1. Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. ....
1. Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…
Đảo nằm xa lằn tàu (*).
Ngày nào xong việc anh cũng ra bãi, trèo lên gộp đá cao nhất ngồi nhìn mông lung ra biển. Phía ấy hướng tây là bờ, là quê. Định chừng vậy thôi, chứ đâu cũng mênh mông trời nước; khác chăng chỉ có cái ráng chiều đỏ ối ôm quanh quả cầu rực lửa từ từ chìm sâu xuống biển mỗi độ hoàng hôn báo anh biết hướng ấy là quê. Ngày biển động thì thua, đảo như con tàu mất lái nổi trôi giữa đại dương. Xung quanh, ngó hướng nào cũng hoang hoải trống trơ, xám xịt, gầm gào. Anh nhớ cái làng chài ven biển, nơi anh bỏ lại tuổi thơ, bỏ lại gia đình, họ tộc, anh em. Và cả mẹ già. Nơi ấy là quê. Nơi anh sinh ra và lớn lên, có cánh rừng phi lao mát rượi rũ tóc lao xao che lối đến trường. Qua mỗi mùa khô, cái “đệm lá” dưới chân phi lao lại dày thêm, êm ái mà đỡ, mà nâng những bước chân trốn tìm của ký ức tuổi thơ…
* * *
…Nhưng, đây cũng là quê!
Giọng cha nuôi. Anh nhớ đến lời hẹn ước với nàng, ngày hai đứa trốn nhà, dắt nhau ra đảo: xem đảo là quê hương của riêng hai đứa, mãi không lìa đảo, mãi không lìa nhau. Chú Sáu Râu, “tiền hiền” của cái xóm đảo lèo tèo đâu mươi nóc nhà dân lắc đầu, kêu: Coi cô cậu cũng con nhà gia thế, chữ nghĩa, sao tới chốn này chi cho cực vậy trời… Kêu vậy thôi, chắc chú hiểu: ai trôi dạt đến xứ này cũng đều mang một nỗi niềm. Những nỗi niềm nhiều khi khó sẻ chia. Chú Sáu huy động xóm đảo người một tay giúp anh lấy tranh tre, đốn gỗ làm nhà. Chú Sáu bày vẽ cho anh cách kiếm miếng ăn từ biển, cần mẫn truyền nghề cho đến khi anh thành dân chài thực thụ. Chú truyền nghề, truyền luôn cái đạo lý sinh tồn của mẹ biển khơi: chỉ cần chịu khó chịu thương, biển không để ai đói bao giờ…
Anh nhận chú Sáu làm cha nuôi. Người cha đầu tiên anh có kể từ lúc lọt lòng…
2. Mẹ bảo: về đi con, nó mất rồi, không lẽ tính chôn thân chốn ấy suốt đời sao con? Anh lắc đầu. Mẹ khóc: là lỗi của mẹ. ngày ấy mẹ nghĩ không kịp nên mới… Con tính giận mẹ suốt đời sao con? Anh lại lắc.
Không, anh không còn giận mẹ lâu rồi. Đơn giản là anh không thể rời xa đảo, thế thôi. Là anh nợ đảo. Nợ một lời hứa với đảo. Với nàng. Còn nữa: nợ những ân tình. Với đất. Với người. Đảo đã cưu mang và nuôi dưỡng tình yêu của nàng và anh. Đảo đã cho anh một người cha, lần đầu cho anh biết thế nào là tình phụ tử bằng những yêu thương, chăm sóc, bảo ban, luôn cả mắng mỏ. Mà không chỉ cha anh; đó cũng là cha nàng. Người cha ngày ngày quan tâm chăm sóc đứa con dâu bụng mang dạ chửa bằng những con cá, con mực, con hải sâm tươi nhất, ngon lành nhất lựa trong số sản vật mang về từ biển khơi. Người cha như cây sồi già bỗng chốc đổ sụm, bật hu hu khóc bên thi hài đứa con dâu xấu số vừa mang cháu nội vĩnh viễn ra đi…
Lần đầu anh thấy cha nuôi khóc. Cũng là lần cuối.
* * *
Nàng đã giữ đúng lời thề: vĩnh viễn không rời xa đảo. Cả nàng, cả con trai anh. Mẹ đảo đang ôm ấp, chở che cho vợ con anh. Đồi cát trắng phau dưới chân núi Một. Ngọn núi cô đơn nhưng cũng thật kiêu hùng: sừng sững một mình trên đảo như cái vọng gác tiền tiêu canh giữ biển trời. Nàng đang nghỉ yên trên đồi cát, đầu hướng núi, chân hướng biển. Nằm thế ấy, nếu thích, nàng có thể hướng mắt thẳng về tây, về với đất liền, với quê…
3. Trường chỉ là một túp nhà nhỏ, tranh tre nứa lá nhưng dù gì cũng là trường. Nàng bảo, gọi vậy cho đỡ nhớ ngôi trường làng ở quê.
