Có một buổi chiều vô tình nhìn thấy trên facebook của một người bạn tấm ảnh bạn đang nhổ tóc bạc cho mẹ. Trong ảnh, mẹ và con cùng cười. Hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn thế thôi, cho dù có thể bao ánh nhìn vào đó mang nhiều ngẫm ngợi về sự hạn hữu của thời gian, của đời người.
Có một buổi chiều vô tình nhìn thấy trên facebook của một người bạn tấm ảnh bạn đang nhổ tóc bạc cho mẹ. Trong ảnh, mẹ và con cùng cười. Hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn thế thôi, cho dù có thể bao ánh nhìn vào đó mang nhiều ngẫm ngợi về sự hạn hữu của thời gian, của đời người. Tấm ảnh kỷ niệm của bạn khiến chị vụt nhớ những ngày bé thơ thời còn ở quê. Thời của những năm 80 của thế kỷ trước ở Ninh Hòa, chị chỉ là cô bé học lớp 1 - 2. Thuở ấy chị cũng hay được mẹ nhờ nhổ tóc bạc. Mỗi bận nhổ tóc bạc cho mẹ, chị lại đếm từng sợi. Nhưng chẳng phải là đếm vết thời gian in hằn lên đời mẹ, cũng chẳng phải là đếm nỗi nhọc nhằn của người mẹ nuôi một nách 3 đứa con thơ khi chồng công tác xa nhà. Trong cái đầu non nớt của đứa bé thơ ngày ấy, đếm để được mẹ trả tiền công vài đồng để ăn đĩa chuối nướng của bà hàng xóm, mua mấy cái bánh quy bị vỡ của lò bánh nhà bên hay ăn thứ quà vặt nào đấy. Một niềm vui lớn của con trẻ sau khi được trả công lao động. Nó không hề biết sau những giờ làm ở cơ quan về mẹ lại tất bật với đàn heo, cặm cụi với đống lá buông để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Những vất vả theo tháng năm đắp đổi bằng những sợt tóc bạc trên mái đầu của mẹ.
Ảnh Internet |
Tuổi thơ chị cứ thế trôi qua và đời mẹ cũng cứ thế trôi nhanh, vậy mà cũng hơn 30 năm rồi.
Bữa cơm tối hôm ấy, nhớ lại hình ảnh ban chiều, chị bỗng nhìn vào mái đầu mẹ. Tóc mẹ giờ trắng nhiều hơn đen. Và rồi trong tâm thức chị hiện lên hình ảnh dăm đôi lần thấy mẹ khi chải tóc lại cho thêm mớ tóc giả vào cho dày hơn để búi cho chặt. Để rồi đó như một hình ảnh lướt qua nhanh trong guồng quay cuộc sống của chị. Để rồi hôm nay mới chợt nhận ra, tóc mẹ đã rụng nhiều như tuổi mẹ cứ ngày càng cao, như những vết nhăn cứ ngày một nhiều hơn, như cái mong manh của đời mẹ chẳng biết gió cuốn đi khi nào. Để rồi hôm nay, muốn được như chị đồng nghiệp thêm một lần ngồi nhổ tóc bạc cho mẹ bên hiên nhà, như cái thuở ngày xưa mà sao thật khó.
Nếu bây giờ còn có thể nhổ tóc bạc cho mẹ, có lẽ chị sẽ nhổ với tâm thế khác. Mỗi sợi tóc ấy là mỗi quãng đời nhọc nhằn đi qua đời mẹ, là những mảnh ghép làm nên cuộc đời mẹ, dẫu sướng hay khổ, dẫu vui hay buồn. Đó đều là những sợi nhớ, sợi thương, sợi nào cũng có thể kể nên câu chuyện của mình. Chị sẽ nhổ chầm chậm từng cái một, đếm chầm chậm từng cái một như nhặt nhạnh và đếm từng miền ký ức đi qua đời mẹ. Sợi này mẹ thay bà ngoại mất sớm lo ngược lo xuôi mấy đứa em nên người. Thấp thoáng trong màu tóc ánh bạc đó là hình ảnh mẹ một thuở đẩy xuồng đi cắt lúa, bắt ốc mò cua, hay lội bộ cả chục cây số vào rừng lấy củi. Sợi này kể quãng đời mấy chục năm làm dâu của mẹ, cơ cực biết mấy nhưng chẳng có chút gì phải bận lòng khi được nhà nội hết mực yêu thương vì cái nết hiền hậu, chịu thương chịu khó. Sợi này cho những năm tháng chồng xa nhà nhưng vẫn trọn vẹn hiếu nghĩa. Ở đó, chị bắt gặp khoảnh khắc mẹ mừng đến rơi nước mắt khi giữa cảnh nhà đói khổ bỗng nhận được những ký gạo bố gửi về từ trong Nam; hay phút đứng tim cái ngày bom rơi chỉ cách vài bước chạy. Sợi này là dành riêng cho tình mẹ yêu con. Ở đó có nỗi nhớ con không kìm lòng được, mẹ đạp xe cả trăm cây số về thăm con ngày cơ quan cử đi học đại học, để đến cuối cùng cũng chỉ vì thương con mà dang dở tấm bằng tri thức ấy. Sợi này kể những câu chuyện của thời chưa xa. Ở đó, có những đêm hè chị chợt tỉnh giấc bởi bàn tay mẹ chạm vào sau gáy, rồi lặng lẽ nhúng ướt chiếc khăn thấm mồi hôi cho chị. Chị nhớ cả những đêm không ngủ được, mẹ bảo để mẹ nắn vai gáy cho đỡ mỏi, cho dễ ngủ. Nắn cho con xong mẹ lại tự nắn bóp tay mình... Bao sợi thương sợi nhớ ấy, có lẽ bằng cả cuộc đời này chị cũng không thể kể hết, đếm hết. Mà sao kể hết được bằng lời tình mẹ yêu con...
Bất chợt chị khẽ chạm vào mái đầu mình. Tóc chị cũng đã lác đác vài sợi bạc sau những lo toan cuộc đời. Giờ thì chị đã đổi vai cho hình ảnh của mẹ hơn 30 năm trước. Chỉ khác là nào có ai nhổ tóc bạc cho mình. Cuộc sống hiện đại với bao bận rộn và đủ đầy, những đứa con bé bỏng của chị chẳng thèm những thứ quà vặt của miền quê nghèo ngày xưa mà hào hứng bên hiên nhổ tóc bạc cho mẹ để được trả mấy ngàn đồng, chúng cứ vô lo với chuyện học hành, với đủ thứ chuyện khác. Để rồi đây khi lớn lên, chúng sẽ chẳng có một ngày bất chợt nào đó nhớ về những ký ức gắn liền với mội mái đầu bạc như hình ảnh của mẹ chúng ngày còn nhỏ, để rồi sau những thăng trầm hơn nửa đời người, bỗng một ngày nhận ra hạnh phúc về mẹ có trong những điều thật giản đơn, như chuyện nhổ tóc bạc cho mẹ như chị đồng nghiệp kia ghi lại bằng ảnh trên facebook. Và để rồi đây, những câu chuyện của đời chị sẽ được kể bằng cách khác, không như đời mẹ kể bằng những sợi tóc bạc thương thương nhớ nhớ ấy...
B.T