05:11, 01/11/2012

Nhớ thương giấy mực học trò

Tôi không sao quên được tuổi học trò một thời gian khó ở quê xưa. Thời gian thấm thoát đã trôi qua hai mươi năm. Khoảng thời gian ấy đủ để cho người ta quên đi nhiều thứ, nhưng lại găm sâu vào lòng bao kỷ niệm khó phai.

Tôi không sao quên được tuổi học trò một thời gian khó ở quê xưa. Thời gian thấm thoát đã trôi qua hai mươi năm. Khoảng thời gian ấy đủ để cho người ta quên đi nhiều thứ, nhưng lại găm sâu vào lòng bao kỷ niệm khó phai. Mỗi lần mùa thi đến gần, tâm trí tôi cứ nao nao nhớ về một thời đi học. Nhiều gương mặt thầy cô, bạn bè hiện về trong ký ức. Nhớ ơi là nhớ, nhớ lắm mái trường xưa thơm thơm giấy mực học trò.

Những năm tháng đất nước mới giải phóng, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, gia đình nào cũng lo cái ăn đã đủ nhọc nhằn. Chuyện đến trường, đến lớp của con em nhà nghèo quả là một sự vượt lên chính mình. Giấy vở học trò lúc đó đâu trắng tinh và thơm như bây giờ. Bìa vở mỏng dính, ruột thâm sì, mỗi lần viết cứ lựng khựng. Một quyển vở có khi phải học 3-4 môn, chữ ken dày chi chít từ đầu đến cuối trang giấy, ôm luôn cả cái lề hẹp. Chưa hết, vở học xong một năm, có bạn nhà nghèo quá chưa có tiền mua vở cho năm học mới, đành đem ngâm vào nước cơm trộn với nước tro để làm sạch. Biến vở cũ thành vở mới là một sáng tạo của tuổi học trò ngày ấy.

Giấy vở đã khó, bút mực cũng khó không kém. Thời tiểu học, học trò chủ yếu dùng bút tre. Loại bút này viết chưa được mấy chữ đã phải lo chấm mực, vì thân bút chỉ làm bằng tre, không có ruột giữ mực. Đến cấp 2, đa phần học trò dùng loại bút máy hút mực, học được mấy buổi mới hết. Ai có được cây bút máy kim tinh thời đó coi như sướng nhất, phải có người thân ở xa, làm ăn khá giả mua tặng. Mực đến trường đôi khi cũng thiếu, có khi phải xin hoặc… hút trộm của bạn trong giờ ra chơi. Ngày mai đến trường mà ruột bút trống không thì phải nghĩ cách, giống như cách sáng tạo trong khi “giặt” vở để có vở mới vậy. Tôi nghĩ tác giả sáng tác ca khúc “Mực tím mồng tơi” chắc phải trải qua cái thuở học trò nghèo khó nơi chốn quê mới viết hay đến thế. Mực tím và mồng tơi liên quan, gần gũi với nhau nhiều lắm. Thiếu mực, chỉ cần hái trái mồng tơi, vắt vào chén, phơi nắng cho nước bốc hơi bớt sẽ tạo ra thứ mực tim tím từ nước mồng tơi được cô lại, pha thêm ít mực nguyên vào là có thể sử dụng tốt. Có điều, mực mồng tơi không giữ được lâu, dễ phai nhòa nét chữ, không khéo đến khi cuối kỳ ôn bài đọc đau cả mắt.

Giấy mực ngày nay không còn khó khăn như trước. Vở nháp của các em, giấy cũng trắng tinh; bút thì đủ loại, thoải mái dùng, hết thì mua bút mới. Mỗi thời mỗi khác, chúng ta cũng đừng bắt học trò gò ép như xưa, có điều phải biết sử dụng sao cho tiết kiệm. Giữa tiếng ve ngân khắc khoải gọi Hè, nghĩ đến chuyện giấy mực học trò trước đây mà bồi hồi, thương nhớ không nguôi.

 LÊ THÀNH VĂN