Khi đường phố đã lên đèn, Thanh bắt đầu sốt ruột trước bản báo cáo dài dằng dặc của cô dược sĩ phụ trách các trình dược viên. Bình thường chị thấy cô rất hiểu ý người đối diện. Chỉ cần liếc qua, cô thường biết ngay sếp mình đang vui hay đang bực mình và điều chỉnh ngay thái độ.
Khi đường phố đã lên đèn, Thanh bắt đầu sốt ruột trước bản báo cáo dài dằng dặc của cô dược sĩ phụ trách các trình dược viên. Bình thường chị thấy cô rất hiểu ý người đối diện. Chỉ cần liếc qua, cô thường biết ngay sếp mình đang vui hay đang bực mình và điều chỉnh ngay thái độ.
Một cô gái thông minh. Nhưng hôm nay cô lại không thông minh tí nào khi lòng Thanh đang như lửa đốt. Thời gian cứ vùn vụt lướt qua cái giờ chị hẹn với con gái mình mà cô cứ huyên thuyên về những điều chị đã biết. Chị không phải là dược sĩ, chỉ là một cô giáo bình thường, nhưng từ khi bỏ nghề chuyển qua kinh doanh dược phẩm đến giờ mọi thứ liên quan đến ngành dược chị đều như người trong cuộc. Cô giáo dạy văn trường trung học năm xưa giờ điều hành một lúc hai công ty kinh doanh dược phẩm thuộc hàng tầm cỡ. Và hiển nhiên chị cũng bận rộn đến nỗi không có thời gian để hưởng thụ những gì mình có, huống chi là quan tâm đến điều gì khác, người nào khác.
Thật ra chị cũng quan tâm đến người khác. Đó là những đối tác làm ăn của chị. Như chiều nay đây, sau khi tống tiễn được cô nhân viên ba hoa đột xuất của mình ra, chị bàng hoàng, không, phải nói là kinh hãi đúng hơn, khi một đoàn người xuất hiện trước cửa phòng chị. Đó là giám đốc một công ty dược cấp tỉnh cùng tùy tùng. Một cuộc gặp mặt không thể chối từ. Thế là chị phải đóng vai bà chủ, huống chi bà chủ và khách lâu nay đã thân quen nhau như người trong nhà, một bữa ăn thân mật diễn ra cũng bình thường như mọi khi không có chi là lạ. Chỉ lạ là bà chủ vốn rất sôi nổi hoạt bát giờ cứ nhấp nha nhấp nhổm lén xem đồng hồ và tâm trí để tận đâu đâu.
Không phải đây là lần đầu tiên chị thất hẹn với con gái và cũng đã lâu rồi chị không còn cảm giác áy náy nữa. Con bé cũng thôi không còn trông đợi hay giận dỗi nữa, khi đã hiểu và cảm thông với công việc của mẹ. Nhưng mức độ hiểu và cảm thông đến cỡ nào thì chị không thể đo lường và cũng không nghĩ đến việc đo lường. Lâu lâu trong những giây phút hiếm hoi hai mẹ con gặp nhau, chị lại thủ thỉ: "Mẹ phải làm việc nhiều để nhà mình sống sung sướng hơn, không còn khổ nữa. Sau này con cũng đỡ vất vả". Nhưng cái cảnh khổ thì đã qua rất xa rồi, còn cái chuyện vất vả của con bé hẳn chẳng bao giờ có vì nó là con gái duy nhất của chị, thừa hưởng một gia tài kếch sù mà trí óc non nớt của nó không thể nào biết được hết giá trị.
Khi thấy buổi tiệc còn lâu mới kết thúc, chị đi ra ngoài điện thoại cho con. Con bé khóc nức nở:
- Mẹ có biết là con đã từ chối đi chơi trung thu với các bạn để ở nhà thưởng trăng với mẹ không? Bây giờ thì đi chơi cũng không mà thưởng trăng cũng không! Con đã bày mọi thứ hết lên sân thượng. Mấy chậu kiểng con đã sắp xếp lại gọn gàng. Đèn trung thu đã được treo. Hoa quỳnh cũng sắp nở. Mẹ bảo trung thu này là đoàn viên. Đoàn viên gì mà kỳ vậy?
- Ba đâu?
- Ba điện nói sẽ về trễ một chút.
