10:01, 10/01/2017

Nơi chứa đựng thời gian đã qua

Tình cờ tôi được cụ Châu Văn Kỳ ở đường Đồng Nai, Nha Trang cho xem những quyển lịch túi hay còn gọi là lịch sổ nhỏ. Cầm trên tay có cảm giác như thời gian trôi qua nhưng vẫn lưu lại, hiện hữu trên cuốn sổ bé nhỏ này, điều mà không một ấn phẩm nào có được.

Tình cờ tôi được cụ Châu Văn Kỳ ở đường Đồng Nai, Nha Trang cho xem những quyển lịch túi hay còn gọi là lịch sổ nhỏ. Cầm trên tay có cảm giác như thời gian trôi qua nhưng vẫn lưu lại, hiện hữu trên cuốn sổ bé nhỏ này, điều mà không một ấn phẩm nào có được.


Ít có tài liệu nào nói về sự ra đời của loại lịch đặc biệt này. Chỉ có điều nó được ví như thời gian thu nhỏ vì sự hoàn chỉnh của nó, đấy chưa kể đến sự tiện ích tối ưu mà không có loại lịch nào hôm nay có được. Lịch túi cá nhân khi xuất hiện cũng có thể coi như điện thoại di động sau này. Bởi lẽ tuy nhà nào cũng có lịch treo tường nhưng “mỗi ngày một tờ lịch rơi” nên rất khó cho tra cứu. Ngay tới hôm nay, mặc dù với đủ loại lịch bàn, lịch treo, lịch tường và có cả lịch Vạn niên trên các thiết bị thông minh nhưng lịch túi vẫn thể hiện sự tiện ích như thuở đầu xuất hiện.

 


Có thể lịch túi xuất hiện vào thập niên 1950, vì sang thập niên 1960 đã xuất bản đại trà, ban đầu đều do tư nhân in mang tính quảng cáo về sản phẩm, thương hiệu của mình, chứ Nhà nước gần như không in. Nội dung lịch cơ bản là lịch tây song hành lịch ta, có đủ tiết khí như: Lập xuân, Lập thu, Cốc Vũ… Có lẽ đây là điều mà lịch túi rất có giá trị. Bởi lẽ mỗi tiết khí mang dấu ấn rất quan trọng để biết về thời gian bắt đầu, ví dụ như Xuân phân có nghĩa mùa xuân đã đi được nửa mùa, hay như tiết không phải nhắc thời gian nhưng lại cho biết không gian thời gian thời tiết như: Thanh Minh (trời trong sáng), Kinh Trập (sâu nở), Tiểu Thử (nóng nhẹ)…


Những quyển lịch túi ban đầu cho tới tận đầu thập niên 1970 đều in typo đơn giản trên giấy thường. Tiếp tới in 2 màu dạng lụa và tới thập niên 1980 thì đã in 4 màu và chất liệu giấy cutse ốp sét tới tận hôm nay. Chỉ có điều nội dung thì không thay đổi dù sau này có thêm địa danh, số điện thoại địa phương hay những vắn tắt về ngày lễ lớn của đất nước. Bìa lịch túi hầu như là hình các em bé xinh xắn, bụ bẫm cùng với hoa hay phong cảnh, tuy nhiên, ưa chuộng nhất vẫn là hình hoa và em bé. Nếu như trước người ta hay cầm lịch túi bên mình để xem thời gian thì nay chỉ có những người già còn lưu cất. Trường hợp cụ Châu Văn Kỳ là đại diện cho lớp người dùng lịch lâu năm. Vì trong những cuốn lịch lưu giữ như cuốn nhật ký ghi lại những dấu ấn thời gian như: sinh con, mua nhà, xây nhà hay có một niềm vui lớn nào đó của mình. Tất nhiên, vẫn có những dòng về những thời điểm khó khăn của mình để lần giở mà nhớ.


Cầm cuốn lịch túi bé nhỏ, tôi có cảm giác như cầm được cả một năm đã trôi qua, chứa đựng biết bao nhiêu sự kiện. Và tôi không quên mở lại thời điểm ngày tháng mình đã sinh ra với niềm xúc động lớn vì lâu nay ít có điều kiện tra cứu. Đó chính là giá trị của quyển lịch túi mang lại.


LÊ ĐỨC DƯƠNG