10:01, 03/01/2017

Những chuyến đi

Tôi là một bà nội trợ, cả đời chỉ quẩn quanh lo chuyện bếp núc, phục vụ chồng con. Nơi tôi từng đến xa nhất là cái chợ cách nhà một đoạn đường ngắn, ngắn đến nỗi thời gian đi chợ không đủ để sắp xếp một chuyện nghiêm túc trong suy nghĩ.

Tôi là một bà nội trợ, cả đời chỉ quẩn quanh lo chuyện bếp núc, phục vụ chồng con. Nơi tôi từng đến xa nhất là cái chợ cách nhà một đoạn đường ngắn, ngắn đến nỗi thời gian đi chợ không đủ để sắp xếp một chuyện nghiêm túc trong suy nghĩ.


Đến một ngày, tôi được tặng một chuyến đi về mấy tỉnh bắc miền Trung. Đêm trước ngày lên đường, tôi cứ thao thức, nôn nao vì đây là lần đầu tiên được đi một chuyến dọc một nửa đất nước. Lại nghĩ về những nơi mình sắp ghé qua, những địa danh lâu nay chỉ biết trên bản đồ, trong những bài học từ khi còn học phổ thông. Đến ngày đi, bà nội trợ lại như trẻ thơ được quà, vui vẻ xách ba lô theo bạn bè, hồ hởi trên từng chặng đường. Cố căng hết tai, mở hết mắt, căng cả lòng mình để nhận lấy mọi điều, mọi cảm giác lạ lẫm mà mình chưa từng trải qua.


Chuyến đi ấy diễn ra khi mùa mưa còn gắng gượng kéo thêm những ngày sướt mướt để bù lại nhưng tháng nắng ròng mùa hè. Chuyến xe cứ từ một nơi nắng chui qua một vùng mưa để đến một nơi âm âm mây mù ẩm ướt. Tôi đi qua Hội An, Đà Nẵng, Huế, nơi nào cũng vừa lạ vừa quen. Lạ bởi tôi chỉ là một bà nội trợ lần đầu tiên đi ra khỏi nhà và quen là bởi ở đâu cũng chỉ là đất nước của mình. Khi cột cây số bắt đầu có tên Quảng Trị, lòng tôi xôn xao không tả được. Từ khi còn nhỏ, tôi đã từng được nghe nói về cầu Hiền Lương và dòng sông Thạch Hãn. Tôi đã từng ước ao có một lần trong đời mình được đặt chân tới đó. Mơ ước tưởng chừng xa xôi ấy, bây giờ tôi đã chạm tới, không phải chỉ trên phim ảnh mà chính tôi sẽ đặt chân tới đó.


Nỗi xao xuyến còn nguyên trong lòng tôi khi theo đoàn ghé thăm nghĩa trang Trường Sơn. Băng qua con đường huyền thoại đó mới biết đất nước mình rộng lớn biết nhường nào. Có đi mới hiểu hết tình yêu của mình đối với quê hương và nhận ra rằng hình như mình chưa làm được gì gọi là cống hiến cho người, cho đời. Con đường Trường Sơn hôm nay rộng lớn và xinh đẹp tuyệt vời. Con đường có đường dây 1.500KW đi qua với trùng trùng rừng xanh kế tiếp đồng bằng và những hàng cột điện giống như những người khổng lồ dang tay đứng dọc Trường Sơn, ưỡn ngực tự hào ta đã cùng đất nước lớn lên. Con đường bê tông rộng mấy làn xe bám lấy rừng núi trước đây có khi phải mất mấy ngày bạn tôi mới băng được qua con lộ ngày ấy còn rất hẹp như người bạn cùng hành trình kể về những trận đánh anh tham gia thuở mới 20 tuổi. Cả một cuộc đấu tranh gian khổ và rất nhiều người ngã xuống ở tuổi 20. Phải nghĩ đến họ để thấy những sự hy sinh ấy lớn lao biết bao nhiêu. Và khi đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, lòng tôi lại dậy lên biết bao điều. Những nấm mộ nhỏ màu trắng ngay ngắn như họ đang xếp hàng trong ngày đầu vào quân đội. Không thể diễn tả được sự xúc động và cũng không thể giải thích được vì sao mình lại khóc trước những tấm bia mộ ghi tên những người trẻ tuổi bằng mình thuở đó. Bây giờ chúng ta đã già đi, trải nghiệm mọi ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, còn họ thì trẻ mãi, có người có thể chưa biết tình yêu là gì, hay chưa hề một lần nắm tay một người con gái. Nhiều người dừng lại ở tuổi 20 trong sáng hồn nhiên và chỉ biết mỗi một điều là chiến đấu cho hòa bình của dân tộc. Rừng cây xanh u tịch chụm đầu nhau chở che cho những hàng mộ trắng như âu yếm chia sẻ để không ai cô đơn. Tôi đi qua đó, cúi đầu chào tôn kính, rất thật lòng. Tôi đi qua và hình ảnh nghĩa trang Trường Sơn đã là một hình ảnh rất ấn tượng, khó quên.


Chuyến đi như một bản nhạc có đủ nốt bổng nốt trầm. Lòng tôi đầy hứng khởi để kể về Phong Nha, Kẻ Bàng, để nhắc đến dòng sông Son nước xanh màu cẩm thạch và những hang động kỳ vĩ như trong cổ tích. Núi rừng nơi đây lại gắn với nhiều cuộc đấu tranh, khi đứng trên núi cao nhìn xuống, tôi nhìn thấy những ô ruộng xanh mơn mởn, nghe nói xưa kia nơi đó là những hố bom. Mới biết quá khứ và hiện tại vẫn ở cạnh nhau, chúng ta nhớ chuyện ngày xưa để trân trọng những điều đang có được. Ngày tôi quay về trời vẫn còn mưa, mưa theo tôi đến tận đèo Phú Gia, rồi qua Huế, cảnh vật ở đây đẹp như một bức tranh thủy mặc.


Tôi về lại với góc bếp nhà mình với tâm niệm, trong cuộc sống ta nên tìm cơ hội được đi trên đất nước mình, để thấy rằng ta đang có nhiều thứ, từ đó biết mở lòng mình ra để yêu thương, yêu người và yêu đời hơn.


LƯU CẨM VÂN