Quán cà phê nằm ngay ngã tư. Nói là quán cho sang chứ chỉ có ba cái bàn và mấy ghế nhựa nhỏ, trong đó hai cái bàn đã nằm ra ngoài vỉa hè. Bên trong, không gian chưa tới 9m2 chất lỉnh kỉnh nào chai lọ, quần áo, nồi niêu chén bát...
Quán cà phê nằm ngay ngã tư. Nói là quán cho sang chứ chỉ có ba cái bàn và mấy ghế nhựa nhỏ, trong đó hai cái bàn đã nằm ra ngoài vỉa hè. Bên trong, không gian chưa tới 9m2 chất lỉnh kỉnh nào chai lọ, quần áo, nồi niêu chén bát... những thứ cần thiết cho một gia đình có hai vợ chồng và một đứa trẻ sinh sống. Người phụ nữ chưa tới ba mươi tuổi, có mái tóc dài rất đẹp, nhưng hình như chỉ được búi qua loa như một thứ vướng víu mà chị cần làm cho xong để làm việc khác có ích hơn.
Ông Bảy Hòa sáng nào cũng ngồi ở chiếc bàn ngoài cùng với một ly cà phê đen. Đọc xong tờ báo, ông thong thả đạp xe đi, bật chiếc cassette có cuốn băng thâu sẵn “mua tivi tủ lạnh, mua đầu đĩa âm li, mua quạt cũ, quạt hư…”.
Người phụ nữ - chủ quán cà phê nhỏ có đôi mắt rất buồn, thỉnh thoảng lại bầm đen. Ông Bảy Hòa hay chú ý đến những thay đổi nhỏ xảy ra trong tổ ấm nhỏ bé ấy. Và ông nhận ra tổ ấm này không hề ấm, không có gia đình nào ấm áp mà ánh mắt người phụ nữ buồn đến thế kia? Ông đi nhiều, thấy nhiều và trải qua cũng nhiều rồi, mắt người phụ nữ nói rõ nhiều thứ, nhất là nói về gia đình họ, những người họ yêu thương. Ông không tìm thấy gì nơi đôi mắt quá buồn này. Điều đó càng thúc ông phải dừng lại ở quán vào mỗi sáng, chỉ để nhìn thấy mái tóc búi vội, thấy cái tất tả đời thường nhưng luôn ẩn chứa nỗi buồn diệu vợi từ ánh mắt kia...
Và ông không nghĩ sai điều gì. Sáng nay, khi ông vừa ngồi xuống ghế thì chiếc bàn bình thường được đặt trong nhà bay thẳng ra đường, xẹt qua chỗ ông ngồi. Bên trong là tiếng thét của đứa con trai mới một tuổi đang nằm trong tay mẹ. Người phụ nữ đã cố gắng để che chắn cho đứa trẻ, còn người đàn ông tay lăm lăm cây kéo, mái tóc xổ tung, chỉ ba nhát kéo, mái tóc dài óng ả rơi xuống đất, trên đầu là từng mảng tóc nham nhở. Đứa trẻ vẫn khóc, ánh mắt buồn thăm thẳm thường ngày của người phụ nữ đang nhìn người đàn ông bằng cái nhìn ngần ngận nước.
Không đắn đo do dự, bằng sức khỏe của một người đàn ông nhiều năm lăn lộn ngoài mưa nắng kiếm sống, ông Bảy Hòa nhanh chóng khóa trái tay người cầm kéo, trói lại bằng dây nhặt được dưới nền, rồi kéo hai mẹ con ra khỏi đó. Người phụ nữ vừa đi vừa ngoảnh lại, tiếng đứa trẻ khóc rưng rức. Lúc này, như nhớ là mình cần phải dỗ con, chị ngồi bệt xuống đường cho con bú.
* * *
Ông mua thêm mền, mùng và một số thứ cần thiết, sắp xếp chỗ ngủ cho hai mẹ con ở căn nhà tồi tàn của mình. Người phụ nữ quỳ sụp xuống xin ông hãy giữ lấy thằng bé, nó cần phải sống và nên người, còn mình thì trở lại làm chủ quán cà phê nhỏ như đã từng làm, bà không thể ăn bám vào một người nghèo khó như ông, cũng như không thể bỏ người chồng kia.
