Nhớ lắm tuổi thơ tôi, những năm 1979, 1980, cứ đến con nước ba mươi, mùng một hoặc ngày rằm, nước biển cạn là chị em tôi từ nhà ở thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ (Ninh Hòa) ra biển bắt ốc ngựa, sò huyết. Cả đám bọn trẻ chúng tôi lục đục dậy từ 3 giờ để chuẩn bị, đến 4 giờ xuất phát đi bộ xuống biển. Chúng tôi vừa đi vừa nói cười rôm rả để xua tan nỗi sợ ma vì hồi đó nhà cửa thưa thớt, toàn bờ bụi và đồng trống. Đi bộ tới biển là muốn rụng rời đôi chân, nhưng thấy biển rồi là bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến. Chúng tôi phải tranh thủ đi sớm vậy vì buổi sáng trời lặng gió, sò huyết mới há miệng, mình mới bắt được. Gặp được nhiều sò huyết và sò to là mừng ơi là mừng. Đứa nào cũng tranh thủ bắt được nhiều để sáng hôm sau đem đến chợ Lạc An bán kiếm tiền hoặc đổi lấy gạo về ăn. Bắt ốc xong, chúng tôi xuống biển tắm, thi bơi, xây lâu đài cát rồi cùng nhau ngồi dưới gốc mấy cây dương ăn cơm trưa đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, mạnh đứa nào đứa nấy tìm chỗ nằm ngủ một giấc rồi tới xế chiều mát trời cùng nhau đi bộ về nhà.
Vui như vậy nên cứ mong đến mùa nước cạn để cùng nhau đi bắt ốc, tắm biển, nô đùa trên mấy đống cát trắng phau phau. Mà công nhận cát biển quê tôi trắng thật. Sóng và gió đã đẩy cát vào bờ tạo nên những đồi cát trắng. Chúng tôi thích đuổi bắt nhau trên những đồi cát ấy, chơi trò trượt cát. Có thể vì nơi đây có nhiều đồi cát cao và nhiều người thích trượt cát như tôi nên biển nơi đây có tên là Dốc Lết. Biển Dốc Lết thuộc phường Ninh Hải.
Có lần, những con nước khác, chúng tôi xin phép ba má xuống phường Ninh Diêm ở nhờ nhà bà con để hái rau câu. Chúng tôi thường ở lại hái cho đến khi hết con nước rồi về. Con nước kéo dài khoảng một tuần là một tuần đó chúng tôi cùng nhau vui chơi, cùng nhau nhóm lửa nấu cơm, bắt sứa. Sứa bắt được, chúng tôi đem ra biển rửa sạch, cho vào thùng, bỏ phèn vào cho khỏi tiêu. Ôi ngày đó sứa nhiều lắm, ốc nhảy, rau câu cũng nhiều lắm, chúng tôi cố gắng gánh về bán kiếm tiền. Nhờ những sản vật của quê hương vùng biển mà gia đình chúng tôi vượt qua những năm đói một cách nhẹ nhàng hơn những khu vực khác.
Những ngày không đi biển bắt ốc, bắt sứa, dân làng tôi cứ 4-5 giờ chiều là rủ nhau xuống Đìa Đội, trước Xóm Quán cũng thuộc thôn Xuân Mỹ. Đìa Đội rộng, là đìa nước mặn, cách cái lạch đò thôn Bình Tây, xã Ninh Thọ, đìa này có rất nhiều ốc, cá. Gọi là đìa nhưng ốc, cá ở đây là ốc cá thiên nhiên chứ không phải do người dân nuôi. Cá, ốc nhiều vô kể, cả làng tôi xúm nhau bắt. Có những loại cá ngày nay thành đặc sản như: Cá mó, cá mú…. thì ngày đó chúng tôi đều không bắt vì có nhiều loại cá thịt dai ngon hơn. Sau khi bắt xong, người dân kéo nhau ra giếng Dùng để uống nước, rửa mặt. Giếng Dùng là giếng vùng, giếng làng. Người dân quê tôi gọi bằng tiếng địa phương là giếng Dùng. Thôn Xuân Mỹ quê tôi khô cằn, đất sỏi đá, nước khan hiếm nên ông bà từ xa xưa đã đào một cái giếng to để chứa nước, mạch nước ít, hầu hết nước giếng là nước mưa và dẫn từ nguồn nước ở đập Đá Bàn về. Giếng Dùng là nơi người dân trong thôn tới gánh nước về uống; còn nước để sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt thì mỗi gia đình tự đào một cái giếng và một cái ao cạnh giếng trong khuôn viên đất của gia đình mình. Nhà tôi cách xa giếng Dùng. Tuy gánh nước nặng, lại đi xa nhưng đứa nào cũng thích đi gánh nước. Vì giếng Dùng là nơi chúng tôi tụ tập hát hò đùa giỡn, làm thơ đối qua đối lại ở đó. Đã có rất nhiều cặp đôi nên duyên ở đó. Ngày ấy không có nhiều thú vui, địa điểm giải trí như bây giờ nên giếng Dùng như một tụ điểm của trẻ nhỏ và thanh niên nam nữ. Nhắc đến giếng Dùng, thế hệ chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ về tuổi thơ và cả thời thanh xuân tươi đẹp của mình. Nơi đây cũng là một địa chỉ đỏ, một địa điểm tập trung hội họp, các chiến sĩ liên lạc với nhau trong thời kỳ kháng chiến. Với tôi, nơi đây có nhiều ý nghĩa vì ông ngoại tôi đã hy sinh khi tìm cách liên lạc với đồng đội.
Biển Dốc Lết năm 2018. Ảnh: XUÂN THUẦN |
Ngày nay, nước máy đã về khắp từng hộ ở thôn Xuân Mỹ, dân làng tôi đã không còn ra gánh nước về uống như ngày xưa. Chỉ thi thoảng người dân nuôi tôm, làm ruộng gần đó mới tới lấy nước về chòi uống. Nhờ Đảng và Nhà nước tạo điều kiện nên đời sống người dân thôn Xuân Mỹ ngày càng được cải thiện. Từ vùng đất hoang sơ, vắng vẻ ngày đó, bây giờ trở nên khá giả, tấp nập. Nhiều đìa nuôi tôm, nhiều ruộng muối bạt ngàn mọc lên trên cánh đồng vắng. Mỗi khi có dịp về thăm quê, khi đi ngang qua tôi đều dừng lại, nước giếng vẫn trong vắt một màu, vẫn mát lạnh như ngày xưa, vẫn vị ngọt nhè nhẹ lan tỏa vào người. Tôi thích cảm giác đó, cảm giác trời nắng chang chang, làm đồng mệt về, chúng tôi kéo nhau đến giếng uống nước và ngồi nghỉ ngơi. Mát lạnh, đã khát! Vị ngọt, cái mát lạnh của nước giếng Dùng đã nuôi lớn bao thế hệ người dân thôn Xuân Mỹ và theo chúng tôi suốt cuộc đời.
PHẠM THỊ PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin