Tôi là người khuyết tật. Từ ngày còn bé xíu, người ta đã chép miệng bảo tôi là con bé bất hạnh, đáng thương và tội nghiệp. Chính vì thế, trong tôi đã dần bắt đầu hình thành tính cách bi quan trước những khó khăn dù lớn hay nhỏ. Gặp bất cứ điều gì, tôi cũng đều thấy nó rắc rối và quá sức đối với một người không khỏe mạnh như mình.
Tôi là người khuyết tật. Từ ngày còn bé xíu, người ta đã chép miệng bảo tôi là con bé bất hạnh, đáng thương và tội nghiệp. Chính vì thế, trong tôi đã dần bắt đầu hình thành tính cách bi quan trước những khó khăn dù lớn hay nhỏ. Gặp bất cứ điều gì, tôi cũng đều thấy nó rắc rối và quá sức đối với một người không khỏe mạnh như mình.
Những lúc như vậy, bố thường kể cho tôi nghe mẩu chuyện “Chai nước giữa sa mạc”: Có hai chàng trai phải đi qua một sa mạc rộng lớn, trong tay mỗi người chỉ có một ít thức ăn và một chai nước. Đi đến giữa sa mạc, cả hai đều bắt đầu đói khát, và dĩ nhiên, chai nước của ai cũng chỉ còn có một ngụm nhỏ. Một người mệt mỏi nghĩ thầm: “Ôi chỉ còn có chừng này thôi à? Mình sẽ chết ngay thôi!”. Anh ta uống cạn chai nước và chỉ vài dặm sau, anh ta gục xuống. Còn người kia thì lại tự an ủi mình: “May quá, vẫn còn chừng ấy nước. Hi vọng mình sẽ sớm tìm thấy một hồ nước nhỏ và nhanh chóng vượt qua sa mạc này!”. Anh ta tiết kiệm từng giọt nước, động viên bản thân cho đến khi gặp được một bộ lạc, xin họ thêm vài chai nước nữa, rồi kết thúc hành trình của mình thành công.
Tôi thắc mắc hỏi bố kể chuyện này cho tôi nhằm ngụ ý gì, ông chỉ mỉm cười: “Trong từng trường hợp cụ thể, con sẽ có được những bài học riêng cho mình”.
Năm ấy, tôi vào lớp một mà chưa hề đi học trường mẫu giáo. Bạn bè, thầy cô, trường lớp hoàn toàn xa lạ đối với tôi. “Ê tụi bây, nhìn kìa, nhỏ kia bị què chân!”. Rồi những tiếng xì xào bàn tán, hỏi nhau bắt đầu ran lên: “Xe này tên gì vậy?”, “Sao phải ngồi xe này?”... Nhiều đứa tò mò lấy tay sờ từng bộ phận chiếc xe lăn của tôi. Tôi ngồi yên trên xe, sợ sệt không nói được một lời nào. Và cô giáo đã đến giải vây kịp thời, ngay khi mắt tôi bắt đầu hoe đỏ...
Về nhà, tôi đòi bố phải cõng tôi vào lớp, chứ nhất định không ngồi xe lăn nữa. Khi bố hỏi lý do, tôi òa khóc nức nở: “Các bạn nhìn con như người ngoài hành tinh. Con thật là dị thường!”. Bố cười hiền, nhẹ nhàng vuốt tóc tôi: “Con gái nhớ câu chuyện Chai nước giữa sa mạc không? Một người chết vì anh ta luôn nghĩ mình sẽ chết. Nếu con cứ nghĩ mình là người dị thường, khác lạ so với các bạn thì sẽ chẳng bao giờ con thấy được mình cũng là con người, cũng đi học, cũng sẽ biết đọc, biết viết. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực nằm trong đầu mình, con sẽ thấy mình không hề bất hạnh! Hơn nữa, xe lăn là bạn thân của con mà, con nỡ để bạn ở nhà sao?”. Tôi hiểu ra, gật đầu với bố. Những ngày sau đó, tôi vẫn cùng xe lăn đến lớp. Tôi rụt rè chia sẻ với các bạn về tình trạng khuyết tật của đôi chân mình, về cấu tạo và công dụng của chiếc xe lăn. Trái với nỗi lo của tôi, nghe tôi kể, các bạn ai cũng thương, giúp đỡ tôi rất nhiều, và thường đẩy xe lăn đưa tôi ra ngồi dưới gốc bàng xanh trong mỗi giờ ra chơi...
Năm tôi học lớp 7, được lựa chọn để phẫu thuật chân trong một chương trình nhân đạo, nhưng tôi lại nằng nặc không muốn đi vì sợ phải xa bạn bè, thầy cô đã thân quen. Bố lại ân cần: “Anh chàng kia trong câu chuyện Chai nước giữa sa mạc sống được vì anh ta tin mình sẽ ổn, mọi điều rồi sẽ tốt đẹp. Con hãy suy nghĩ ca phẫu thuật lần này sẽ giúp con có thể đi được. Một năm nằm viện rồi con sẽ đi học lại và làm quen được thêm nhiều bạn bè mới”. Một lần nữa, tôi lại thấm thía những lời bố nói, và lần quyết định đó đã giúp tôi tìm lại những bước đi trên chính đôi chân mình. Sau này, câu chuyện Chai nước giữa sa mạc cũng giúp tôi tự tin, chấp nhận đi học bằng xe máy ba bánh giữa đất Sài Gòn, không một chút mặc cảm, tự ti...
Câu chuyện Chai nước giữa sa mạc, tôi được nghe bố kể từ hồi tôi còn bé xíu... và tôi vẫn áp dụng bài học ý nghĩa đó mỗi ngày.
Theo (tuoitre/aotrang)