Thời chiến tranh, lính miền Bắc hầu hết là có học, chí ít cũng xong cấp 2, tương đương với lớp 9 bây giờ. Đại đội cối pháo của mình được coi là đơn vị hỏa lực mạnh, con cưng của Trung đoàn, vào đó phải biết sin, cos, tang, cotang...
Thời chiến tranh, lính miền Bắc hầu hết là có học, chí ít cũng xong cấp 2, tương đương với lớp 9 bây giờ. Đại đội cối pháo của mình được coi là đơn vị hỏa lực mạnh, con cưng của Trung đoàn, vào đó phải biết sin, cos, tang, cotang... để tính toán trước khi bắn, nên lính được lựa chọn rất kỹ, ít nhất phải xong cấp 3 mới cho vào. Thế mà trời ơi, không biết làm sao lại có một người học 3 năm chưa xong lớp 6 lọt vô đây. Hắn tên là Nguyễn Văn Th.
Văn Th. chất phác đến cục mịch, người như cây nấm, da đen như khúc gỗ cháy, lại còn xấu trai. Nhưng ở nhân gian này ai thiếu cái này thì trời bù cho cái khác, bởi vậy cậu ta có sức khỏe phi thường và một trí nhớ có thể gọi là “siêu phàm” về ba cái chuyện tào lao. Mỗi khi hành quân bộ, đi mấy chục cây số, vai vác cái mâm pháo nặng, khẩu súng trường K44 dài ngoẳng, ba lô cá nhân nhiều túi cóc to đùng lại còn chèn thêm chiếu cói mùng mền, dăm ba cái thau, xô của tiểu đội mà cũng chưa xi nhê gì với hắn, gặp ai yếu hay kêu rên hắn còn mang giúp ba lô cho vài chặng. Những lần như thế, nhìn hắn ai cũng nể phục và tỏ tình thương mến thương bằng phong lương khô 701. Chưa hết, Văn Th. còn có khiếu diễn xuất khi kể chuyện khá đặc biệt, ai kể tiếu lâm hợp nhĩ là hắn nhớ như in, kể cả có lẫn vài tiếng Tây, Tàu, Nga, triết lý Nho, sau đó hắn xào nấu chế biến ra chuyện của hắn. Mà chuyện của hắn nghe qua thì dân dã, ngấm vào thì thâm nho, lại biết chọn cách thọc lét đúng chỗ làm cho anh em cười bò lăn, còn hắn thì cái môi trề ra, mặt ngơ ngác lạnh tanh như thể nghe chuyện của ai đó chứ không phải của mình. Hôm nào vắng Văn Th. là anh em ngơ ngẩn buồn, dù mấy “nhà trí thức” chen vô lấp chỗ trống nhưng nghe nhạt òm. Đời lính gian khổ, chuyện tiếu lâm là liều thuốc khỏe, không có nó thì không còn là lính nữa, nhưng kể hay như Văn Th. thì mình chỉ thấy có một. Khi xa đơn vị vô Nam, mình còn ôm theo một kho tàng chuyện tếu của hắn, nhưng không biết kể làm sao cho người ta cười được.
Khoảng hai mươi năm sau, một lần có dịp về quê, gặp lại bạn cùng đơn vị cũ thì nghe tin Văn Th. đã hy sinh bên Lào. Cậu ta ngày làm lính, tối làm học trò, rồi tốt nghiệp cấp 3, lên sĩ quan, rồi làm đại phó, chuyển về đơn vị khác trực tiếp chiến đấu và được coi là “hùm xám” của đơn vị, đánh suốt mấy ngày mấy đêm liền không thấy mệt. Trong một trận đánh phối hợp với quân Phathet, cậu ấy đã chỉ huy đơn vị Việt đánh nghi binh để bạn thoát ra khỏi vòng vây thì lọt vào ổ phục kích khác, Văn Th. bị trúng mìn claymo và hy sinh.
Hôm mình về quê, dành hẳn một ngày tìm đến bạn cũ cùng đơn vị. Đề tài gì cũng xoay quanh Văn Th., rồi cả bọn rủ nhau về quê thắp nhang cho hắn. Đứng trước di ảnh, vẫn như thấy mắt hắn nheo nheo, cái môi trề xệch ra như hỏi chúng mày có muốn nghe tao kể tiếp không?
PHÙNG NGUYÊN MỸ