Hồi mấy chị em gái mới lớn nản nhất là trong nhà có tới 2 bà già Huế. Cái gì cũng bị ngăn cấm, bị la, bị chê ỏng chê eo. Mi cắt cái đầu tóc ni không giống ai. Mi mặc cái áo ni xấu tệ. Con gái con đứa chi mà chạy như ngựa, vô nhà dép chiếc trước chiếc sau tau khẻ cho chừa nì.
Hồi mấy chị em gái mới lớn nản nhất là trong nhà có tới 2 bà già Huế. Cái gì cũng bị ngăn cấm, bị la, bị chê ỏng chê eo. Mi cắt cái đầu tóc ni không giống ai. Mi mặc cái áo ni xấu tệ. Con gái con đứa chi mà chạy như ngựa, vô nhà dép chiếc trước chiếc sau tau khẻ cho chừa nì. Ăn cơm răng không quay mặt vô mâm mà ngó đi đâu hả? Bạn bè tới nhà chơi phải chịu sự giám định của cả 2 bà, chắc chẳng dám quay lại lần sau. Chị em tôi kêu cả 2 bà đều là bà ngoại, bà lớn tuổi nhất là ngoại Ăn Trầu, rồi đến ngoại Bánh Canh.
Ngay từ bé tôi đã biết ngoại Bánh Canh là ngoại ruột của mình, và cứ đinh ninh ngoại Ăn Trầu là chị ruột của ông ngoại đã mất vì thấy má tôi kêu bà bằng cô Hai. Hai bà là hai thái cực. Bà ngoại Bánh Canh rất hiền, bà bán bánh canh đầu ngõ mỗi sáng. Bà ngoại tên Ăn Trầu vì bà ghiền ăn trầu thì sắc lẻm như dao cau, cái gì không vừa ý là bà nói như cứa.
Bà ngoại Ăn Trầu lúc nào trông cũng thong dong, quạt phe phẩy trên tay, quần trắng áo gấm, thoang thoảng dầu thơm. Tóc búi dày ngược ra đằng sau nhưng lại bị hói trước trán nên ngồi đâu cũng lấy gương lược trong túi áo ra săm soi, chải qua chải lại, rồi lại tô tô mím mím. Đôi gò má cao lúc nào cũng hây hẩy màu hồng phấn nụ. Ai cũng bảo, bà có tướng cô độc nhưng sang. Thì đã hẳn, cô ruột của bà là phi tần của vua Khải Định. Ngày còn ở Huế, bà vẫn thường được cô đưa vào cung chơi, khá quen thuộc với lễ nghi kiểu cách chốn cung đình. Bà hay được làng xóm tin tưởng mời vào các vai vế quan trọng trong lễ lạc, đám hội, ra đường ai gặp cũng chào hỏi cung kính.
Ngoại ruột thì ngược lại, lúc nào cái quần đen nhăn rúm cũng xắn tới gối, đi đứng khẽ khàng te tái, người toàn mùi thuốc lá Cẩm Lệ và dầu dừa xức tóc. Bà luôn là người ngồi vô mâm cơm ở góc xa nhất, trễ nhất và sẽ đứng dậy sớm nhất để ra dành chỗ ngoài ảng nước chờ rửa chén. Trời chưa sáng hẳn đã nghe tiếng chổi của ngoại khua ngoài đường, bà quét hộ cho cả mấy nhà bên cạnh. Ngoại Ăn Trầu khi ăn trầu thì phải là trầu nguồn, xoài phải là xoài cát, cá thì chỉ cá thu, cá bè mới đụng đũa. Ngoại ruột thì cứ chê đây đẩy món ngon vật lạ, rằng không thích, không hạp rồi cứ cá vụn, đồ ăn dư của ngày hôm trước mà và cơm cho xong bữa. Khách tới nhà chưa kịp mở miệng hỏi thì bà đã lật đật đi mời ngoại Trầu rồi lui ra sau bếp châm nước pha trà. Bầy cháu gái lớn lên đuểnh đoảng, vụng việc nhà, nấu nồi cơm không xong, vò cái áo không sạch cũng là do ngoại ruột. Bà chớ hề cho con cháu làm gì trừ việc ăn học, giành làm tất tật từ trong ra ngoài, từ nhà trên xuống nhà dưới; ai nói mặc ai.