Học trò lúc mới mở trường được… 4 đứa. Giờ tăng lên con số 12. Vậy đã khả quan. Nhớ lúc nàng vừa ngỏ ý, cha nuôi đã nghi ngờ; chốn này chủ yếu cần sức vóc bám biển mà sống, chữ nghĩa chi con? Nàng bảo, không đâu cha, con tin ở đâu chữ nghĩa cũng cần. Ngoài giờ phụ giúp anh chuyện cá tôm biển giả, nàng dụ mấy đứa nhóc hiếm hoi suốt ngày lang thang phơi nắng vọc cát tới nhà. Hành trang ra đảo của nàng có một túi sách. Giở mấy cuốn truyện tranh cho chúng xem hình. Hết trang này tới trang khác, nàng từ tốn diễn giải nội dung câu chuyện để chúng nghe. Cô ơi, sao cô kể giỏi? Là nhờ cô biết chữ. Biết chữ có khó không cô? Không khó, học là biết thôi, các con có muốn học không?
Và khi tiếng “muốn” đồng loạt nổi lên từ bốn cái miệng ngây thơ, coi như “kế hoạch chiêu sinh” của nàng thành công!
Ban đầu nàng dạy ở nhà mình, sau đó vận động phụ huynh cất trường, đóng ghế đóng bàn. Dễ thôi, đảo sẵn gỗ, sẵn nứa lá tranh tre; cái chính là có nhiệt tình không thôi. Nhiệt tình sẽ có khi phụ huynh thấy con mình bớt lê la đất cát đùa nghịch nắng nôi, bớt nói tục chửi bậy; và hơn nữa còn biết dán mũi vào sách mà ê a chữ nghĩa…
Ngày nàng đi, không riêng cha nuôi, cả xóm đảo òa khóc. Khóc to nhất có lẽ là mấy đứa học trò ngây thơ, nhem nhuốc. Dậy đi cô ơi. Đừng “ngủ” nữa cô ơi. Con muốn cô dạy chữ, muốn nghe cô kể chuyện mà, cô ơi…
4. Mẹ bệnh. Anh theo ca nô chở hàng vào bờ, bươn bả về quê.
Chăm hơn tháng mẹ lành, anh lại khăn gói lên đường ra đảo. Đi sao con? Dạ, mẹ ở nhà ráng giữ sức khỏe, sang năm con lại về. Hay con ở thêm vài bữa hãy đi? Không được, mẹ à, chuyện con nhiều, gấp lắm…
Kỳ thực, anh nhớ đảo.
Giờ đảo không còn trống trải như ngày anh mới đặt chân. Có đồn biên phòng. Có trạm thu phát viễn thông kết nối đất liền. Cả một ngọn hải đăng mới tinh vừa mọc trên chóp núi. Núi Một vẫn kiêu hùng, nhưng không còn cô đơn. Núi Một đã chính thức sánh vai cùng các “mắt biển” anh em trên bản đồ hàng hải, cần mẫn đêm đêm mở mắt dẫn đường cho những con tàu viễn dương. Ca nô biên phòng vừa tuần tiễu vừa chở nhu yếu phẩm, như con thoi nối đảo và bờ…
Vậy nhưng, không phải anh nhớ vì đảo đông vui. Dẫu đảo có hoang vắng, khổ nghèo như ngày xưa anh vẫn cứ nhớ, cứ thương. Thẳm sâu trong tiềm thức, đảo đã thành quê hương. Có thể từ lúc nàng nằm xuống. Có thể từ khi anh nhận ba Sáu Râu làm cha nuôi. Cũng có thể từ khi đứa con xấu số của anh chưa kịp mở mắt chào đời - hoặc ngay trong khoảnh khắc anh và nàng chỉ trỏ thề bồi nguyện chung tình cùng nhau, chung tình cùng đảo! Mà cũng có thể là tập hợp của tất cả những khoảnh khắc đó. Dù sao, chuyện ấy cũng không còn quan trọng. Quan trọng là khi đặt chân lên bờ cát ướt, anh biết, anh cảm nhận mình thực sự đã về nhà. Nơi anh có gia đình: vợ, con và một người cha. Nơi anh có láng giềng: những bạn chài ăn sóng nói gió nhưng tấm lòng phóng khoáng, thẳng ngay. Còn nữa, nơi anh có những đứa học trò: nhếch nhác khổ nghèo nhưng cực kỳ hiếu học, dễ thương đang ngong ngóng đợi anh về. Phải, giờ thì anh đang thế chỗ, tiếp nối cái tâm nguyện còn đang dang dở của nàng…
* * *
Biển mùa này ầm ào sóng. Đêm đầu tiên về với đảo, anh biết mình sẽ ngủ ngon, rất ngon trong tiếng sóng biển ru hời quen thuộc giữa trùng dương, trong vị biển nồng nàn theo gió phả lộng vào tận giấc mơ. Và đảo vẫn như con tàu chòng chành giữa biển khơi, nhưng không bao giờ sợ mất phương hướng bởi đã có con mắt biển đêm đêm trên chóp núi cần mẫn soi đường…
Truyện ngắn của Y Nguyên
(*) Phương ngữ của dân chài, chỉ các tuyến đường hàng hải ngoài khơi, nơi có nhiều tàu bè qua lại.