07:08, 31/08/2013

Giếng xưa

Tôi nghe rõ tiếng gàu vừa thả xuống giếng và chăm chú nhìn qua hàng rào.

Tôi nghe rõ tiếng gàu vừa thả xuống giếng và chăm chú nhìn qua hàng rào.


Người Dung hơi cúi xuống, khẽ lắc lư, chắc là đang vung dây cho nước vào gàu. Rồi nó đứng thẳng người, song chẳng hiểu vì sao, không chịu kéo gàu nước lên mà ép chặt đầu dây vào thành giếng, vẻ mặt trầm ngâm, hướng về một nơi nào đó xa xăm, tuồng như ở nơi ấy đang xảy ra một việc gì sôi động lắm, rối rắm lắm, cuốn hút mọi tâm trí của nó.


Mái tóc dài đen mượt phủ xuống đôi bờ vai thon thả. Cơn gió buổi sáng từ cánh đồng bất chợt dạt vào làm những sợi tóc dài của Dung xõa tràn qua khuôn mặt trắng trẻo. Con bé vội vã đưa một tay lên để vén tóc lại. Chắc cơn gió đã kéo nó về với thực tại, với công việc đang làm. Khom người, nó kéo vội gàu nước lên, đổ vào đôi thùng đặt song song ở hai đầu chiếc đòn gánh tre cũ kỹ, nhẵn bóng. Một gàu. Hai gàu. Nước chưa đầy thùng, vậy mà đến gàu thứ ba nó lại rơi vào tình trạng cũ, vẫn ngâm mãi chiếc gàu dưới giếng, thở dài, hướng khuôn mặt đẹp, đầy thánh thiện về phía chân trời đông.


Tôi chống đôi nạng gỗ và nhướn người cao hơn một chút, dõi mắt về phía nó nhìn. Không hề có cánh diều nào đang bay. Không hề có điều gì hấp dẫn ở phía ấy đáng phải chú ý, đáng phải để phải tò mò, quan sát cả. Chỉ có bầu trời xanh biếc và vài đám mây nhỏ, tựa như những cuộn bông trắng, mịn màng đang bị gió đẩy lơ lửng.


Một gàu. Hai gàu. Con bé Dung hôm nay trông thật lạ! Cái gì hút hồn, làm nó bần thần thế kia? Chắc chắn không phải là do những đám mây đang bay. Tôi khe khẽ nhích đôi nạng gỗ để tiến gần bờ rào hơn. “Ồ, con bé đang yêu đây mà!”. Tôi mỉm cười thích thú về phát hiện mới mẻ của mình. Làm sao tôi có thể đoán nhầm được. Chỉ có yêu và rắc rối trong yêu người ta mới đâm ra thẫn thờ đến vậy. Vườn nhà tôi nằm sát bên  giếng làng. Có cô gái nào trong làng lớn lên không đi gánh nước? Và những rối rắm trong lúc đang yêu họ thường được bộ lộ ở nơi này.


Tôi cũng từng trải qua những ngày như thế, đã từng ngâm chiếc gàu dưới lòng giếng hàng giờ, đôi tay cứ bủn rủn không muốn nhấc gàu lên trong khi đầu óc cứ xoay tròn  với bao ý nghĩ về anh ấy, về con người mà tôi đang say đắm. Tôi đã từng như con bé Dung này, cứ đứng nhìn về phía chân trời xa. Giếng  làng có mười tám hàng đá chẻ xếp thành những vòng tròn lồi lõm. Tôi đã đếm đi đếm lại chẳng biết bao nhiêu lần khi chôn chân nghĩ về anh. Mười tám vòng cả thảy, không hơn, không kém. Mười tám vòng đá từ trắng xám đã chuyển thành màu xanh đục vì ngâm trong nước lâu đời. Ngày tôi lớn lên, không ai trả lời được cụ thể câu hỏi: Cái giếng làng có từ khi nào? Chỉ có những điều tương tự như huyền thoại  thì bất cứ đứa trẻ nào trong làng cũng rõ. Rằng, ông tổ của làng tôi trong một đêm nằm mơ thấy tiên ông cầm cành liễu chỉ cho nơi đào giếng. Rằng, mạch nước vào giếng đi ngang qua hàm một con rồng đang ẩn mình trong lòng đất nên giếng trong vắt suốt bốn mùa và chẳng mùa nào thiếu nước. Người ta cũng nói, con gái làng tôi da đứa nào đứa nấy trắng như sữa là nhờ tắm nước từ giếng này. Còn nữa, giếng sẽ làm cho tâm hồn các cô gái làng trong sáng, đức hạnh…


Không hiểu xuất phát từ huyền thoại đầy màu sắc êm dịu ấy, hay do một vị bô lão nào đó lợi dụng huyền thoại để giáo dục con cháu mà từ rất lâu, xa xửa xa xưa, trong làng tôi hể gia đình nào sinh con gái thì chín lần tắm đầu tiên cho đứa bé người ta đều phải dùng nước giếng làng đun với củ sả. Nước tắm trong chín lần đều bắt buộc  phải lấy bằng gàu chằm từ mo cau hoặc bẹ chuối tinh khiết và lấy vào lúc canh ba, khi giếng không bị ai khuấy động, khi mà chú rồng ẩn mình trong lòng đất tiết ra những hơi thở tinh túy nhất hòa vào mạch nước. Được tắm nước từ long mạch, lớn lên  nếu cô gái nào không giữ được những điều về đức hạnh mà cha mẹ dạy dỗ thì khi soi bóng xuống giếng sẽ thấy mặt mình méo mó, dị hình.


Năm tôi mười sáu tuổi, mẹ tôi dạy: “Con gái phải biết xem trọng trinh tiết”. Lời dạy lúc xa lúc gần, khi bóng gió, khi cụ thể. Một trong những bài học tôi tiếp nhận được qua các lời dạy là tuyệt đối không được trao thân cho bất cứ ai, kể cả chàng trai mình yêu dấu nếu chưa chính thức cưới xin. Tôi đã soi bóng mình xuống giếng cả ngàn lần và khuôn mặt tôi dưới đáy giếng đã rạng rỡ mỗi lúc tôi cười.


Năm tôi mười chín tuổi, anh như cơn mưa mùa hạ, ồ ạt phủ hơi mát kín cả hồn tôi. Anh ở làng bên, một chàng trai khỏe mạnh, bắp thịt ở hai cánh tay cuồn cuộn bởi siêng năng việc ruộng đồng. Nhưng ác nghiệt thay, ngày ấy chiến tranh dã phủ kín các miền quê. Xe tăng Mỹ đã bắt đầu cày ủi những bờ tre làng. Tôi và anh đã trở thành du kich. Lính Mỹ, lính Ngụy càn quét liên miên. Đi giữa các làn đạn, hai đứa chưa kịp bàn chuyện cưới xin thì anh được lệnh điều về trên, bổ sung cho bộ đội chủ lực.  Đêm trước ngày lên đường, chúng tôi nằm bên nhau trên một tấm ni lông ở một khu vườn hoang. Anh tắm lên người tôi những trận mưa hôn. Trong khi đang bị đốt cháy bởi sự khao khát đầy  bản năng nơi anh, lý trí tôi không hiểu sao bất chợt tỉnh táo. Tôi nghe văng vẳng lời mẹ dạy, và trước mắt bỗng hiện, chợt tan hình ảnh một khuôn mặt nhòe nhoẹt ở đáy nước của giếng làng. Tự dập tắt những kích thích từ đôi bàn tay anh, tôi khép chặt chân và xoa dịu anh bằng những lời lẽ ngọt ngào để bảo tồn sự trong trắng của đời con gái. Dân – người yêu tôi đã cắn thật đau vào cánh tay tôi. Theo anh, làm như vậy để tôi nhớ anh, chờ anh.


Vết bầm hình bầu dục, dấu ấn của tình cảm nơi cánh tay, chỉ vài ngày sau biến mất, song nỗi nhớ về anh trong tôi, ngược lại cứ lớn dần lên. Tôi soi bóng mình xuống giếng làng, lòng cứ dờn dợn nỗi cô đơn. Chẳng phân biệt được việc mình không dâng hiến cho anh là đúng hay sai, song nhiều lúc tôi tự an ủi- như vậy cũng hay - vì tôi nghĩ nhiều đến ngày Dân sẽ trở về, chúng tôi sẽ cưới nhau…


Mười chín rồi hai mươi tuổi, đói ăn, gian khổ, vậy mà người tôi vẫn cứ đẫy đà. Tôi tránh những cái nhìn như lửa của các chàng trai. Tôi chỉ nhớ về Dân, duy nhất một mình anh. Tôi nằm mơ thấy anh và chờ đợi, chờ anh về để cắn vào cánh tay tôi, thiêu cháy tôi bằng hơi nóng của tình yêu.


