Tuy đã trở thành quen thuộc như tiếng thì thầm của biển nhưng Chút thơ tình của người lính biển (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa) vẫn có điều để nói. Vì không dễ gì có một tác phẩm âm nhạc đặc biệt như thế, nhất là khi biển Việt Nam đang được cả dân tộc hết lòng gìn giữ và bảo vệ.
Tuy đã trở thành quen thuộc như tiếng thì thầm của biển nhưng Chút thơ tình của người lính biển (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa) vẫn có điều để nói. Vì không dễ gì có một tác phẩm âm nhạc đặc biệt như thế, nhất là khi biển Việt Nam đang được cả dân tộc hết lòng gìn giữ và bảo vệ.
Nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa sáng tác bài thơ này vào năm 1981, khi anh đang là lính hải quân. Bài thơ nói về sự chia tay giữa người lính hải quân với người yêu trên bến cảng. Với tâm thế của người lính có tâm hồn thi sĩ như Trần Đăng Khoa thì khoảnh khắc con tàu hú còi rời bến ra khơi sẽ rất xao động và chỉ cần thấy hình ảnh người lính được người yêu tiễn thôi cũng quá đủ để làm nên bài thơ. Nhưng khác với một bài thơ tình ướt át, Trần Đăng Khoa đã làm nên một áng thơ vừa dịu dàng vừa bi hùng. Thể thơ tự do, được diễn tả theo đúng trình tự từ lúc chia tay ở bến cảng cho tới lúc người lính làm nhiệm vụ ở đảo xa, đan xen những suy tư vừa cá nhân vừa thời đại. Ngay khổ thơ đầu tiên đã rất hiện thực nhưng đầy lãng mạn: Anh ra khơi/Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng/Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng/Biển một bên và em một bên.
Câu Biển một bên và em một bên xuyên suốt cả bài thơ và là tâm tưởng của người lính - tác giả. Giữa bài có 2 câu thơ mà cho đến tận hôm nay vẫn làm sửng sốt người đọc vì sự táo bạo, dữ dội của nó: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng. Có một câu thơ nữa cũng rất hay: Vòm trời kia có thể sẽ không em/Không biển nữa/Chỉ còn anh với cỏ/Cho dù thế thì anh vẫn nhớ/Biển một bên và em một bên… Câu chỉ còn anh với cỏ có nhiều nghĩa, đơn giản chỉ là sự cô đơn của người lính, cũng có thể người lính hy sinh nằm dưới cỏ, hoặc sự mỏng manh như ngọn cỏ bé nhỏ. Câu thơ thật hay, hơi buồn và có thể xen lẫn dỗi hờn của chàng lính trẻ khi nhớ người yêu, nhưng kết lại với người lính đó là vẫn yêu em - người con gái mình chia tay trên bến cảng hôm nào.
Chính những năm tháng được mặc áo lính biển thực sự đã bồi đắp chất liệu cho Trần Đăng Khoa. Nhà thơ đã trả được ân tình cho những người lính qua những bài thơ đậm chất biển - đảo ở Trường Sa như: Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Chút thơ tình người lính biển. Giới văn nghệ đã ví Trường Sơn có Phạm Tiến Duật, Trường Sa có Trần Đăng Khoa. Bài thơ Chút thơ tình người lính biển được chọn trong tập thơ Bên cửa sổ máy bay ấn hành năm 1985.
Bài thơ đã hay, nhưng càng diệu kỳ hơn khi được âm nhạc nâng cánh và không ai khác chính là nhạc sĩ Hoàng Hiệp - người mệnh danh là ông hoàng phổ thơ Việt Nam. Với Hoàng Hiệp giai đoạn thập niên 80, ông trở lại phong cách lãng mạn thuở đầu của mình, người ta thấy không còn những bài hát hùng tráng như trước mà đều dịu nhẹ đúng chất tâm hồn thời bình: Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang), Nhớ về Hà Nội, Trở về dòng sông tuổi thơ, Về đất mũi. Với Chút thơ tình người lính biển, Hoàng Hiệp chắt lọc để lời ca hòa nhịp với giai điệu lãng mạn của bản tự sự đầy chất lính biển. Cùng với Hoàng Hiệp, bài thơ này có tới 4 nhạc sĩ khác cũng phổ nhạc nhưng bản của Hoàng Hiệp là hay nhất, tồn tại tới hôm nay. Và mỗi khi ra bến cảng chia tay những con tàu chở những người lính, trong trái tim mọi người đều vang lên “biển một bên và em một bên”.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG