10:04, 11/04/2014

Nẻo về

Giằng nịt thật chặt túi đạm lên chiếc xe cà tàng, khô xích, mẹ ngoảnh đầu vào bếp, chỗ tôi đang ngồi cắt tai cà, bổ đôi để tối nay nhờ bà Mừng sang muối hộ, nói:

Giằng nịt thật chặt túi đạm lên chiếc xe cà tàng, khô xích, mẹ ngoảnh đầu vào bếp, chỗ tôi đang ngồi cắt tai cà, bổ đôi để tối nay nhờ bà Mừng sang muối hộ, nói:


- Hễ có mưa thì gom quần áo trên sào xuống.


- Vâng.


Chữ “vâng” tròn vạnh và gọn. Tôi dáo mắt nhìn theo bóng mẹ khi đã khuất sau cây dừa đầu ngõ thì chạy vào kéo ngăn tủ, lấy ra bộ váy đỏ. Đó là món quà ba gửi từ Quảng Ninh về cho tôi trước ngày sinh nhật lần thứ 16. Mẹ dặn, đến hôm đó, hái ổi, na trong vườn, mua vài gói kẹo dồi và kẹo lạc, làm một buổi sinh nhật nhỏ thì mới được mặc váy. Tôi phụng phịu: “Không có bánh kem hả mẹ?”. Mẹ chao chát: “Bánh kem đắt lắm?”. “Nhưng ba dặn phải mua?”. “Bảo ba mày về mà mua”.


Cuộc đời của ba gắn với những chuyến đi xa, có khi đi biệt ba, bốn năm mới trở về cái xóm nghèo lay lắt này. Ba bảo ba tuổi ngựa, phải rong ruổi giữa cuộc đời lớn. Có lần mẹ ốm, nội mang qua bát cháo gà. Từ gian bếp, tôi nghe tiếng nội sụt sùi, khản khô:


- Cái thằng đó, ba mươi năm rồi mà vẫn còn đi nữa. Biết thế sao nó còn lấy vợ làm gì cho khổ vợ khổ con.


- Khi nào anh ấy chồn chân mỏi bước, còn có chốn đi về. Con và cháu nguyện làm bến đỗ của anh ấy, mẹ ạ.


Giọng mẹ thều thào, chùng xuống. Tôi thường ít có chuyện để kể về ba với bạn bè, ngoài dăm bảy mẩu vụn về những chiếc kẹo đắng ba lấy ra từ chiếc ba lô nâu, hay gói kẹo dừa chia cho mấy đứa nhỏ gần nhà. Mười sáu năm, tôi gặp ba bảy lần. Có những lần về ba đã có sẵn một vé tàu ngày đi trong túi áo, một sự quyết định sẵn có trước khi trở về, như tôi và mẹ chẳng có sức níu giữ ba thêm một giây phút nào khác. Ngay cả khi mẹ giả bệnh, nằm lì trên giường cả buổi không dậy để níu kéo ba thêm một ngày, ba vẫn hôn lên trán mẹ, rồi đi. Mẹ hờn dỗi né tránh nụ hôn của ba. Mẹ hậm hực không buồn tiễn ba ra ga tàu. Rồi cứ thế, dường như có một sự chấp nhận từ khi mẹ ký vào tờ giấy kết hôn, ba băng qua con đường rải sỏi nâu thẳm, hai bên là vạt lúa xanh rờn, qua một con mương chạy dọc thẳng ra đường ray. Tôi đuổi men theo những vệt đường in dấu chân ba, ba vừa kịp bám lên khoang tàu, nghe tiếng tôi gọi, ba xuống vội. Ba bế thốc tôi lên.


- Ba đừng đi mà ba.


Những người đã yên vị trên khoang tàu kéo tấm cửa sắt ken ô dày đặc lên chăm chú nhìn cha con tôi. Ba đặt tôi xuống, vuốt mái tóc nhẹ như mây của tôi:


- Con còn nhớ con tuổi gì nào?


- Con tuổi ngựa - Tôi mếu máo.


- Sau này con có muốn đi như ba không?


- Con cũng đi thì mẹ ở với ai - Tôi nín hẳn, mắt ngân ngấn nước hỏi ba.


Ba im lặng một hồi, đôi mắt đăm chiêu. Tiếng còi tàu dội tới. Mắt ba long lanh, gợn sáng.