Ông Bảy Hòa lắc đầu, lắc đầu cho sự mông muội của bà, chung thủy ngay cả khi bị người đàn ông chà đạp không thương tiếc. Ông xót xa nhớ về những ngày thơ ấu, về người mẹ luôn sống trong xó bếp, không hề có tiếng than van, về cây roi mây luôn để trên đầu chạn, nơi cha có thể chụp lấy bất cứ lúc nào để có thể xả xuống người mẹ một cách lạnh lùng, mặc kệ tiếng khóc của những đứa con... Ngày đó, anh trai lớn của ông đã ngăn cha lại, ngay lập tức bị mẹ cho một cái tát. Lúc đó, ông đã nghĩ đến những người phụ nữ như mẹ mình đều mông muội.
Người phụ nữ đang ngồi trước mặt ông tên là Hạnh. Sau những nài nỉ, sau những giọt nước mắt, chị đứng lên đội nón ra đi, bỏ lại sau lưng tiếng khóc ré của đứa con đang đòi mẹ. Ông ôm thằng bé vào lòng, bất lực nhìn theo.
Không có gì thay đổi được tâm tính của một người đàn ông vũ phu. Chưa đầy mười ngày sau, Hạnh ngã nhào trước cửa nhà ông với bao nhiêu vết thương trên mình. Ông đưa Hạnh vào nhà, và từ đó không cho chị ra khỏi cửa.
Sau một ngày đi làm về, ông đẩy cửa phòng, thấy Hạnh tay đang cầm lọ thuốc ngủ, tay ôm con vào lòng và khóc. Ông giật lọ thuốc ném mạnh qua cửa sổ, tát cho Hạnh một cái, gằn từng tiếng: “Em tỉnh đi cho tôi nhờ!”. Rồi ông thốc thằng bé ra khỏi tay Hạnh, dỗ dành nó bằng món đồ chơi ông mới mua.
* * *
Hạnh là người phụ nữ thứ hai trong cuộc đời ông, sau mẹ. Hai con người có một số phận giống nhau. Tuy ông lớn hơn Hạnh tới gần hai mươi tuổi, nhưng điều đó không có nghĩa gì khi mỗi chiều về ông nghe tiếng cười con trẻ, nhìn thấy đốm lửa từ trong mắt Hạnh. Từ lâu, ông thôi không nhìn vào đôi mắt buồn ấy, nhưng hôm nay, ông ngỡ ngàng nhận ra hình như đôi mắt ấy đã ấm áp hơn nhiều.
* * *
Hạnh ngồi bó gối nhìn bếp lửa bập bùng cháy, thằng Khánh đã học lớp một. Mắt Hạnh đỏ. Ông Bảy Hòa trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Em đi đi! Nghĩa tử là nghĩa tận. Xong ba ngày rồi về đây, đưa thằng Khánh đi không thì tùy em!”.
Hạnh ôm lấy ông: “Cảm ơn anh! Cảm ơn...”. Nói rồi Hạnh ra đi, dắt theo Khánh. Ông ngồi đốt hết gói thuốc mà không buồn đứng lên. Ông lo lắng, buồn bã rồi lại bồn chồn, liệu để Hạnh về để tang chồng có đúng hay không? Liệu có chuyện gì xảy ra bên ấy hay không? Trong đầu ông hiển hiện rất nhiều câu hỏi, những câu hỏi ấy hối thúc ông đi theo Hạnh.
Ba ngày tang chế là ba ngày ông ngồi một góc khuất gần đó để nhìn Hạnh và cu Khánh. Ông cho mình cái quyền làm người bảo vệ cho Hạnh, luôn trong tư thế sẵn sàng xông ra khi Hạnh gặp bất cứ bất trắc nào.
* * *
Mắt Hạnh chưa kịp ấm lại thì tóc Hạnh bắt đầu rụng. Hạnh đau đớn nhìn từng nhúm tóc rơi xuống đất sau mỗi lượt chải, đau hơn cả cái lần bị người chồng vũ phu cầm kéo cắt lìa nham nhở. Hạnh hiểu có chuyện xảy ra với mình, mọi nơi trong cơ thể Hạnh đang đau. Có lẽ, Hạnh sắp chết...
Cu Khánh chưa học xong cấp một, ông đã già hom hem như một ông già bảy mươi. Ra đường khi nghe cu Khánh gọi ông là ba, ai cũng trố mắt nhìn. Ông xót xa khi nhìn Hạnh tiều tụy từng ngày. Ông đi nhiều hơn, bán mua kỳ kèo nhiều hơn mà vẫn không có tiền để níu kéo Hạnh ở lại cuộc đời này với ông.
* * *
Đêm! Cu Khánh trở mình ngủ không ngon giấc, ông vụng về hát “ầu ơ, mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ...”. Đến đây, ông giật mình, không hát nữa. Ông ôm Khánh vào lòng, vỗ nhịp nhịp vào lưng nó cho đến khi hai cha con tròn giấc.
. Truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào