12:11, 08/11/2014

Những nỗi nhớ mùa đông...

Trong những khoảnh khắc giao mùa, có lẽ xao xuyến nhất là cơn gió đông đón chiếc lá vàng cuối cùng của mùa thu để thả xuống mặt hồ sương ảo. Với lòng người cũng thế: sâu lắng êm đềm, nhớ nhung da diết nhất chính là mùa đông. Bởi thế, những ca khúc tuyệt vời nhất làm xao động trái tim ta phần nhiều là chủ đề mùa đông.

Trong những khoảnh khắc giao mùa, có lẽ xao xuyến nhất là cơn gió đông đón chiếc lá vàng cuối cùng của mùa thu để thả xuống mặt hồ sương ảo. Với lòng người cũng thế: sâu lắng êm đềm, nhớ nhung da diết nhất chính là mùa đông. Bởi thế, những ca khúc tuyệt vời nhất làm xao động trái tim ta phần nhiều là chủ đề mùa đông.


“Cơn gió mùa đông” đầu tiên từ thuở dòng tân nhạc chính là bài Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Chính bước chân của chàng trai xứ Huế lang thang trong đêm giao thừa cuối năm 1939 giá buốt trên những nẻo đường Hà Nội hiu quạnh đã làm thổn thức trái tim người xa xứ: Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng. Đây là bài hát về chủ đề mùa đông làm lay động hàng triệu triệu người con Việt khắp các phương trời. Nhiều người kể rằng, mỗi khi phải xa quê hương, dịp cuối năm, người ta hát bài Happy New Year vang lừng giữa bầu trời pháo hoa thì trong trái tim mình lại thầm trỗi Đêm đông trong nỗi trào dâng nhớ thương gia đình, quê hương.


Trong dòng nhạc cách mạng suốt một thời gian dài hơn ba thập kỷ ít có những bài hát chủ đề về mùa đông, đó cũng là lẽ đương nhiên bởi đây là giai đoạn của tráng ca. Chỉ đến thập niên 90 của thế kỷ XX, khi dòng nhạc nhẹ trẻ trung nở rộ thì mảng sâu thẳm nhất của lòng người chính là những tình ca mùa đông. Trước tiên phải nhắc ngay đến “ông hoàng nhạc tình mùa đông Hà Nội” Phú Quang. Vốn là nhạc sĩ xuất thân trong Dàn nhạc giao hưởng, viết rất nhiều bản khí nhạc da diết nổi tiếng suốt thập niên 70, 80 nên khi Phú Quang bừng sáng như một tia nắng mùa đông viết ca khúc nhạc nhẹ thì bài hát của ông rất dịu dàng giống như chiếc khăn choàng trên cổ của người thiếu nữ, nổi tiếng là bài Em ơi Hà Nội phố phổ thơ Phan Vũ. Đây là sự kết hợp của hai tâm hồn đã từng trải nghiệm mùa đông 1972 ở Hà Nội: Phan Vũ nằm trên một gác xép trong tiếng bom B52, Phú Quang đau đớn  khi ngôi nhà thân thương của mình nằm giữa phố Khâm Thiên vỡ vụn trong thảm bom. Bài thơ của Phan Vũ là một trường ca về mùa đông Hà Nội, còn ca khúc của Phú Quang là lát cắt sâu lắng nhất về trái tim, tâm hồn và khoảnh khắc Hà Nội thời chiến tranh.


Có lẽ, một lý do đã làm cho Phú Quang có những ca khúc trĩu lòng về mùa đông vì anh là một người Hà Nội xa xứ. Xấp xỉ tứ tuần (năm 1986), Phú Quang đã vào với Sài Gòn phương Nam đầy nắng, không bao giờ có được sớm mai hay chiều hôm co ro trước cái rét của mùa đông Hà Nội. Cho nên, trong một quán cà phê năm 1988, được người bạn - nhà thơ Thảo Phương, cũng là một người con phương Bắc đưa cho bài thơ ngắn có tên Không đề gửi mùa đông, tâm hồn ông đã thổn thức nỗi hoài cảm về quê hương phương Bắc. Rồi bài hát Nỗi nhớ mùa đông ra đời làm lay động bao người: Dường như ai đi ngang cửa/Gió mùa Đông Bắc se lòng/Chút lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi. Đây là ca khúc thuộc hàng hay nhất về chủ đề mùa đông. Không chỉ thế, trong rất nhiều ca khúc của mình như: Đêm Hà Nội, Thương lắm tóc dài ơi, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Hà Nội ngày trở về... luôn hiện diện những khoảnh khắc mùa đông. Chỉ có tâm hồn cực kỳ đa cảm và hoài nhớ mới có sự ám ảnh đầy chất nghệ thuật như vậy.


Chỉ có mùa đông mới làm cho một chàng trai cán bộ Đoàn của TP. Hồ Chí Minh - Bùi Thanh Tuấn “tức cảnh làm thơ” và người phổ nhạc cũng là anh cán bộ Thành Đoàn Hà Nội: nhạc sĩ Trương Quý Hải. Đó chính là bài Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa - ca khúc với lời rất giản dị, mộc mạc của khung cảnh mùa đông:  Hà Nội mùa này... vắng những cơn mưa/Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh… Hà Nội mùa này chiều không buông nắng/Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô/Quán cóc liêu xiêu một câu thơ... Khác hẳn nhiều bài hát về Hà Nội, đây chỉ như một bức tranh phố phường của Hà Nội mùa đông do một người phương xa đi lướt qua, tuy chỉ ít ỏi, thoáng qua nhưng làm tràn ngập tâm hồn người nghe. Bài hát Mùa hoa cải của Lê Vinh - phổ thơ Nghiêm Thị Hằng cũng đã thực sự lay động tới sâu thẳm lòng ta: Có một mùa hoa cải nở vàng trên bến sông/Em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng/Có một mùa hoa cải nắng vàng trong mê mải/Cầm tay anh bối rối, anh nói lời yêu thương. Một khúc ca đượm buồn nhưng dạt dào yêu thương của người phụ nữ đã trải qua những mùa đông nhung nhớ và chỉ có vạt hoa cải mới làm ấm lòng họ, vì đó là tia nắng hy vọng trước mùa xuân sang.


Gần đây cũng có những bài hát về mùa đông theo phong cách trẻ rất hay như: Những mùa đông yêu dấu, Bản tình ca mùa đông, Nơi tình yêu bắt đầu… Tất cả điểm vào bức tranh mùa đông nhiều sắc màu làm cho tâm hồn ta thêm ấm áp.


Lê Đức Dương