08:06, 21/06/2014

Người gác cổng

Người ta học chính quy, còn anh thì đi học bổ túc. Hồi ấy, ngôi trường mà anh học là mượn tạm một trường phổ thông, rất đẹp, cổ kính, trang nghiêm, bóng cây phượng che mát cả sân. Người ta đi học vào buổi sáng, còn anh đi học 6, 7 giờ tối...

Người ta học chính quy, còn anh thì đi học bổ túc. Hồi ấy, ngôi trường mà anh học là mượn tạm một trường phổ thông, rất đẹp, cổ kính, trang nghiêm, bóng cây phượng che mát cả sân. Người ta đi học vào buổi sáng, còn anh đi học 6, 7 giờ tối...


Anh đi học bổ túc, không có bạn bè cùng lứa như lớp chính quy. Già có, trẻ có, đủ thành phần: từ anh sửa xe, chú đạp xích lô, đến cậu ấm con nhà giàu. Lớp học bề bộn, không hòa đồng vui vẻ, mạnh ai nấy học, kẻ đi sớm người đi muộn. Phần đông học sinh trong lớp không biết tên thầy cô giáo, ngược lại, thầy cô giáo cũng không ân cần với học sinh. Chính vì vậy, nhà trường tìm nhiều biện pháp để học sinh học tốt hơn, trong đó có việc ngăn chặn việc đi học trễ. Người thực thi quyết định của nhà trường là bác bảo vệ, người kéo cổng trường kiêm luôn “chức vụ” giữ xe, đánh trống... Năm đó, bác bảo vệ khoảng gần sáu mươi tuổi, nước da ngăm đen, dáng người hao gầy. Bác lanh lẹ, luôn hoạt bát trong công việc của mình, song rất khó tính, hễ đứa nào đi học trễ là không cho vào lớp. Mấy đứa học trò ham chơi, hút thuốc lá, tụ năm tụ ba, đàn đúm quậy phá rất ghét bác. Có nhiều đứa chơi xấu, sau khi tan học, lấy đá ném vào bác bảo vệ đang kéo cổng trường.


Tuổi thơ của anh không may mắn như người khác. Từ nhỏ anh đã mồ côi cha mẹ, phải sống với ông bà ngoại. Năm đó, anh rời xa ngoại, lên thị xã làm thuê. Ngày làm, tối anh tranh thủ đi học thêm. Công việc không ổn định, lúc anh về sớm, lúc về muộn. Một lần anh đi học trễ, bác bảo vệ không cho vào lớp học. Anh năn nỉ, tâm sự hoàn cảnh: “Tại con làm nghề thợ hồ, chiều về trễ, cơm nước tắm rửa nữa nên không kịp!...”. Bác nhìn anh từ đầu đến chân dò xét, rồi thương tình cho vào. Sau lần đó, chẳng hiểu sao, riêng anh mỗi lần đi học trễ đều được bác bảo vệ kéo cửa cho vào để kịp học.


Ngày qua ngày, anh và bác bảo vệ trở nên thân thiết với nhau. Một lần đi học sớm, anh ngồi chơi với bác và tâm sự: “Con đi làm như thế này, không có tiền, chắc con nghỉ học quá!...”. Bác chân tình động viên: “Ráng, ráng nghen con!...”. Mấy ngày sau đó, vào hôm Chủ nhật trời mưa tầm tã, anh không đi làm phụ hồ, bỗng dưng thấy bác bảo vệ mặc áo mưa mỏng manh, mình mẩy ướt át, ngồi trên chiếc xe cánh én cũ kỹ, đứng trước cửa phòng trọ ọp ẹp của anh gọi: “Cháu ơi, ra đây lấy gạo và thức ăn. Nhanh lên!...”. Anh ngạc nhiên vô cùng, vội chạy ra cửa, xúc động hỏi: “Ôi, sao bác biết phòng trọ của con mà đến?”. Bác bảo: “Hôm bữa con đi học về, bác đi theo sau nên biết...”. Nói xong, bác đưa bịch gạo cho anh rồi vội vã chạy xe đi trong mưa, anh đứng nhìn theo không biết nói gì hơn.     


Còn mấy tháng nữa đến ngày thi tốt nghiệp. Lúc đó 9 giờ tối, lớp vừa tan học, bỗng dưng bác bảo vệ kêu anh ở lại. Đợi học sinh về hết, bác vào trong phòng lấy một cái bọc đưa cho anh. Thì ra đó là sách ôn thi tốt nghiệp. Anh mừng rỡ: “Làm sao bác có?”. Bác bảo:“ Hôm trước bác tìm kiếm người quen, xin!…”. Nhận được số sách, anh mừng rỡ đến rơi nước mắt, vội vã cảm ơn bác rối rít rồi chạy về phòng trọ.  


* * *


Mười mấy năm trôi qua, giờ đây anh đã có vợ có con, có việc làm ổn định ở thành phố lớn. Nhân chuyến công tác, anh đi ngang qua và nhìn vào ngôi trường cũ của mình: Vẫn cổ kính, trang nghiêm, vẫn bóng cây phượng che mát cả sân trường. Chợt nhớ đến bác bảo vệ năm nào, anh xuống xe hỏi thăm. Người bảo vệ cho biết bác đã mất.


- Hồi nào vậy anh?


- Cách đây một năm.


- Anh có biết nhà bác ở đâu không?


- Chỉ biết ông ấy chết, tôi đến thay, cũng không biết nhà ở đâu...


Anh nhớ lại ngày xưa, tốt nghiệp xong, anh một phần lo làm cật lực để kiếm miếng ăn, rồi ôn thi đại học, đi học xa, hẹn mãi, không đến thăm bác và nói lời chia tay. Giờ đây anh cũng không biết tên, nhà để đến thắp cho bác nén nhang. Anh hối hận vô cùng, giận mình sao quá vô tâm...


Truyện ngắn: LÊ ĐỨC QUANG