàn khuya sương giáng ngập đỉnh đầu ngàn mây bóng xế màu ngang mắt/ngàn con nước chảy kiệt nguồn sâu/cả đời mẹ cháy lên như lửa/tháng cũ năm xưa chẳng còn về/mẹ ngồi gỡ tóc bên bậu cửa/chút an này của mẹ đơn sơ”.
Tôi nhận ra, ngoài thoáng giây bình yên hiếm hoi ấy, thơ tôi viết về đời mẹ luôn buồn. Từ cái năm người chị thứ tám của tôi chưa tròn ba mươi đã mất, sương càng vây trong mắt mẹ buồn hơn, “chị có nước da trắng và đôi mắt buồn của mẹ/mỗi lần chị nằm võng cũng giống hệt mẹ ngày xưa/mái tóc đen dài buông mềm trên đất/cũng êm đưa những giấc rất khẽ như suốt tháng năm mẹ với chị chẳng ngủ bao giờ/… chiếc võng chị nằm xõa tóc một thời con gái ngày xưa mẹ thao thức ru con/chị cũng đã một lần khao khát đến lúc hát ru con/vậy mà nửa chừng buồn vui giờ tóc xanh dưới cỏ xanh chị hát trong cánh gió/trong mây trong tuổi chiều của bóng mẹ chị có còn”.
Một bài thơ tôi viết trong trời xuân, trong dòng xúc cảm liên tưởng rộng lớn, thiêng liêng giữa mẹ với quê hương, với cuộc đời tôi, vậy mà vẫn buồn tha thiết, “mẹ dòng nước mắt tám mươi năm/tôi làm sao khăn thấm/quê hương một vầng nhớ sáng mơ trong/tôi ngập chìm tràn đắm/mẹ ngọn lửa cháy tám mươi năm/tôi vườn xưa soi ấm/quê hương vô tận những đêm mùa đông/tôi trôi về xô thẳm/mẹ hạt muối ngời tám mươi năm/tôi phiến xuân khô khát tắm/quê hương đời bể mênh mông/tôi đảo hoang một chấm”.
Thơ có ý nghĩa gì không? Thơ có là món quà dâng tặng mẹ tôi không?
Người bạn tôi, tên Thao, vốn mê đọc Thích Nhất Hạnh với Bùi Giáng, Suzuki Teitaro Daisetz, Osho…, cứ bất bất chợt chợt lại gửi tin nhắn vào điện thoại của tôi những câu thơ tỉnh ngộ tình đời. Đang giong buồm tuổi trẻ ra giữa Sài Gòn, bay và chạy, yêu và sống, mơ ước và hối hả xở xoay, tình cờ bên ly cà phê sáng, Thao thả đời tan hòa mây khói mà viết lên “tiết trời chuyển sang xuân/nắng vàng lên ngày mới/và trùng trùng duyên khởi/tận đáy hồn tả tơi”. Tôi biết, trong đáy hồn tả tơi của Thao, và của tôi, không chỉ vật vã áo cơm, mà còn là nỗi buồn đau vừa mất mẹ. Tôi đọc hai mươi chữ thơ ấy, thấy nao nao, lại thấy mở nở lòng.
Thơ có sức gọi lòng đến thế. Vậy tôi có hạnh phúc không, khi tôi chẳng còn gì ngoài thơ, chẳng có gì đáng kể ngoài những bài thơ được nói với hương hồn mẹ tôi bằng một tình sâu máu thịt nhất.
Thì thơ ơi, “thơ tôi xin cất lưu đời mẹ/câu thơ lửa khuya câu thơ mùa màng/thơ tôi xin thắp niệm đời mẹ/câu thơ mây dài khói nhang/thơ không đến ở cùng đời mẹ/còn gì đâu còn gì đâu/thơ tôi xin hát ca đời mẹ/mẹ một bài thơ giàu”.
LÊ HÒN KHÓI