11:08, 21/08/2015

Chuyện tình màu lá

Năm ấy mới vào lính, 18 xuân xanh, tôi bản tính lầm lỳ, ít nói, chuyện tình cảm trai gái thì chưa trải qua, còn ngu ngơ lắm, gặp gái ghẹo một câu là đỏ mặt, nói cà lăm cà cặp. Thế mà chẳng hiểu sao anh Khiêm lại chọn tôi đi xem mặt người yêu của anh, dù biết tôi cũng nhát gái như ổng.

Năm ấy mới vào lính, 18 xuân xanh, tôi bản tính lầm lỳ, ít nói, chuyện tình cảm trai gái thì chưa trải qua, còn ngu ngơ lắm, gặp gái ghẹo một câu là đỏ mặt, nói cà lăm cà cặp. Thế mà chẳng hiểu sao anh Khiêm lại chọn tôi đi xem mặt người yêu của anh, dù biết tôi cũng nhát gái như ổng.


Xin nói qua một chút về anh Khiêm. Ngày tôi mới về đơn vị, nghe nhiều lính cũ kể chiến công của “con hùm xám” - biệt danh của anh - vào sinh ra tử, bị thương mấy lần, vẫn lỳ đòn đánh giặc, thật đáng nể phục. Khi đã thân, có lần anh đem cái túi vải đổ ra một đống huân chương cho tôi xem, gieo vào tôi niềm mơ ước khát khao được ra trận lập công. Giờ anh là thủ trưởng của tôi, hơn tuổi tôi gần hai con giáp.

 


Hôm đó trời sắp tối, rét như cắt da cắt thịt, anh Khiêm mặc áo sĩ quan bốn túi còn mới tinh, tôi định tròng cái áo trấn thủ chần quả trám cho bớt lạnh thì anh bắt cởi ra. Doanh trại đóng ở bìa rừng, hai anh em phải lội bộ qua mấy ngọn đồi đầy cây móc quạ, thỉnh thoảng gai cào vào chân tay đau nhói, nhưng phải còn vượt tiếp qua một cánh đồng rộng nữa mới đến gần đầu làng Phú Vinh, địa điểm hẹn hò của anh, lúc này trời đã nhọ nhem.


Tới bìa làng gặp cây tre chắn ngang đường, có mấy ông dân quân mặc áo tơi chặn lại hỏi đi đâu, trong làng đang có dịch tả phải khoanh vùng cho y tế tỉnh về làm việc, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Anh Khiêm giả bộ ra oai “thế bộ đội vào chống dịch cũng không được à?”. Cậu dân quân trẻ măng giữ vững nguyên tắc: không có giấy giới thiệu thì kể cả sư đoàn cũng không vào được chứ đừng nói trung đoàn.


Quay về lại đơn vị thì xa, ngày mai anh lại theo đoàn công tác vào chiến trường một thời gian dài. Anh vẫy tay ra hiệu cho tôi ra bụi tre cách trạm gác một quãng, vạch kế hoạch “tác chiến” như kiểu đánh giặc. Anh nói tôi chịu khó đi vòng qua bên kia ruộng bắp, sau đó lội xuống ruộng lúa mà đi cho khỏi lộ, tìm đường vào xóm thám thính tình hình, nhớ phải hỏi dân là có bác sĩ Yến về phụ trách chống dịch còn ở đây không thì ra nói lại cho anh biết.


Tôi hoàn thành “nhiệm vụ” anh giao một cách xuất sắc, trở ra báo cáo. Thế rồi hai anh em bỏ đường bộ, lóp ngóp băng qua ruộng mía, ruộng bắp, ruộng lúa dài chừng cây số để vào làng. Đã sát bìa làng, trước khi vào nhà, nơi đóng “đại bản doanh” của đội chống dịch, anh lội xuống mương nước gột rửa bùn đất, tôi đứng trên bờ, lạnh thấu xương, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Rồi anh ngước lên thì thào hỏi đôi giày của anh đâu. Thôi rồi, tôi chỉ xách đôi dép cao su Tàu của mình, còn đôi giày đen bóng loáng anh nhờ cầm giúp thì tôi bỏ lại nơi xuất phát. Tôi đành phải tức tốc quay lại tìm cho bằng được. Vừa chạy lõm bõm dưới ruộng vừa ngoái nhìn vào nhà, dưới bóng đèn dầu, thấy bóng chị Yến đang ngồi chờ in trên tường, hình như chị đang vui, tôi đoán thế.


