Tôi đang ngồi chờ ở quán cà phê vỉa hè gần ga xe lửa thì "đại ca" T. đến. Hôm nay ông lạ lắm, chẳng nói câu nào, chỉ nhấp ly cà phê đen và hút thuốc vặt. Thần người ra một lúc thì ông nói nhỏ đủ để tôi nghe, ngày mai tao đi tu...
Tôi đang ngồi chờ ở quán cà phê vỉa hè gần ga xe lửa thì “đại ca” T. đến. Hôm nay ông lạ lắm, chẳng nói câu nào, chỉ nhấp ly cà phê đen và hút thuốc vặt. Thần người ra một lúc thì ông nói nhỏ đủ để tôi nghe, ngày mai tao đi tu, mắc nợ đời nhiều quá giờ phải trả thôi. Tôi cười, ông có mà tu hú thì ông bảo mày nói bậy bạ.
Nhân vật mà tôi kể đây có một câu chuyện đời đầy đắng cay, gai góc, bụi bặm. Ông là dân gốc Hải Phòng, vừa chào đời thì bị mẹ bỏ trước cổng nhà các bà sơ; lên 10 tuổi thì nhập trại mồ côi Mai Lĩnh của Pháp cạnh chùa Trầm, mới được vài năm thì bùng trại về sống lang thang cùng dân anh chị ở Hà Nội; lớn một chút thì thành nhân vật cộm cán quậy tưng bừng đất Cảng, bị băng nhóm sở tại vác dao truy đuổi bèn lên lại Hà Nội xưng hùng xưng bá trước ga Hàng Cỏ. Đến tuổi trưởng thành, ông xộ khám vài lần, nhưng lần ăn cơm tù cuối cùng cũng là lần lâu nhất với mức án 18 năm. Ở tù được 13 năm thì miền Nam giải phóng, được nhà nước giảm án 5 năm, ra tù, ông kiếm sống bằng cách bán thuốc lào, chè chén, thỉnh thoảng móc túi trên tàu lửa Bắc - Nam, sau quay về Nha Trang làm bảo kê các quán bia, karaoke... Già, ông chán cảnh giang hồ ăn bờ ngủ bụi thì giải nghệ. Tôi hỏi sao “bố” giải nghệ sớm thế để đến giờ không nhà cửa, không vợ con, phải tá túc tạm trong nhà người quen, ông bảo “nhầy nhụa, tởm lắm”.
Nói cái rụp “tao đi tu”, tưởng đùa hóa ra thật. Sáng hôm sau, như thường lệ tôi ra vỉa hè uống cà phê, thấy vắng “đại ca”, hỏi chủ quán, cô ấy bảo bác ấy đi từ sớm lắm, có gửi lại lời chào anh, tự dưng trong lòng mình buồn vô tả, cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó rất thân quen. Với ông, mình chỉ là bạn cà phê hàng sáng, hai người tôn trọng nhau kiểu phép tắc người lớn; thỉnh thoảng có tiền trong túi thì tôi biếu ông mấy chục ăn cơm bụi, có gói bánh, gói trà, chai dầu gió... cũng nhớ dành cho ông. Bù lại, tôi được nghe ông kể chuyện đời, chuyện giới giang hồ, giới bán thân và các tầng lớp khác dưới đáy xã hội, do đó tôi đã biết thêm một thế giới khác, những mảnh đời khác, những gam màu khác của đời sống. Ông tôn trọng, tin tôi như anh em, cho nên bao nhiêu chuyện riêng tư, nghệ thuật móc túi, đục tường, khoét vách, dắt gái... ông đều kể cho tôi nghe. Bao giờ cuối câu chuyện ông cũng thường nói câu may mà tao chưa bao giờ bán ma túy, chích hút... Lời khoe như một sự dối già.
Nghĩ đến cuộc đời của ông bạn vong niên 72 tuổi này thật lạ, các cặp phạm trù ánh sáng và bóng tối, lưu manh và lương thiện, tàn nhẫn và vị tha, hèn hạ và cao thượng, dối trá và trung thực đối với ông cứ như một mớ hỗn độn, không cần sắp xếp, đến đâu thì đến, nhưng cuối đời thì lại chịu tuân theo cái trật tự của quy luật “có vay có trả”.
Thôi thì mong cho ông anh của tôi sáng sáng ra quét sân chùa, giữa không gian thanh tịnh, cô tịch, có vài cái lá bồ đề rơi xuống tấm lưng còm cõi để ông mãn nguyện, nếu sau này có nhắm mắt xuôi tay, ông có thể rụt rè bước qua cánh cửa Phật.
PHÙNG NGUYÊN MỸ