08:11, 28/11/2013

Chiếc cối giã trầu của bà

Tuy bà nội tôi đã mất từ lâu nhưng một số vật dụng sinh hoạt đời thường của bà vẫn được bày trang trọng trong ngăn chiếc tủ dùng làm bàn thờ. Chính những vật dụng thiêng liêng gắn liền với bà thường xuyên đập vào mắt như vậy nên trong tôi, hình ảnh thân thương của bà dường như lúc nào cũng hiện hữu, như chưa hề có sự chia xa...

Tuy bà nội tôi đã mất từ lâu nhưng một số vật dụng sinh hoạt đời thường của bà vẫn được bày trang trọng trong ngăn chiếc tủ dùng làm bàn thờ. Chính những vật dụng thiêng liêng gắn liền với bà thường xuyên đập vào mắt như vậy nên trong tôi, hình ảnh thân thương của bà dường như lúc nào cũng hiện hữu, như chưa hề có sự chia xa...


Một trong số những kỷ vật của bà mà tôi thích thú nhất đó là chiếc cối giã trầu mà bà vẫn sử dụng hàng ngày khi còn sống. Bà tôi ăn trầu từ khi còn trẻ cho nên chiếc cối giã trầu luôn là bạn đồng hành cùng thói quen ăn trầu của bà. Chiếc cối giã trầu bằng đồng sáng loáng đó được bố tôi đặt mua mãi tận làng đúc đồng nổi tiếng Đại Bái ở Bắc Ninh. Chiếc cối thon nhỏ bằng chiếc chén rót trà nhưng sâu hơn. Nó dài khoảng hơn chục centimet, miệng hơi loe, dưới chân cối có đục một lỗ nhỏ gắn sợi xích bằng dây đồng móc nhỏ, đầu kia hàn cố định với chiếc xiên sắt có đầu sắc, bẹt dùng để nghiền, xé miếng trầu cau cho nhỏ. Ngày nào bà cũng ăn vài, ba miếng trầu nên chiếc cối giã được sử dụng thường xuyên, và vì thế cả lòng cối cũng như chiếc xiên dùi trầu đều sáng loáng, bóng bẩy. Chiếc cối ấy được bà bỏ vào chiếc hộp nhỏ đan bằng mây có nắp đậy, bên trong đó có để kèm thêm nhiều thứ dụng cụ, nguyên vật liệu dùng ăn trầu như: ống vôi nhỏ, ống nhổ, hộp thuốc lào thái sợi, trầu không, cau, vỏ...

 


Mẹ tôi là người khá tâm lý và chu đáo, biết mẹ chồng nghiện ăn trầu nên chẳng phiên chợ nào là mẹ quên mua trầu, cau, vỏ, thuốc lào... về biếu bà. Những năm tay bà yếu dần, khi công việc xiên dùi trầu có vẻ vất vả, chậm chạp thì tôi thường giúp bà làm công việc này. Vì hay giúp bà công việc dùi, nghiền trầu nên tôi đã quá quen với định lượng các nguyên vật liệu để làm nên một miếng trầu bà ăn vừa đủ, ngon. Trong cối trầu, phần chính nhất, cơ bản nhất phải có là: cau miếng tươi, có thể là cau bổ phơi khô; lá trầu không; chút thuốc lào; chút vôi tôi, chút vỏ (có thể là vỏ rễ cây chay, hay một số vỏ thực vật thân gỗ khác)...


Mỗi lần giã trầu xong, bao giờ bà cũng rửa cối, thanh xiên nghiền trầu thật sạch sẽ rồi lau khô trước khi bỏ vào hộp đan mây. Chiếc cối giã trầu đã đi suốt những năm tháng tuổi già của bà nên cũng trở nên rất đỗi thân quên với tôi, vì suốt những năm tháng tuổi thơ cho tới khi lớn lên tôi đều được gần gũi với bà. Thi thoảng trở về nhà, lướt qua ngăn tủ thờ, bao giờ ánh mắt của tôi cũng đập vào chiếc cối giã trầu đầu tiên và những lúc ấy, hình ảnh của bà lại hiện lên trong ký ức tôi với biết bao kỷ niệm như hồi còn sống: đang sửa soạn vật liệu để ăn trầu, giã trầu, hay miệng nhai trầu bỏm bẻm... Chiếc cối không còn được sử dụng nên không còn sáng loáng, mà thay vào đó là màu xanh xỉn do ôxy hóa. Những lần nhà làm đám giỗ bà, tôi không bao giờ quên mang chiếc cối giã trầu cùng vài vật dụng gắn liền kỷ niệm của bà ra lau chùi lại cho sạch sẽ...


Nguyễn Long