Một bên là những ngọn đồi nối tiếp nhau, chập chùng, một bên là cánh đồng rộng. Ở đó, giữa đồi và đồng có một cái bàu rất rộng và chạy dài đến cả chục cây số, quanh năm đầy nước, từ đầu tới cuối, đoạn nào cũng mọc đầy sen. Có lẽ do sen mọc nhiều nên từ thời xa xưa, người trong làng lấy sen để gọi tên bàu.
Một bên là những ngọn đồi nối tiếp nhau, chập chùng, một bên là cánh đồng rộng. Ở đó, giữa đồi và đồng có một cái bàu rất rộng và chạy dài đến cả chục cây số, quanh năm đầy nước, từ đầu tới cuối, đoạn nào cũng mọc đầy sen. Có lẽ do sen mọc nhiều nên từ thời xa xưa, người trong làng lấy sen để gọi tên bàu.
Nhà tôi ở cách cái bàu sen ấy không xa. Hồi còn bé xíu, khi biết chạy theo mấy anh chị trong xóm ra đồng thì tôi đã nhìn thấy sen nở rực cả bàu rồi. Theo những người lớn tuổi ở quê tôi thì cái bàu sen ấy có hàng trăm năm trước, trước cả khi những thế hệ cư dân đầu tiên của làng tôi đến vùng đất này lập nghiệp. Cũng từ thời xa xưa, một số người trong làng đã chia bàu sen ra để quản lý, chăm sóc rồi đợi đến mùa sẽ thu hoạch.
Điều lạ lùng là từ thời này qua thời khác, dù là mùa mưa hay mùa nắng, hạn hán, cái bàu bao giờ cũng đầy nước. Và ở đó, năm này đến năm khác, trở thành quy luật, cứ đến mùa xuân những đám sen úa tàn, tưởng như không sống được nữa trước mưa gió, bão lụt mùa đông, bất ngờ vươn lên khỏi mặt nước, tỏa lá xanh thẳm cả mặt bàu, để rồi đến những ngày hè, trên cái nền xanh ấy, bao đóa sen hồng tươi đã xòe ra thơm ngát cả một vùng.
Ngày xưa, khi các công trình thủy lợi chưa được xây dựng, máy bơm nước cũng chưa có, vào những ngày làm đồng, bàu sen đã trở thành nơi cung cấp nước lên ruộng. Chỗ này gàu sòng, chỗ kia gàu giai. Suốt cả ngày lẫn đêm, tiếng gàu đổ nước cứ thùm thụp, thùm thụp, để rồi những cánh đồng dưới cái nắng chói chang lúa bắt đầu lên xanh. Người dân quê tôi luôn coi cái bàu sen rộng ấy như sự ban tặng của đất trời. Không chỉ có việc cung cấp nước, mà dưới bàu cá cũng rất nhiều, đủ loại, và đây cũng là nơi có bao nhiêu le le, vịt trời cùng nhiều loài chim khác sinh sống.
Với lũ trẻ chúng tôi, cái bàu sen rộng đầy hoa là hình ảnh đẹp đã in đậm trong ký ức mỗi khi đi xa nhớ về quê nhà. Ông nội tôi thích uống trà ướp sen. Vào những mùa sen nở, trên chiếc thuyền nan nho nhỏ, ông cho tôi đi theo để hái những đóa sen thơm ngát, mang về. Những lá chè non khô cong cong, bỏ vào trong những đóa sen, cột chặt lại, mấy ngày sau đem ra, trà trở nên thơm ngát. Còn nữa, những hạt sen đến mùa thu hoạch, khi hái về bà tôi đã tách ra cả thúng, trắng ngần phơi ở đầu sân, rồi chuyển cho những nhà buôn mang về xuôi. Những hạt sen tươi chưa bóc vỏ, luộc lên - đó là món ngon mà có đứa trẻ nào trong làng không thích - ngầy ngậy, béo béo, bùi bùi, ăn hết hạt này lại muốn bóc hạt kia.
Cái bàu sen rộng của quê tôi, hết năm này đến năm khác tồn tại cùng cuộc đời người dân quê lam lũ. Đó là nơi chiều xuống những con cuốc đen lẻ bạn bất chợt kêu những tràng dài ú hoa, ú hoa; là nơi những con chim bìm bịp vỗ cánh màu đỏ thắm bên những lùm cỏ đưng, cỏ lác um tùm ven bờ để bắt rắn làm mồi. Đó là nơi chú Sáu Dơi, một người trong làng ngày nào cũng đội chiếc nón lá, đứng lặng lẽ trên bờ với chiếc cần câu rất dài, ném phao ra xa, chờ những con cá lóc dưới bàu sâu đớp mồi…
Những năm đánh Mỹ, chiến tranh diễn ra ác liệt. Làng trên, xóm dưới ở quê tôi đều cháy trụi, bà con ai nấy đều phải bỏ quê, gồng gánh ra đi lánh nạn. Ruộng đồng trở thành những bãi cỏ hoang. Nhưng bàu sen vẫn cứ thế, vẫn tồn tại. Để rồi ngày hòa bình, khi mọi người trở về, sau mùa đông tưởng chừng như tàn lụi, đến hè sen từ dưới đáy bàu lại vươn lên, tỏa lá rồi nở đầy hoa.
Chúng tôi lớn lên, mỗi đứa đi một nơi, nhưng cái bàu sen rộng là nơi không đứa nào có thể quên. Tuần trước, đang mùa sen dày hạt, tôi về thăm quê. Buổi tối, chú tôi bảo, để chú ra bàu, lấy ít sen về nấu chè! Tôi xin đi theo. Hai chú cháu đi trên chiếc thuyền nhỏ của gia đình hàng ngày để sẵn bên mép bàu. Dưới trăng, những đài sen chứa đầy hạt nhô khỏi mặt nước được chú tôi bứt lên, bỏ vào lòng thuyền. Một lát sau, khi chúng tôi sắp về, bất chợt nghe ở đoạn bàu gần đó có tiếng hò của một người đàn bà ngân dài: “Hò ơ…ơ ơ… Anh ra đi khi mùa sen nở… Để em nhớ, em chờ biết thuở nào nguôi…”. Ai lại còn hò hát trên bàu vào giờ này? Tôi ngạc nhiên, hỏi chú.
- Cô Hường ở xóm dưới! - Chú tôi trả lời rồi giải thích - hồi chiến tranh, cô Hường là du kích xã. Một lần, đội du kích, trong đó có người yêu của cô Hường đi ngang bàu sen này thì bị Mỹ đánh bom. Người yêu của cô Hường hy sinh, còn cô bị bom ép, chết đi sống lại. Khi đất nước hòa bình, mọi người trong làng cố giúp đỡ, chạy chữa, nhưng vì bị chấn thương nặng quá nên tính tình cố ấy không được bình thường. Vào những mùa sen, khi trăng lên, cô Hường hay chèo thuyền ra giữa bàu rồi một mình hò…
Khi chú tôi đẩy thuyền, cột vào chiếc cọc tre ven bờ, tôi vẫn còn nghe tiếng hò của cô Hường vọng vào: “Hò ơ….ơ…ơ… Trăng lên, trăng ở trên cao. Người ơi… người ở phương nào có hay…”.
HOÀNG NHẬT TUYÊN