Từ lâu tôi đã biết mình mắc căn bệnh nhớ quê mãn tính. Dai dẳng và âm ỉ. Những lúc như thế, chỉ có một cách duy nhất: Về. Phải về thôi!
Từ lâu tôi đã biết mình mắc căn bệnh nhớ quê mãn tính. Dai dẳng và âm ỉ. Những lúc như thế, chỉ có một cách duy nhất: Về. Phải về thôi!
Nhớ quê. Lúc thì nhớ con mương chạy dọc cánh đồng làng với bầy vịt con lông vàng liếp chiếp nhột đầy cả tai. Con mương ấy theo tôi đến trường, rửa sạch đôi chân tôi lấm láp trước khi chào tôi vào lớp rồi tiếp tục cuộc hành trình uốn lượn để mang dòng nước mát lành đến với những cánh đồng khác trong vùng. Con mương ấy chở chiếc thuyền giấy tuổi thơ tôi cập những bến bờ mơ ước. Con mương ấy đón những giọt nước mắt khờ dại đầu đời của tôi bằng cái vẻ lặng yên đầy chia sẻ. Con mương ấy, nhiều lần tôi muốn hỏi, có phải cũng dẫn nước về con mương chạy ngang nhà người con trai tôi trộm nhớ thầm thương? Thế mà sao, người ấy không một lần hiểu ánh mắt tôi...
Có lúc nhớ khói bếp cay xè mắt. Củi gì mà lỳ lợm quá chừng, mãi không chịu bén lửa. Nhớ cả những buổi vào gò quơ củi. Quơ củi chứ không phải chặt hay đốn củi. Quơ củi, nghĩa là không mang theo gì cả, không rựa, không đòn xóc, chỉ việc nhặt những cành cây khô rồi ôm về. Củi quơ thường bén lửa nhanh và không đượm, chẳng có than là bao. Quơ củi, có khi đang nấu bữa thì nhà hết củi, chạy ù ra vườn bẻ vội cành ổi hay nhánh xoài khô cho ngay vào bếp đang đỏ lửa. Quơ củi, quá lâu rồi tôi cách xa công việc ấy. Những buổi chiều sau mưa thì vẫn còn nguyên, những cành bạch đàn khô, tôi biết, vẫn rơi ngổn ngang trên mặt đất, vắt cả lên những bụi cây dại. Nhưng chẳng còn tôi nhanh nhảu nhặt lấy, sắp thành bó đội về giữa một hoàng hôn vừa gột rửa trong lành. Cũng chẳng còn tôi bẻ lấy những cây củi khô cho thêm vào bếp để nghe lách tách lách tách mà thấy yêu sao từng bữa cơm chiều nấu vội đợi mẹ về.
Và giờ đây, nhớ quá, thèm quá giật một cành cây sau mưa rồi ù té chạy, cười vang khi thằng Ty bị ướt nhem dưới gốc cây. Thằng Ty bực mình đuổi theo, chụp được, nó kéo tôi lại dưới cây chanh và cầm lấy cành, rung mạnh. Tôi cũng ướt nhem, rồi hai đứa cùng cười sảng khoái. Tuổi mười ba long lanh.
Nhớ quê. Nhớ đến cả con giun đất đào được chỗ đất ướt gần ang nước. Nhớ hố chuối vườn bà Hai cạnh nhà, mùa mưa nước đọng thành sâu hoắm. Mùa hè thì đây chính là thiên đường của những buổi tối soi ve ve. Những con ve ve chưa lột vỏ bé xíu bám trên thân chuối, thân mít có sức hấp dẫn lạ kỳ với lũ trẻ chúng tôi. Một chiếc đèn dầu hoặc một ngọn đuốc làm từ giẻ rách thấm dầu hỏa, cái bật lửa bỏ túi quần đề phòng gió làm tắt đèn, một chiếc bao ni lông là đã đủ hành trang cho những buổi tối thần tiên. Tôi cũng không biết có nơi nào trên hành tinh này, người ta cũng cầm đèn dầu đi soi những con ve ve chưa hoặc vừa mới lột vỏ ướt mèm về để nướng hay xào ăn. Nhưng mãi mãi trong lòng tôi, ở một góc ấm áp nhất, bình yên nhất có những đêm đầy xúc cảm mà ngọn đèn dầu và những chú ve ve chưa biết hát bài ca mùa hè mang đến.
Tôi sống ở quê đúng mười bảy năm, ba mẹ đều dạy học nên không có một tuổi thơ ruộng đồng nương rẫy như nhiều bè bạn cùng quê khác. Nỗi nhớ quê trong tôi cũng ít nhiều khác với nỗi nhớ của những người bứt đi từ gốc rạ, dây khoai. Nhưng vẫn giống nhau ở chỗ cồn cào và da diết. Bởi chúng tôi cùng hít thở bầu không khí ấy, da thịt chúng tôi đều quyện mùi bùn ướt hăng nồng. Mắt chúng tôi đều xanh màu của trời mây và cây cỏ. Và, trái tim chúng tôi đều cất những ngọn gió quê nhà thao thiết, thổi dọc ngàn đêm phố thị mệt nhoài.
Những bạn bè quê hương giờ đang quăng mình vào những cuộc mưu sinh chốn phố phường như tôi ơi, có bao giờ bạn hỏi nhớ quê? Là nhớ cảnh hay nhớ người? Là thương mình xa xứ hay thương quê nghèo để lạc những đứa con ngơ ngác? Không chỉ thế đâu, nhớ quê, đó còn là một con đường dẫn ta về với chính ta của ngày đã mất, khi tất cả những con đường khác đều bị chặn lại bởi thời gian.
Thế thì, nghĩ cho cùng, căn bệnh nhớ quê này cũng quá chừng đáng yêu đó chớ!
Ngô Thị Thục Trang