- Ba phải đi rồi, con gái.


Tôi lạc lõng giữa một vùng cỏ lau xanh xám, ảm đạm. Những ánh mắt vẫn đuổi theo tôi mang nỗi thương cảm cho đến khi đoàn tàu xa hẳn.


Có những lần ba về và đi không hẹn trước. Khi tiếng còi tàu rít lên, tờ mờ sáng còn yên tĩnh, tôi choàng mở mắt, chờn vờn cảm giác như ai vừa hôn lên trán. Nghe tiếng mẹ sụt sùi bên trong, tôi chợt hiểu là ba đã đi. Ba đi đâu, mẹ con tôi đều không hay biết. Có khi nào ba quên lối về từ sân ga có những rậm cỏ lau xanh xám, đìu hiu đến con đường rải sỏi và cây dừa trước ngõ. Có khi nào trong phút ngơi nghỉ dừng chân tạm quán bên đường, ba nghĩ về mẹ con tôi vẫn bận bịu nỗi ưu phiền trắc trở cho người đi xa?


Tôi không được ba vuốt những cái xương dừa uốn dẻo để làm diều như thằng Chinh. Tôi không được đeo bên hông chiếc giỏ đan, để háo hức nhặt nhạnh những con cá, con tôm sau một mẻ chài như Quỳnh. Tôi không được ba lắp xích xe đạp mỗi khi bị tuột. Mỗi lần sang nhờ ba của Miền dùng tuốc nơ vít vặn những chiếc ốc nhỏ để tháo hộp xích ra, mắt tôi lại ậng nước, ấm ức. Từ dạo ấy, hình ảnh ba trở về từ chuyến tàu cứ dồn đuổi những giấc mơ tôi.


* * *


Tôi mặc chiếc váy, ngắm mình qua chiếc gương tròn bé tẹo, mặt sau dán ảnh ca sĩ Hồng Nhung. Từ cổ xuống dưới chân là nàng công chúa trong bộ váy đỏ, chỉ có gương mặt là thô mộc, mái tóc mềm nhưng vàng hoe như màu của liếp rơm phơi khô cong nắng. Đến khi cởi ra, mắt tôi giàn giụa nước, nhìn thấy mủ cà đã ố nâu sạm trên thân váy. Chẳng phải vì sợ mẹ mắng, mà vì tôi tiếc rưng rức món quà của ba.


Sinh nhật của tôi vào ngày bão. Cơn bão số 8 quăng quật cả những tàu dừa đổ xiêu vẹo, nổi lềnh phềnh trên mặt ao nước đầy. Ngọn nến vừa cháy đã bị xô tạt bởi cơn gió mạnh. Nến sinh nhật không được cắm vào chiếc bánh kem. Mẹ úp chiếc đĩa xuống, cắm lên nó một cây nến tượng trưng. Sinh nhật chỉ có mẹ và tôi. Mẹ ra cài then cửa thật chặt để chắn gió. Cây nến sáng, mẹ bảo:


- Ước gì thì ước nhanh lên, kẻo lại tắt mất.


Tôi vội vàng nhắm mắt. Điều ước thuộc về ba. Tôi thổi vào ngọn nến nhỏ bé mong ước nhỏ nhoi chuyến đi của ba bình an, mạnh khỏe và một ngày sớm nhất ba sẽ trở về bên mẹ con tôi. Có một ngọn nến mà tôi tham lam ước đến hai điều. Như một dự cảm, rằng sẽ rất lâu, khi ba không còn đủ sức để đi, ba mới trở về.


* * *


Tôi tuổi ngựa. Ba hơn tôi hai giáp. Tôi thi đỗ vào khoa văn của một trường đại học trên thành phố. Thầy giáo chủ nhiệm yêu cầu học trò năng đi để trải nghiệm cuộc sống, cho cây bút thêm dày dặn. Tôi bắt đầu đi từ đó. Ba lô trong những chuyến đi của tôi luôn nặng vai bởi một câu hỏi của ba bên bờ lau xám ngày ấy: “Sau này con có muốn đi như ba không?”. Tôi tuổi ngựa. Và nghiễm nhiên tôi cho phép mình rong ruổi để xứng là con gái tuổi ngựa. Những cuộc gọi về cho mẹ thưa dần, dăm ba câu chuyện mẹ kể chuyện ở xóm nghèo không còn thú vị. Những điều gần gũi bỗng hóa xa xôi. Tôi sợ những câu chuyện tủn mủn đời thường của mẹ làm ngầu đục đi chất thơ phiêu bồng nhặt nhạnh trên những miền đất lạ.