Mỗi sáng sớm, tôi thường được đánh thức bằng tiếng chổi quét sân nhè nhẹ đều đều của ngoại Bánh Canh, tiếng than củi nổ tí tách, rồi mùi bánh canh chả cá thơm lừng. Hôm nào siêng năng dậy sớm mò ra cái bếp lò đặt ngoài sân với ngoại thế nào cũng được thưởng cho miếng chả, được nhìn lên bầu trời tìm ngôi sao mai, được nghe bà kể chuyện đời xưa. Rồi một ngày nọ, ngoại kể chuyện mình, vừa kể vừa khóc. Trong đầu một con bé hơn 10 tuổi khi đó đúng là trời long đất lở. Và đó cũng là lần duy nhất tôi nghe chuyện này từ ngoại mình.
Ngoại kể, năm bà 31 tuổi, có 4 mặt con thì ông ngoại sinh lòng thương bà khác, rồi ngang nhiên đem người ta về nhà buộc bà chấp nhận. Người đàn bà xa lạ ấy bước vô nhà, ở bên cạnh chồng mình, đẩy vị trí của bà đêm đêm trên cái nhà chính ấm áp xuống gian nhà phụ trống trênh sau bếp cùng với bầy trẻ con và chó mèo. Rồi những trận đòn vô cớ giáng lên người bà và các con, càng lúc càng khiến thân phận bà vợ lớn chẳng khác nào tôi đòi. Nói rồi bà ngoại nước mắt giàn giụa cầm tay tôi miết lên mấy vết sẹo nằm rải rác trên đầu bà. Con bé con kinh hãi tưởng tượng ra từng thanh củi bổ xuống đầu ngoại mình... Tuổi thơ của má tôi, các cậu, dì… có lẽ cũng bị những hình ảnh này vò nát.
Lẽ ra, khi ông chồng mất đi thì bà vợ lẽ cũng phải di tản theo mới phải, bởi vừa không có con, vừa bị bầy con của bà vợ lớn căm hận, thù ghét. Ấy vậy mà bà ở lại, kế thừa công việc dở dang của ông ngoại tôi và gần như là chủ gia đình sau khi ông mất đi. Đó chính là người mà tôi kêu bằng bà ngoại Ăn Trầu bây giờ.
Bà ngoại Bánh Canh trẻ hơn tình địch đến 14 tuổi, nên ngay từ đầu kêu bằng chị xưng tui, một điều dạ hai điều thưa. Luôn ghi khắc trong đầu tôi hình ảnh mỗi sáng sớm bà ngoại Bánh Canh khẽ khàng bước vào gian nhà lớn nơi ngoại Ăn Trầu còn ngủ, lom khom cúi lấy ống nhổ bã trầu đi đổ, rồi bưng khay ly tách bình trà đi súc rửa, pha mới. Hoàn toàn tự nguyện, cản không được. Ngoại Ăn Trầu sáng dậy ngồi chải xong cái đầu, vấn lại tóc chắc cũng hết nửa tiếng.
Riết rồi cũng chẳng còn ai trong nhà nhớ đến cái tôn ti trật tự ban đầu, khi bà ngoại Ăn Trầu mới bước vào với thân phận kẻ thứ ba, hoặc có nhớ mà không nhắc đến. Tất nhiên, ngày còn bé, khi nghe chuyện tôi cũng sốc, cũng ghét. Còn nhớ, mấy chị em hồi xưa mỗi lần ngồi túm tụm nói nhảm hay bình chọn các thứ, luôn luôn đáp án cho câu đố ai là người đáng ghét nhất trong nhà thì chẳng có ai giành được vị trí quán quân ngoài bà ngoại Ăn Trầu cả, dù trong nhà có cả mợ, thím dâu…
Cứ như vậy, hai bà sống bên cạnh nhau, như hình với bóng.
Ngoại Ăn Trầu đi trước, thọ đến 90 tuổi. Ngoại Bánh Canh đi sau mấy năm. Ở một nơi khói sương nào đó nếu các bà có gặp lại ông ngoại, chắc cũng chẳng còn hờn ghen hận thù.
Cha mẹ tôi lập mộ cho hai bà mẹ ghẻ và mẹ ruột ngang nhau, không ai to hơn ai, cúng giỗ tử tế. Mãi sau này tôi mới hiểu ra, không ai quên được quá khứ cả, nhưng hơn nhau ở cách đối xử với nó, vì chính mình.
. Truyện ngắn của ÁI DUY