11:01, 13/01/2017

Áo mới

Cuối năm ai nấy chộn rộn, thấy bạn xông xênh bèn hỏi đùa "mặc áo mới hả", người thật thà trả lời "áo Tết con gái mua tặng". "Trời, áo Tết vậy sao không để dành đến Tết rồi mặc?", buột miệng hỏi theo quán tính xong mới thấy hối hận khi bạn khựng lại trầm ngâm, "nào tới giờ mình không có khái niệm…

Cuối năm ai nấy chộn rộn, thấy bạn xông xênh bèn hỏi đùa “mặc áo mới hả”, người thật thà trả lời “áo Tết con gái mua tặng”. “Trời, áo Tết vậy sao không để dành đến Tết rồi mặc?”, buột miệng hỏi theo quán tính xong mới thấy hối hận khi bạn khựng lại trầm ngâm, “nào tới giờ mình không có khái niệm… áo mặc Tết!”. Thật vậy sao? Bạn, đứa trẻ mồ côi ngày nào giờ đã là một bậc trung niên, lẽ nào chưa từng được hưởng niềm hạnh phúc thiêng liêng dù nhỏ bé ấy? 

 
Áo mới, áo Tết… luôn là niềm vui lớn nhất, được chờ đợi nhất đã đi theo tôi suốt thời trẻ con, và có lẽ đến già. Già bát canh, trẻ manh áo mới. Ngày nào còn ham áo mới ngày đó thấy mình chưa già. Nhớ hồi nhỏ nhà nghèo đông chị em, cả năm mặc đồ cũ, đồ bính, đồ bộ vải tám, chờ mãi đến Tết mới có cái áo đầm mới tinh.


Vẫn còn nhớ như in cái áo đầm có thêu hoa hồng đỏ trước ngực này là Tết năm mình đang học lớp 3; còn hồi lớp 4 là cái áo đầm màu cam có hàng nút nhựa to chạy phía trước, thắt nơ sau lưng, cổ bẻ lá sen phất phơ; lớp 5 là cái áo liền thân hai màu xanh trắng có ren ở cổ… Đến lớp 8 thì má cho phép mấy chị em tự đi chọn vải may áo dài, và cái áo dài đầu tiên cho mùa xuân ấy có màu xanh tơ trời óng ả vẫn còn giữ lại cho đến bây giờ. Từ Tết lớp 10 trở đi thì gia đình khó khăn, cả nước thiếu vải, chắp vá lung tung mới ra được cái áo mới nên không còn ấn tượng mấy nữa… Nhưng nói chung, Tết là phải có, bắt buộc có, đương nhiên có cái áo mới cho trẻ con trong nhà, bất kể người lớn rộn ràng lo âu, chạy vạy, đau đầu toan tính.


Có được tấm áo mới rồi ngày nào cũng lấy ra săm soi, hít hà, khoe bạn, thử tới thử lui, đếm từng ngày chờ tới lúc được chính thức cho phép mặc vô. Năm nào dư dả thì có đồ Tết sớm, thời gian sung sướng náo nức chờ đợi kéo dài ra thêm. Chiều ba mươi Tết, tắm gội sạch sẽ tinh tươm, nôn nao xếp sẵn áo xống, sáng bảnh mắt lật đật mặc vào; mặc cả ngày không sợ bị la, bị bắt cởi ra “để dành Tết mặc” nữa.