Tôi về thăm nhà vào một mùa ngâu lạnh se. Sào phơi đã cũ, và mái nhà lấm tấm dột. Ông Đào qua, bàn giao sổ sách nông dân với mẹ, nhấp ngụm trà xanh đặc, bảo:


- Chiều mang cái rổ qua mà lấy bòng bòng cháu ạ.


- Vâng, cảm ơn bác.


Giọng tôi lạnh teo. Ngày tôi còn bé, mùa ngâu nào cũng quẩn quanh trước cổng nhà ông chỉ để xin bòng bòng. Mà hiếm lắm ông mới cho, đã cho rồi mà ông còn khè khựa ở gần chỗ gốc cây, nhắc mà như đuổi. “Lấy vừa phải thôi để còn có cái cho chị Hợp trông nhà”. Mỗi bận về quê, cứ ra đầu ngõ là thấy chị Hợp. Chị ú ớ gọi tôi là chị Hằng, chị Hằng. Đến cả con bé mới mười hai tuổi, chị cũng gọi là chị. Chị mắc bệnh gì, tôi không rõ, chỉ biết là khù khờ, không lớn được. Lần này về, tôi hai sáu tuổi, và đổi khác. Tôi không còn thấy lay cảm trước sự tội nghiệp của chị Hợp như xưa. Khác với ngày nhỏ vẫn thường dỗ chị khi chị bị lũ con nít chọc phá, giờ tôi chỉ quát chúng dăm bảy câu, đợi chúng đi khuất rồi thì tôi cũng bước thẳng. Tôi có cảm giác như ai đó đang dõi theo mình, hình như là chị Hợp. Tôi ngoảnh lại, cố nở nụ cười với chị. Có phần lạ lẫm, chị Hợp nhìn tôi không chớp mắt.


Đợi ông Đào ra về, tôi gắt mẹ:


- Mẹ chưa hết bận bịu hay sao mà còn nhận làm tổ phó nông dân?


- Ở nhà buồn tay buồn chân, mẹ làm cho vui.


Hai vai tôi bủn rủn, mỏi nhừ lúc gặp chữ “vui” ấy.


Giấc trưa hôm đó, tôi mộng mị về hình ảnh ba bước lên chuyến tàu đi về miền xa xôi, cái cảm giác lạc lõng và chới với rợp lòng ùa về cả khi đã tỉnh dậy. Có lẽ đó là lý do chưa một lần nào mẹ tiễn ba hay tôi ra ga tàu. Những người đi thường an tâm về người ở lại, tôi không là ngoại lệ. Nhưng người ở lại luôn canh cánh mối lo, hàng đêm vẫn giật mình những giấc nông sâu.


Tôi vò nát những bản thảo viết trên những chặng đi của mình. Non ương và chín ép. Dường như tôi mới chỉ chạm vào đường viền mỏng tang và mờ nhạt của những mảnh đất tôi từng đi qua như quán trọ ven đường chưa đủ thấu. Sửa đi sửa lại không tìm thấy được hơi thở.


Mẹ ngủ, xoay người về phía tôi, ôm ngang bụng tôi. Hơi thở ấm nóng phả vào gáy tôi, quen thuộc như thứ mùi đâu đó vẫn theo gió quấn quýt chân tôi trên những nẻo đường mờ sương. Tiếng chó sủa ran ăng ẳng ngoài ngõ.


- Mẹ không chốt cửa cổng à? Nhỡ trộm vào thì sao?


- Mẹ quen rồi. Nhỡ đâu ba với mày đi tàu đêm về bất ngờ thì biết ngủ ở đâu.


Câu nói của mẹ nhẹ như hơi thở mà tôi thấy giận mình ghê gớm. Cánh cổng nhà không bao giờ khép, như cách mẹ luôn mở lòng để đón cha con tôi trở về khi chồn chân mỏi gối. Tôi nén tiếng thở dài ở lồng ngực. May mà vẫn có mẹ, là nẻo về bình yên...

 

. Truyện ngắn của Dương Hằng