Nhưng Dân không trở lại. Tin anh hy sinh về đến xã đúng vào lúc Mỹ mở trận càn lớn. Tôi gắn vội mảnh băng đen lên ngực áo. Rất nhiều đêm tôi gục đầu bên khẩu Carbin M2, lặng lẽ nuốt những giọt nước mắt cay đắng. Rồi chưa được ba mươi ngày tôi để tang cho Dân, một đêm tổ du kích có tôi đã rơi vào ổ phục kích của địch. Đồng đội đã cứu được tôi nhưng một chân tôi đã vĩnh viễn rời khỏi cơ thể. Và những làn đạn oái oăm đã biến tôi, cô gái đẫy đà ngày nào thành kẻ tiều tụy, xấu xí.


Sau  sáu năm là thương binh được chuyển ra Bắc, ngày thống nhất, tôi trở lại quê nhà. Giếng làng vẫn trong vắt, vẫn nguyên mười tám vòng đá chẻ, mặc dù chung quanh đồng ruộng, vườn tược đã trở nên hoang tàn. Người mẹ già đón tôi bằng hai dòng nước mắt, đau xót lẫn vui mừng.


Lúa lại lên xanh. Những bờ tre, vườn chuối chẳng bao lâu đã vươn cao, bạt ngàn. Gàu mo cau lại được  thả lặng lẽ xuống giếng làng vào những canh ba vắng vẻ. Mẹ quay mặt, giấu tiếng thở dài. Tôi chống đôi nạng gỗ, từng bước ra giếng. Gương mặt trắng trẻo, non nớt ngày nào dưới đáy giếng giờ đã thay thế bằng gương mặt khắc khổ của người đàn bà tuổi  trên ba mươi, đối xứng với tôi, nhìn tôi với vẻ xét nét, suy tư. Tôi không còn ngây thơ để tin vào các huyền thoại bên giếng làng. Tôi buồn và tiếc nuối một thời trẻ trung, khát thèm cuộc sống của các cô gái đang qua tuổi dậy thì. Cái ý nghĩ cần phải đoan trang, cần phải chế ngự đã tan biến trong cơ thể đang héo tàn bất lực của tôi. Chao ôi! Giá mà tôi không phải nghiêm khắc với anh quá đáng trong cái đêm chia tay năm nào… Giá mà tôi có được một đôi mắt để vuốt ve âu yếm mình, có được đôi bàn tay rắn chắc của anh săn đón vỗ về. Bây giờ thì có ai để mắt đến tôi…
 

*

Rất nhiều lần tôi đã ngồi hàng giờ liền trên đôi nạng gỗ, nhìn cái giếng xưa, nghĩ ngợi. Vẫn biết oái oăm bất hạnh đến với mình bắt nguồn từ cuộc chiến tranh thảm khốc, song không rõ do đâu, ý định cáu kỉnh và ương bướng, muốn vượt qua sự giáo dục đầy mơ hồ từ cái giếng làng cứ âm ỉ trong tôi. Nếu vẫn còn ở tuổi đôi mươi, tôi sẽ lăn xả vào tình yêu, ngấu nghiến nó, thử xem có chuyện gì diễn ra. Song, chẳng ai còn nhòm ngó đến tấm thân tiều tụy này nữa, kể cả một lời bỡn cợt…


Tiếng chân bước nhẹ nhàng rải đều theo cái kiệt nhỏ. Con bé Dung đang quẩy đôi thùng trở lại. Tôi chăm chú theo dõi. Rõ ràng là nó đang yêu. Chắc chắn có điều gì rắc rối nên vừa bỏ gàu xuống nước, con bé đã đứng tần ngần thế kia! Tôi muốn thỏa mãn trí tò mò và muốn thể nghiệm sự tiên đoán của mình. Con bé nhoẻn miệng cười một cách đầy thiện cảm lúc tôi lê cặp nạng gỗ bước ra giếng.


“Này, cô em, đang yêu hả?” –Mặt con bé đỏ bừng trước câu tôi hỏi. Nó nhìn tôi bằng đôi mắt dò xét, lạ lẫm. Tuy vậy, là chị em trong làng với nhau, nó hiểu tôi không phải là kẻ xoi mói, nên giọng tuy có ngạc nhiên nhưng vẫn dịu dàng: “Sao chị  lại hỏi vậy?”. “Chị nghĩ là em đang yêu và đang gặp điều gì đó”. Mặt con bé bối rối nhưng nó lắc đầu rồi cười: “Đâu có”.