Nhà tôi ngày xưa sống trong lòng xóm lao động thời chiến, tay làm hàm nhai, ăn buổi sáng lo buổi trưa, nên ba má nuôi được cả bầy con mười đứa lít nhít ăn học trơn tru là kể như quá mỹ mãn rồi. Cái sự ăn, sự mặc, sự học, sự thương… nhất loạt đều được phân phối công bằng đến từng milimét. Cái bánh tráng phồng nướng giòn rụm mà má tôi còn bẻ làm ba đều đặn được thì đừng nói có thứ gì mà khó chia với bà. Nhớ ngày bé, lúc nào cũng nghe người lớn trong nhà vừa răn đe vừa dỗ dành “phải làm gương cho em”, “phải nhường em”, “cái này mình lớn mình ăn nhiều rồi, biết nhiều rồi, chơi nhiều rồi, còn em nhỏ chưa biết, phải cho em…”. Nhớ con búp bê tóc vàng rối bù mắt chơm chớp ngày xưa, suốt ngày bị bọn nhóc lôi kéo vặn vẹo; đêm xuống chị Hai mới lẳng lặng lôi em búp bê từ dưới kẹt tủ ra xót xa phủi bụi lau chùi, rồi ủ vào lòng cùng dệt mộng. Hết một đêm yên lành, sáng ra phải trả búp bê lại cho lũ em hành hạ.


Vậy nên con bé làm chị đâm ra chỉ có một mơ ước cháy bỏng (!), ước sau này lớn lên có được một cái gì đó làm “của riêng” cho mình, không phải chơi chung, chia phần ra chơi nữa…


Tất nhiên rồi từ từ cũng qua giai đoạn hết sức khó khăn ấy, không chỉ riêng ai mà hầu như với tất thảy mọi người; cái thời mà vải vóc được bán theo tem phiếu mỗi năm một lần với mẫu mã hàng loạt y chang nhau, phân phối theo từng cửa hàng trấn giữ mỗi khu vực. Cứ ra đường nhìn màu quần sắc áo là… đoán ra địa bàn cư trú và thời gian may ngay. Cái khó ló cái khôn, mấy đứa con gái xí xọn hay đổi vải cho bạn ở xa xa một tí để có được chút khác biệt, lấy làm tự hào như người đi tiên phong trong công cuộc đổi đời. Hồi đó, má tôi thương bầy con gái đang lớn nên phá hàng chục cái áo dài đủ màu mà bà tin rằng chẳng bao giờ có dịp mặc nữa, để lấy đôi tà vải rộng chắp nối may áo ngắn cho con. So với bạn đồng trang lứa thì thấy mình vẫn còn lộng lẫy chán. Cả bầy con gái san sát nhau, mặc đồ bính theo thứ tự là chuyện thường ngày, là chuyện quanh năm suốt tháng, thành thử cái áo mới, áo Tết cho riêng mình trở thành một nghi thức vô cùng long trọng với tuổi thơ là vậy.


Áo mới bây giờ có quanh năm suốt tháng, mặc không hết, không kịp, thậm chí quên béng chưa mặc cất luôn cho đến ngày đổi chủ. Muốn là có, thích là có, đôi khi không muốn, không thích cũng vẫn có. Đủ kiểu, đủ loại, đủ thời. Áo mới cho mình, cho con cháu, cho cha mẹ già. Áo cũ đóng gói vô thùng gởi cho những người thiếu may mắn ở đâu đó xa xôi. Năm hết Tết đến, phân loại thanh lý tủ áo quần xong nhẹ cả người.


Luôn luôn, trong lòng tôi bao giờ cũng vẫn còn dành một chỗ trang trọng cho áo - mới - mặc - Tết, từ rất sớm, những ngày đầu tháng Chạp, trước khi dọn dẹp nhà cửa, ăn uống mua sắm. Móc được một mớ áo - mới - mặc - Tết vào tủ để dành đón xuân bỗng dưng thấy lòng bùi ngùi, thấy thương những ngày trẻ thơ, thấy thời gian một đi không ngoảnh lại, thấy ta ngày càng hạnh phúc, lâng lâng dịu dàng.


Sẽ để dành bộ áo dài hoa hồng nâu này cho ngày mùng Một.


Chiếc áo pull này là cho buổi hẹn cà phê đầu năm với người bạn thân.


Cái áo đầm dài chắc để cùng đi với cả nhà thăm bà con, vì không phải phóng xe máy.


Cái quần jeans để dành đi thăm mộ đầu năm…


Áo Tết, niềm vui hội ngộ tuổi thơ của tôi…


Ái Duy