20:37, 27/10/2023

Nhớ những con đường đất 

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG

 “Nhà mình về khu Máy Nước từ năm 1969, khi con mới hơn 5 tháng tuổi”, hồi còn sống má tôi hay kể. Tới 5 tuổi, học mẫu giáo, tôi phải đi một đoạn đường đất cùng đứa nhỏ nhà kề bên để đến ngôi trường có vườn hoa gần Đề Pô. Trong trí nhớ về những ngày tháng ấu thời xa mờ ấy, vẫn chập chờn hiện lên con đường đất gần vườn dương lớn, băng qua những lùm hoa ngũ sắc, rồi qua mấy đoạn đường ray cỏ dại chen đầy. Bà giáo dạy vỡ lòng cho tôi lớn tuổi hơn ba má, thường dắt lũ nhỏ ra vườn bắt cào cào, rồi dạy tập viết. Bà than với má: “Tay thằng nhỏ mềm quá lúc đầu không cầm viết được. Vậy mà giờ cho mấy chữ hoa, thấy viết theo cũng ổn”.

Con đường đất thứ hai mà tôi thường đi là đường dẫn qua Quốc lộ 1 (đường 23 tháng 10 bây giờ). Đó là con đường tôi theo ba đưa chị Hai (học lớp 4) và anh Ba (học lớp 2) đến trường Bồ Đề, dưới chân núi có ông Phật Trắng. Nhờ thế, tôi được thấy các anh chị ở trường này trước khi học phải đọc kinh. Anh chị tôi giờ vẫn thuộc bài kinh ấy.

Khu này gọi là khu Máy Nước, theo người lớn kể vì ở đây có nơi cho người dân đến lấy nước máy. Ở trong khu này, đi đâu cũng thấy tượng ông Phật Trắng uy nghi trên cao ngay trước mắt, chắc vì hồi đó nhà cửa còn thấp và thưa thớt. Tôi và anh tôi thường đội mũ trái khế theo ba má đi cúng chùa dưới tượng Phật Trắng. Ba má thường đưa anh em tôi lên gác chuông, chui vào đại hồng chung cho quý thầy đánh chuông nghe để “sáng đầu, sáng dạ”. Tôi rất muốn được cùng học với anh chị ở trường Bồ Đề, nhưng khi lên lớp 1, ba má lại cho tôi học ở một trường nhỏ gần nhà hơn. Còn anh chị tôi thì chuyển qua học trường Hưng Đạo.

Trong khu Đề Pô năm 1972. Ảnh: T.L
Trong khu Đề Pô năm 1972. Ảnh: T.L

Con đường đất thứ ba mà tôi nhớ là từ xóm nhà tôi dẫn lên Tỉnh lộ 4 (đường Lê Hồng Phong bây giờ). Đó là nơi ngoài giờ học, tôi theo các anh chị trong xóm đu cành cây hái trứng cá, dùng cây đi khều trái keo chín trên cao. Háo hức nhất là đi bắt dế. Không có tiền mua những con cồ lửa, cồ than gáy vang trong thùng xốp của mấy chú bán cà rem, nên nhiều lúc nằm mơ tôi thấy mình bắt được con dế đá trong đám cỏ trước nhà. Thế là có lần tôi quyết theo các anh lớn ra tận ruộng nằm dưới bờ đá ngoài Đồng Nai bắt dế. Ruộng đầy nước không có con dế nào mà chỉ được mấy roi má quất vào mông.

