Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm xong, tôi khấp kha khấp khởi nghĩ tới cái viễn cảnh mình được làm cô giáo, mực thước trong bộ áo dài và tươi cười khi mấy em nhỏ ríu rít khoanh tay "Em chào cô!".
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm xong, tôi khấp kha khấp khởi nghĩ tới cái viễn cảnh mình được làm cô giáo, mực thước trong bộ áo dài và tươi cười khi mấy em nhỏ ríu rít khoanh tay “Em chào cô!”.
Đang rất lạc quan về một tương lai tươi sáng thì ngày đi nhận bằng tôi được thông báo: trường đào tạo theo chỉ tiêu từng huyện nhưng bây giờ, do tình hình chung là các huyện không thiếu chỉ tiêu nên các em tự tìm nhiệm sở. Lúc mới nghe tin, thú thực tôi có phần hoang mang nhưng ngay sau đó tươi tỉnh lại vì nghĩ hay đây cũng là ý trời, chắc là số phận đã tặng mình cơ hội để thực hiện hoài bão làm cô giáo vùng cao. Tôi về, trình bày mọi chuyện với mẹ rồi xin lên núi dạy, mẹ la cho một trận. Mẹ sợ thân gái đơn chiếc loay hoay chỗ thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc... Nhưng tôi vẫn quyết tâm. Bạn bè tổ chức họp hành, phần lớn đồng tình theo phương án nộp hồ sơ tại địa phương rồi chờ bổ nhiệm. Tôi với Thảo thì âm thầm chọn cách khác.
Trưa hôm sau, tôi cùng Thảo đạp xe băng qua mấy con dốc lên tận phòng giáo dục huyện miền núi phía tây của tỉnh nộp hồ sơ. Đứng trước cửa phòng, tôi tròn mắt. Ôi chao, cơ quan giáo dục của huyện là một căn phòng cấp bốn cũ kỹ. Thú thực, tôi thích đi dạy trên núi vì tôi ngưỡng mộ mỹ từ “cô giáo vùng cao” chứ trong cái đầu nhỏ bé của cô nàng lớn lên từ đồng ruộng, tôi chưa bao giờ hình dung ra quang cảnh đìu hiu xơ xác này.
Thảo về trường bán trú trên thị trấn, còn tôi nhận quyết định công tác tại vùng cao. Đó là vùng kinh tế mới, dân di cư chủ yếu là các tỉnh phía bắc, có cả người dân tộc thiểu số nữa, họ giống nhau ở chỗ tất cả đều rất nghèo.
Hành trình đi tìm trường của tôi cũng khá gian nan. Ăn mặc đẹp đẽ, tôi nhờ anh Hai chở đi nhận nhiệm sở, tâm trạng vừa phấn khởi, hồi hộp vừa nôn nao lo sợ. Ngày hôm ấy trời ửng nắng rất đẹp vậy mà vừa qua khỏi địa phận của huyện nhà được 3km thì phải leo xuống trả tiền cho người ta khiêng xe qua bờ tràn. Nghe bảo đêm hôm mưa to quá, mưa rừng nên nước tràn xuống đường rất mạnh, đoạn có bờ tràn nước rất dữ nên phải khiêng xe. Tôi thì đu vai anh Hai qua tràn. Từ chỗ ấy, phải khiêng xe qua ba bờ tràn nữa, băng qua một đoạn đường dài vắng vẻ toàn mì với mía rồi bươn lên một con dốc dựng đứng, tôi mới tới được trường.
Ngôi trường tôi đến chẳng giống với ngôi trường trong những giấc mơ, nó tồi tàn, ọp ẹp nếu không muốn nói là rệu rã. Lúc hỏi thăm trường nằm chỗ nào, tôi phát hoảng vì được một người dân địa phương bảo đó nguyên là cái kho cũ bỏ hoang được sửa lại nằm trên đồi. Tìm ra ngọn đồi rồi, lại phải bươn lên một cái dốc dựng đứng mới lên được sân trường. Hoang sơ. Vắng lặng. Dây leo bám rậm vách phòng học. Trường có 4 lớp. Thầy hiệu trưởng đưa tôi đến khu nội trú. Tạm bợ. Chắp vá. Vì đó vốn là cái trạm y tế bỏ hoang.
Tôi được sắp xếp ở với hai giáo viên nữ khác của trường. Chiếc giường đơn cho hai cô giáo đã quá nhỏ, giờ thêm tôi nữa nên đành phải lên trường khiêng hai cái ghế dài học sinh về kê vào cho có chỗ ngủ. Về đấy ở, mọi sinh hoạt đều thực hiện rất “dã chiến”.
Buổi tối, tôi còn phải đi dạy phổ cập. Đường đi gồ ghề, đêm đen đặc. Trường nghèo, dân nghèo, học trò không có điều kiện học tập, thêm ảnh hưởng mặt bằng dân trí thấp của cộng đồng dân cư nên các em bỏ học giữa chừng nhiều, cả dạy chính quy lẫn dạy phổ cập ban đêm, dạy hè… Tôi hụt hẫng, thất vọng, ngỡ ngàng khi đối mặt cùng thực tế - quá khác so với những gì cô sinh viên sư phạm từng tâm huyết ấp ủ, hình dung lúc mới ra trường. Tôi lên lớp ngày ngày như nghĩa vụ bắt buộc, dạy bằng trách nhiệm của một người làm công ăn lương hơn là tâm thế của một người thầy yêu nghề mến trẻ. Nhiều khi khổ, buồn, tôi muốn bỏ về xuôi. Trốn cho xa, thật xa, khỏi ngôi trường nghèo nàn và những đứa học trò nhếch nhác…
* * *
Rồi một buổi sáng, bình thường như bao buổi sáng khác ở khu nội trú, tôi dậy mở cửa đã thấy cậu học trò ngồi tự lúc nào trước hiên nhà. Cậu bảo đến sớm nhưng không dám gọi vì sợ phá giấc ngủ của cô. Tay cậu ôm bó rau muống to. Cậu rụt rè bảo: Rau vườn nhà, tươi lắm, em đem cho cô nấu canh…
Có hôm tôi bệnh, một học trò khác mang tới khu nội trú trái cam nhà, nhỏ xíu và khô đét, rồi trái đu đủ chín. Mùa mía thì những cây mía xanh được các em đem ra suối chà thật sạch và đem tới tặng cô. Chưa hết, những ngày lễ, quà của các em tặng là những bó bông cỏ được sắp và bó thật đẹp, có em kết thành vòng, đeo vào cổ cô giáo…
Đó quả thật là những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc. Nó giúp tôi vơi nỗi buồn khó khăn, thiếu thốn. Nó khiến tôi ngày càng gần gũi, yêu thương các em hơn. Nhớ nhất là lần tôi nhập viện, có em học trò bắt bố mẹ chở xuống tận bệnh viện thăm cô. Em đặt ở đầu giường tôi một hộp to những con sếu. Em bảo đó là cả lớp làm để cầu mong cô mau khỏe mạnh…
…Giờ đã xa rồi - cái ý tưởng bỏ lớp bỏ trường, bỏ những đứa học trò vùng cao lam lũ để về xuôi. Tình cảm quyến luyến, yêu thương của những em học trò nhiều thế hệ, cộng với những kỷ niệm đẹp với bạn bè, đồng nghiệp một thời đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi đã thành những sợi dây mềm mà vô cùng chắc buộc chân tôi lại với ngôi trường vùng cao, với những học trò xóm núi...
. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Nhàn