*


Lần đầu tiên trong đời tôi thấy chuyện trai gái “cưa kéo”. Thì đây, anh và chị ngồi thẳng thớm trước ngọn đèn dầu leo lét, trước mặt có một nải chuối mật hình như chưa được chín lắm. Ngồi một lúc, anh chủ động đứng dậy cầm cái ấm tích rót vào hết 4 - 5 cái ly đang có trên bàn, nước tràn trề. Rồi anh lúi húi tìm giẻ lau đi lau lại cho đến lúc bàn khô thì thôi. Hết việc, anh lóng ngóng thò tay vào túi áo đại cán lôi ra gói thuốc lá Điện Biên bao bạc, rút một điếu, châm lửa mấy lần mới cháy, rồi anh ho khục khục. Trời ạ, có bao giờ anh hút thuốc đâu. Tôi có cảm giác không khí lúc này đang rất “ngột ngạt”, nhưng anh vẫn cứ ngồi im không nói gì với chị. Để phá vỡ sự im lặng đó, thỉnh thoảng chị nói, nhưng là nói với tôi, như: Em có lạnh không, chị lấy dầu tràm xức nhé, quê em ở đâu, ba mạ em có khỏe không, có mấy anh chị em, có người yêu chưa... đại loại thế. Đôi khi chị cũng liếc sang anh nói đôi ba câu, nói câu nào anh đáp câu đó, ngắn gọn như khẩu lệnh, chị không hỏi thì anh không nói, anh không nói thì chị không hỏi, thành ra tôi là nhân vật trung tâm cho hai người đá chuyện.


Tôi chú ý đến đôi mắt của anh lúc đó, nó lạ lắm, nhất là lúc chị hỏi, nó ánh lên sáng rực như niềm vui của đứa trẻ được người lớn cho quà. Thật tội nghiệp cho ông anh tôi, vào sinh ra tử, đánh trận như cọp điên, ngày ngày hét ra lửa, lính sợ phát khiếp, thế mà giờ đây anh ngồi đó lành như cục đất.


Chị cứ chuyện trò với tôi, anh cũng xen vào chuyện trò với tôi. Ngại quá, để tế nhị, tôi vờ xin ra bếp châm điếu thuốc lá. Chị vội đi theo xuống, lưỡng lự một lúc rồi ngồi xuống cạnh tôi, lấy que củi khều khều bếp lửa. Được một lúc, chị nói nhỏ: “Lần sau em bảo với anh Khiêm đừng đến thăm chị nữa, chị có người yêu, tháng tới cưới rồi, em nói thế nào cho khéo kẻo mất lòng anh ấy”. Nói rồi chị thở dài, bần thần đi lên phòng khách, nơi anh ngồi đó.


Tôi lên theo, vờ châm điếu thuốc nữa vào ngọn đèn dầu trên bàn, liếc mắt sang, thấy anh vẫn hồn nhiên, nhìn sang chị, thấy chị cười buồn. Ngại quá, tôi ra hiên nhà đứng co ro hút thuốc, gió lùa dữ qua phen liếp, nhưng lại thấy lạnh từ trong bụng lạnh ra.


Ra về, tôi hỏi sao anh ngồi không nói gì làm chị buồn, anh cười: “Biết nói gì em, hồi hộp quá, đầu óc tao lúc đó trống rỗng, chẳng nhẽ tao nói nghị quyết của đảng ủy trung đoàn”.


Đến mấy năm sau, chị Yến mới đi lấy chồng, còn anh thì nghe nói khi phục viên về làng mới cưới vợ.


Thương anh chị quá chừng.


Anh Khiêm ơi, nếu anh có đọc được câu chuyện này thì xin anh tha tội, em chỉ kể chuyện tình vụng về của người mang áo xanh màu lính thôi.


. Truyện ngắn của PHÙNG NGUYÊN MỸ