11:11, 06/11/2015

Lòng cha

Trong tốp thợ, ông là người cao tuổi nhất nhưng cũng là người vất vả nhất. Cứ nhìn công việc hàng ngày như trộn vữa, bưng bê xi măng, gạch, vác gỗ, dọn dẹp công trình vào cuối ngày - công việc của một phụ thợ nề - là có thể thấy ngay điều đó.

Trong tốp thợ, ông là người cao tuổi nhất nhưng cũng là người vất vả nhất. Cứ nhìn công việc hàng ngày như trộn vữa, bưng bê xi măng, gạch, vác gỗ, dọn dẹp công trình vào cuối ngày - công việc của một phụ thợ nề - là có thể thấy ngay điều đó.


Năm tháng dãi dầu đã làm ông trông già dặn hơn nhiều so với tuổi 54. Nhưng tôi vẫn hay thấy ông cười mỗi khi gặp, nụ cười nom lúc nào cũng hiền trên gương mặt thuần phác. Trò chuyện vài ba lần trong lúc ngơi việc, tôi biết hai con gái đầu của ông đang theo đại học luật tại Đà Nẵng. Đôi mắt âu lo chợt vui hơn khi bảo, con gái đầu đã biết đi dạy kèm, làm thêm ở quán cafe nên ông cũng đỡ đi phân nửa trong gói 3 triệu đồng gửi vào cho hai chị em hàng tháng. “Nhiều khi nghĩ đến con mà thương đứt ruột, cô ơi. Nhưng công việc của tui cũng không thường. Ai kêu mô thì làm nấy thôi. May mà nhà cũng còn làm ít đất lúa nên gạo cũng gần đủ ăn quanh năm. Vợ tui cũng chịu khó, loay xoay việc nhà rồi bán bánh ép, mỗi ngày cũng phụ thêm được chút đỉnh. Nhà còn hai đứa nữa, nhưng đứa sau bị bệnh bại não từ nhỏ. 13 tuổi rồi mà giống như con nít rứa, phải có người trông coi, chăm sóc...”, ông kể.


Tôi nhìn cách ông lụi hụi hàng ngày và hiểu vì sao người cha này lại âm thầm một cách đầy động lực như thế, cả trong cách ông không nề hà bất cứ phần việc nặng nhọc nào chỉ với một ước mong duy nhất: lúc nào cũng có công trình để người ta kêu mình tới phụ. Ông tính, lương phụ thợ nề 160.000 đồng/ngày, ông chỉ dùng 1/4, trong đó 30.000 đồng cho tiền ăn, 10.000 đồng tiền xăng chạy từ nhà lên trung tâm thành phố. Đó cũng là cách tiết kiệm nhất mà ông có thể.


Hôm mưa, ra nhà xe gặp ông đang đẩy chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng xuống sân, tôi bảo sao bác không ra ngoài ngõ ăn trưa luôn cho tiện? Câu trả lời của ông làm tôi lặng người: tui về dưới xa hơn một chút. Quán ni bán mắc, cơm lại có hơn chén, không đủ no... Lòng chợt đắng lại khi nhớ dạo nào, đọc trên báo, người ta cảnh báo chuyện cơm bao no trong các quán cơm bụi ở TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó chỉ nghĩ đến khía cạnh mất an toàn với sức khỏe và một cách làm ăn nhẫn tâm thôi. Nhưng những người lao động chỉ quan tâm đến vấn đề trước mắt: đủ no để tiếp tục buổi làm việc dài. Có lẽ vì thế mà dù được cảnh báo, dù biết những ẩn họa cho sức khỏe nhưng người ta vẫn chấp nhận và các quán cơm bao no vẫn có chỗ để tồn tại đâu đó.


Điều này đã đuổi theo tôi mãi khi ông chào tôi và bảo, tui về chở con bé đau ốm đi một vòng, chiều mô nó cũng chỉ có mỗi việc đợi ba về cho đi một vòng rứa là cười thôi...


Hạnh Nhi