Mưa, mưa, và mưa. Những ngày này, hai từ "mưa, lũ", chẳng ai muốn nhắc đến, vậy mà nó cứ xuất hiện trong đầu. Có bao nhiêu chuyện của đời sống thường ngày, nào cơm, áo, gạo, tiền; nào công việc; nào gia đình…
Mưa, mưa, và mưa. Những ngày này, hai từ “mưa, lũ”, chẳng ai muốn nhắc đến, vậy mà nó cứ xuất hiện trong đầu. Có bao nhiêu chuyện của đời sống thường ngày, nào cơm, áo, gạo, tiền; nào công việc; nào gia đình… phải lo tới, thế nhưng chuyện mưa lũ vẫn cứ hiện hữu. Với các bà nội trợ hàng ngày đi chợ và những tiểu thương, mưa lũ kéo dài đã ám ảnh họ ngay cả trong giấc mơ.
Sau những ngày mưa ròng rã, những đoạn đường về thành phố nhiều nơi bị tắc. Nhà tôi gần chợ Xóm Mới nên ngày nào không đi chợ là thấy vắng, kể cả ngày mưa. Những người buôn bán và khách hàng không những quen mặt, còn biết rõ tên. Vì vậy, mỗi lần tới hàng quen, người bán nói bao nhiều tiền là trả chứ chẳng mặc cả, kỳ kèo gì. Mưa lụt, chúng tôi hỏi thăm nhau như người trong gia đình. Hàng nào bỏ trống ngày mưa, biết ngay do lũ, người bán không thể đến chợ được.
Sáng sớm hôm nay, tôi đội mưa đi chợ. Ở một góc chợ, chị bán chuối nước mắt nhòa trong mưa, vừa bán vừa kể việc xe máy thồ hàng của chị từ trên quê xuống bị đổ vì đường lầy lội, chuối dập gần hết, chắc chắn là lỗ vốn. Thấy thật xót, chúng tôi xúm vào mua ủng hộ chị mỗi người vài ba nải. Ngồi cách đó một đoạn, chị bán rau vừa vuốt nước mưa vừa đon đả: “Rau mùa lũ dập hết, giá lại cao, anh chị thông cảm mua giùm nhé”. Bó rau cải ngày thường chỉ 5.000 - 6.000 đồng, nay lên đến 10.000 - 12.000 đồng, vậy mà chẳng ai than phiền. Mùa mưa có rau, có cá, có thịt là tốt lắm rồi. Giá các mặt hàng tươi sống hầu như đều tăng nhưng người mua không vì thế mà khó chịu, bởi họ nghĩ người làm ra nó có trăm phần vất vả.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Kẻ mua, người bán, ai cũng áo mưa kín đầu, vậy mà người vẫn ướt sũng. Tôi đang loay hoay với chiếc xe máy không nổ vì nước mưa thì bên cạnh thấy một chị tuổi trung niên lùm xùm trong chiếc áo mưa mỏng dính đon đả nói với người bán trái cây: “Nước ngập mà cũng có trái cây hả em?”, “Dạ, mưa to quá, trái cây không hái kịp thì hỏng chị ạ. Chị mua giùm em nhé.”, “Ừ, nhà chị vẫn còn nhưng chị sẽ mua cho em một chút”. Nghe mọi người trò chuyện, tôi thấy thương cho người bán, nên cũng ghé vào mua giùm chị một ít. Đã từng sống ở vùng quê nên tôi hiểu, khi mùa lũ về, vườn tược, cây trái hầu như tan hoang. Mót máy bán được chút ít là mừng lắm rồi.
Đi chợ mùa lũ, ngoài nhu cầu phục vụ bữa ăn cho gia đình còn là sự sẻ chia. Sẻ chia với người dân lao động nghèo lam lũ, luôn phải chống chọi với thiên tai; sẻ chia với những mảnh đời khắc khổ, thu nhập chỉ trông chờ vào mảnh vườn; sẻ chia với những bước chân nặng trịch hàng ngày bám vào đất, người thấm đầy mồ hôi.
Đi chợ mùa lũ, hàng hóa có đắt một chút nhưng tình người đã vượt lên để rồi ai nấy đều hiểu mình phải cảm thông, mình phải sẻ chia…
THU GIANG