Tôi thất vọng, quay vào nhà và tự chế giễu mình bằng cách lẩm nhẩm câu châm ngôn mà người đời thường nói: “Con người thiếu thứ gì thường nghĩ đến thứ đó”. Tuy vậy, giữa trưa tôi đang ngả mình trên chiếc chõng tre, chờ giấc ngủ thì chính Dung lại tìm đến. Vuốt ve chiếc nạng gỗ, kể bao nhiêu chuyện lòng vòng và cuối cùng tuy chẳng ai hỏi, nhưng trước mặt tôi, con bé bỗng dưng khai hết chuyện tình giữa nó với một anh chàng kỹ sư đẹp trai ở nhà máy trên thị xã, nơi mà nó đang hàng tuần đạp xe lên làm việc. Nó kể rất chi li, rất say mê. Khi tưởng như không còn gì để kể nữa, mắt con bé chợt buồn. Nó bảo: “Nhưng chị ơi! Em lo lắm”. “Yêu như thế có gì mà lo?”. “Có mấy đứa đang muốn anh ấy”. Tôi cười nhạt: “Đẹp như em mà sợ gì. Với lại mình phải bằng mọi giá chiếm lấy tình yêu chứ”.


Mấy tuần sau trong các ngày nghỉ từ thị xã trở về làng, trưa nào con bé cũng đến nhà tôi. Nó cười rồi kể, kể rồi cười, cứ ríu rít. Rồi có lần đột ngột Dung hỏi: “Yêu nhau, giả dụ, có thai trước khi cưới là điều xấu phải không chị?” .Tôi nhìn Dung. Đôi môi nó mọng đỏ. Làn da trắng mịn ở giữa  hai hàng cúc áo nhấp nhô. Tôi nhớ đến những ngày mình ở bên Dân. “Theo chị cũng chẳng có gì xấu cả. Như chị bây giờ có muốn cũng chẳng được nữa. Đừng để rồi tiếc nuối như chị”. Tôi nói liền một mạch, trút đi sự chua xót của mình. Con bé lại hỏi: “Chị có sợ khi thấy mặt mình dị dạng ở đáy giếng không?”. “Đó là chuyện tầm phào, em đừng bao giờ tin”. Giọng tôi khó chịu, và có lẽ vì thế mà Dung chỉ ngồi thêm một lát rồi về.


Tôi chẳng rõ Dung đã làm gì với tình yêu của mình, vì sau đó, con bé ít về làng. Những lúc nó về tôi không được gặp. Lần cuối cùng tôi  gặp nó là một chiều chủ nhật. Đứng bên giếng làng, với vẻ mặt buồn bã, và khi thấy tôi, Dung cười gượng rồi nhanh chân gánh nước về nhà. Mấy tháng sau, cả làng lúc đầu râm ran, tiếp đó xôn xao vì tin Dung đã bỏ nhà, bỏ quê đi mất. Tôi bán tin, bán nghi nhưng tìm hiểu thì đúng như vậy. Con bé Dung đã viết thư để lại, xin lỗi mẹ cha rồi trốn  về một tỉnh nào đó ở phía Nam và không để lại địa chỉ. Lý do dẫn đến sự thể là vì  con bé không chịu nổi đau đớn trước cảnh nó đã có thai ngoài ý muốn trong khi anh chàng nó yêu, từng ăn nằm với nó đã cưới một cô gái khác làm vợ.


Nghe chuyện, người tôi rụng rời. Có phải vì nghe lời tôi mà con bé để xảy ra nông nỗi. Có thể lắm chứ? Lần ấy, nghe tôi khuyên, mắt con bé đã sáng lên, tràn đầy hạnh phúc còn gì. Trời ơi, đời chúng tôi, mỗi  đứa một cảnh, lẽ ra tôi không nên lấy nỗi đau, lấy sự thiếu thốn, thiệt thòi của đời mình mà áp đặt để khuyên con bé. Tại sao, tại sao tôi chỉ khuyên nó khi yêu phải yêu hết mình mà không dặn dò nó thêm những điều cần biết, cần tránh phía sau tình yêu?  


Đã bao năm trôi đi, Dung vẫn chưa trở về. Cái giếng làng vẫn còn đó, như xưa, vẫn những hàng đá xếp vòng tròn lên nhau, xanh thẳm màu rêu. Chiều nay, khập khiểng cùng chiếc nạng gỗ, bước ra cuối vườn, và khi nhìn qua bờ rào, tôi giật mình, vì một cô bé  tựa tuổi Dung ngày nào đang đứng thẩn thờ cùng chiếc gàu bên giếng.


Trời ơi, lại đang yêu đây mà!


Tôi nghĩ nhưng cố gắng không lên tiếng. Chao ôi, làm thân con gái!


HOÀNG NHẬT TUYÊN