Con đường đất thứ nữa mà bọn nhỏ tôi rất mê là đường qua Đề Pô ra Phước Hải (đường Nguyễn Trãi bây giờ). Đó là con đường hấp dẫn nhất bởi nó mở ra một “thế giới mới” khác hẳn. Khi bên này đường ray chỉ là xóm nhà tôn nhỏ buồn hiu với những vườn cây cỏ dại thì bên kia là nhà xây cao san sát với cửa hiệu sáng choang tấp nập người qua lại đông vui. Tuy người lớn cấm vì lo ngoài phố nhiều xe cộ, nhưng chúng tôi vẫn lén lút ra Phước Hải để làm những chuyến khám phá của mình. Đích đến mê nhất là rạp xi-nê “Hưng Đạo” (ở đầu đường Huỳnh Thúc Kháng, nơi trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh bây giờ). Rạp xi-nê là một “thiên đường” nhưng quá xa tầm với. Chúng tôi chỉ được vào đó đôi lần khi ba má dẫn đi. Vì thế, cả bọn thường rủ nhau xuống trước cửa rạp để tha hồ ngắm các tài tử thượng thặng: Khương Đại Vệ, Địch Long, La Liệt... trên các bảng quảng cáo phim. Có lần thấy mấy đứa nhỏ chui lọt vào khoảng trống giữa hai thanh sắt rào chắn sau lưng người soát vé, các anh lớn xúi đứa nhỏ nhất bọn là tôi chui theo. Tôi rất muốn vào, nhưng lại sợ một mình bị lạc. Trên đường về, anh lớn nhất bọn hăng say kể chuyện phim về một hiệp sĩ cụt một tay đánh bại hàng hàng lớp lớp địch thủ chỉ bằng một thanh kiếm gãy. Chỉ nghe kể thôi mà đứa nào cũng múa may như sắp thành đại hiệp có võ công cái thế.

Còn con đường nữa gắn gia đình tôi với những chuyến đi xa là đường ra ga. Ba tôi làm việc trên các chuyến tàu đi Tuy Hòa và Tháp Chàm. Nghe tiếng còi tàu, chị em tôi kêu lên: “Ba về…”, rồi chạy ra hướng sân ga đợi. Đó là lúc sân ga rất đông người và ồn ào tiếng rao mua bán. Ba về thường mang những món quà nơi xa, khi thì mấy chùm nho Phan Rang tím sẫm, khi thì những trái xoài Cam Ranh chín vàng…  

Đường Đề Pô hiện nay- Ảnh: V.X
Đường Đề Pô hiện nay. Ảnh: V.X

Cũng nhờ ba làm việc trên tàu mà chúng tôi được đi xa hơn các bạn cùng trang lứa. Ba thường cho chúng tôi về thăm nội - ngoại ngoài Tuy Hòa. Ba chị em tôi rất thích thú khi tàu chui qua hầm đèo Rù Rì, đèo Cả tối om, rồi đi qua những cánh đồng bát ngát. Lần đầu được thấy những cánh đồng chạy dài xa lắc đến chân trời, anh chị tôi nhớ lại bài hát vừa được học ở trường: “Tía em hừng đông đi cày bừa - Má em hừng đông đi cày bừa… - Hè về nơi nơi - Đồng ruộng thì mênh mông…” . Còn tôi thì cố ghi nhớ cảnh các ngọn núi, dòng sông, bờ biển đã trôi qua cửa sổ con tàu ra sao… để về kể lại cho mấy đứa cùng xóm. Có lẽ những chuyến đi xa và tiếng còi tàu từ ngày ấy đã sớm gieo vào tôi một nghiệp đời rong ruổi về sau…

Tôi lớn lên, rồi đi qua nhiều vùng đất, lên rừng xuống biển, đi qua không biết bao nhiêu con đường. Vậy mà, giờ cứ mỗi lần chạy xe ngang qua chỗ giao nhau giữa đường Nguyễn Trãi với đường Đề Pô là nhớ lại những con đường đất ngày nhỏ. Những con đường đất không tên và cũng không còn, khi nhà cửa đã chen đầy. Tôi cũng không tìm ra được manh mối nào của những con đường đất ngày xưa nữa, ngoài con đường Đề Pô này.

Năm trước, thật trùng hợp ngẫu nhiên khi một ông anh (cũng là một “hiệp sĩ xi-nê” lớn lên từ xóm nhập cư Đồng Nai khi xưa) chọn quán “Vườn Dương” bên đường Đề Pô làm bữa tiệc sinh nhật tôi vì ở đây có món heo quay mà theo anh là “ngon nhất Nha Trang”. Heo quay của quán hôm ấy đúng là ngon thật, nhưng tôi cảm động hơn ở chỗ đang ngồi. Chao ôi! Cuộc đời chẳng mấy chốc mà thằng nhóc con là tôi ngày nào nay đã vào… già (U60 rồi!). Không biết những anh bạn ngày xưa trong khu nhà cũ giờ đã góc bể chân trời nào? Chợt có tiếng còi tàu vẳng lại, ly rượu cầm trên tay mà sao cay mắt thế. Lại hiện lên con đường đất xa mờ, nơi tôi đã đặt bước chân đầy hăm hở cho những cuộc viễn du ngày thơ bé.

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG