Những ngày này, như một lẽ thường tình, người ta lại nhớ, lại tri ân những người thầy đã có công dạy bảo mình nên người. Và tôi, khi bất chợt nhìn thấy cuốn "Văn chương cảm và luận" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được tặng cách đây hơn chục năm trong góc tủ, lại nhớ đến người thầy đã bồi đắp, nuôi dưỡng trong mình tình yêu với văn chương từ giảng đường đại học.
Những ngày này, như một lẽ thường tình, người ta lại nhớ, lại tri ân những người thầy đã có công dạy bảo mình nên người. Và tôi, khi bất chợt nhìn thấy cuốn “Văn chương cảm và luận” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được tặng cách đây hơn chục năm trong góc tủ, lại nhớ đến người thầy đã bồi đắp, nuôi dưỡng trong mình tình yêu với văn chương từ giảng đường đại học.
Rồi cũng rất vô tình, tôi bắt gặp bài viết của thầy trên tờ Tuổi Trẻ cuối tuần năm nảo năm nào từ thói quen cắt và lưu những bài viết hay. Bài viết có tựa đề “Hoa bươm bướm một mùa hè”, đại ý là thầy kể về một mùa hè khó khăn của mình và sau đó nhận được lá thư dài sẻ chia, an ủi từ thầy Võ Hồng ở Nha Trang gửi vào cùng với những hạt cây bươm bướm. Để rồi, từ những hạt cây ấy được thầy gieo và nảy mầm thành những cây hoa với màu vàng chở che thầy vượt qua những phiền muộn. Và rồi, lần nào đến Nha Trang, thầy cũng ghé số nhà 51 Hồng Bàng để thăm người thầy mình rất mực kính trọng trong tâm tưởng.
Cái bất chợt này lồng vào cái bất chợt kia, trở thành những dòng hồi ức đẹp về người thầy đáng kính. Tôi còn nhớ, ngay từ năm nhất trên giảng đường Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, thầy - khi ấy cũng là một nhà phê bình khá nổi tiếng trong giới văn nghệ, trong tiết dạy đầu tiên đã gọi tên tôi đứng lên trả lời cho câu hỏi “Theo em, nhà văn cần có những đức tính gì?”, đơn giản như lời thầy nói đã đọc được một vài tác phẩm thơ của tôi trên báo. Đến tiết học khác, thầy lại chỉ vẽ cho cả lớp văn rằng, nếu muốn viết văn và bước đầu khẳng định tác phẩm của mình thì tờ báo dễ đăng bài nhất là Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Có hôm, thầy lại bảo với cả lớp rằng có vở kịch mới sắp được công chiếu, lớp có nhu cầu xem thì làm danh sách đăng ký số lượng sinh viên gửi thầy để được giảm một nửa tiền vé, bởi thầy quen thân với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc - khi ấy là người dựng vở kịch. Lại có lần, tôi bạo gan đưa thầy bài viết và nhờ gửi báo giùm để lấy may, và thầy cũng gửi thật, kèm theo đó là lá thư gửi nhà thơ Chim Trắng, khi đó là Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Bài viết đó sau vài tuần cũng được đăng, còn tôi lại đến văn phòng khoa tìm gặp và nói lời cảm ơn thầy.
Nhưng, thầy bồi đắp tình yêu văn chương trong tôi bắt đầu từ những cuốn sách. Không chỉ cho mượn, thầy còn tặng luôn cho tôi rất nhiều cuốn sách hay. Có lần đến tham dự buổi trao giải cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước”, gặp thầy làm giám khảo ở đấy, thế là được thầy tặng luôn bộ sách của các tác giả đoạt giải mà đến giờ tôi vẫn còn giữ, trong đó có cuốn “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần mà tôi rất thích. Ngay cả khi về Nha Trang làm việc, những năm đầu, tôi vẫn còn mượn sách thầy, nhiều khi cả năm sau có dịp vào TP. Hồ Chí Minh mới ghé trường cũ trả lại thầy.
Năm ngoái, thầy cùng thầy cô trong khoa ra Nha Trang du lịch, lại cùng trò nhâm nhi cà phê ở quán cà phê Mê Trang. Nói xuôi nói ngược, câu chuyện lại quay về với văn chương, lại nhắc trò sao lâu không thấy thơ thẩn gì trên báo. Trò lúc ấy chỉ biết cười...
Giờ không làm thơ và viết văn nữa, cũng chẳng có nhiều thời gian để đọc sách nhưng tôi vẫn duy trì cho mình thói quen đọc báo hàng ngày. Để rồi sau đó là thói quen giữ lại những bài hay như để gặm nhấm dần, như muốn nó thấm vào mình, cho khỏi khô đi cái cảm xúc trong tâm hồn giữa cuộc sống nhiều lo toan, bề bộn này.
Và có lẽ, những dòng cảm xúc bất chợt này cũng là lời cảm ơn thầy thêm lần nữa!
B.T