Chị tắt máy, thở dài não nuột, tưởng chồng đã có ở nhà với con bé, thế mà vẫn chưa về. Lại công việc níu chân anh ở đâu đó. Đã từng sống những ngày thiếu thốn cực kỳ, nên hai người hiểu chỉ có làm việc, làm việc cật lực mới đưa mình thoát ra khỏi thế giới ảm đạm của những ngày cũ. Thế giới đó đã xếp lại rồi, nhưng thời gian biểu của cả hai càng dày đặc bởi hai từ "công việc". Nó không còn là cách để anh chị thoát ra khỏi cảnh nghèo nữa mà như là một ma lực dẫn dắt mình đi không ngừng nghỉ. Thế nên khi chị mở thêm một công ty lấy tên là Phương Chi, tên con gái chị, ai cũng bảo chi mà khổ thế, dù gì thì ngày cũng chỉ ba bữa cơm, mà là những bữa cơm vội vàng, trái buổi.
Khi chị và chồng còn sống trong khu tập thể giáo viên, hai người chỉ dám mơ một căn nhà nhỏ cho riêng mình. Mơ là mơ vậy thôi, chứ không tưởng tượng nổi khi nào sẽ có nó với đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống gia đình. Sách vở chị chất đầy trong các thùng giấy, đêm nghe mối mọt đục rào rào. Chị tiếc và bảo khi nào có nhà nhất định sẽ xây phòng sách to và đẹp nhất. Mấy lần dời nhà chị đem sách gởi nhà mẹ và quên bẵng đi. Khi ăn tân gia ngôi biệt thự to đùng mà ngày xưa có nằm mơ chị cũng không dám nghĩ tới, con bé Phương Chi đi tung tăng khắp các phòng tìm kiếm rồi ra vẻ thất vọng hỏi: "Phòng đọc sách đâu hả mẹ?". Khi đó chị mới giật mình nhớ đến niềm mơ ước năm xưa của mình và nhớ đến đám sách cũ chị bỏ quên ở nhà mẹ dễ có hàng chục năm trời khi chị quyết tâm lao vào thương trường để làm cuộc đổi đời. Chị đành phải biến một phòng ngủ thành phòng sách. Tủ được đóng, các bức tranh được treo lên, những thùng sách được mang về. Khi đổ sách ra, Phương Chi kinh ngạc khi so sánh giá trị tiền của sách với nền kinh tế eo hẹp của ba mẹ vào thời đó. Nó hỏi: "Lúc đó ba mẹ nghèo đến thế mà sách lại nhiều gấp bao nhiêu lần bây giờ?". Chị biết nó còn quá bé để nói khóe, nghĩa đen nghĩa bóng gì trong câu nói đó, nhưng nó cũng làm chị giật mình, đành phân bua, không phải với nó mà là với chính mình: "Lúc này mẹ không có thời gian để đọc". Đó là sự thật. Và chị cũng không có thời gian để la cà ở các hiệu sách, nhẩn nha chọn lựa. Trớ trêu thay. Khi trước, bước vào hiệu sách là chị thèm khát đến ngẩn người, kiềm chế lắm mới không chi hết những đồng tiền ít ỏi của mình.
Con bé Phương Chi tham gia việc sắp xếp sách vào tủ một cách rất nhiệt tình. Thời gian xếp sách thì ngắn nhưng thời gian để phủi bụi thì nhiều, chưa kể xếp đến cuốn nào cả hai vợ chồng chị lẫn con bé đều lật vài trang để đọc rồi bị cuốn hút vào đó đến nỗi quên nhiệm vụ chính của mình. Những ngày đó chị như sống lại thế giới của mình khi xưa. Thế giới huyền diệu của những câu chuyện thần tiên, của những câu chữ đầy màu sắc; thế giới của con bé Thanh thường xuyên không ăn sáng vì tiền đã bỏ hết vào sách và những đêm chui trong chăn rọi đèn pin để đọc.
Đó là lần đầu tiên Phương Chi tiếp xúc với sách văn học, vì lâu nay chị cũng không quan tâm đến việc nó nên đọc những sách ấy. Hầu như nó cũng ít đọc sách vì thời gian trong ngày rất sít sao. Chị Đoan là người bà con xa giúp việc nhà cho chị, đảm đương việc lo cho con bé ăn ngủ những khi chị không có nhà, đưa rước nó đi học. Cô sinh viên tên Tâm đến dạy nó học. Hè thì học vẽ, học đàn. Học tài tử vậy thôi chứ hè năm sau là quên hết, gần như học lại. Có khi chị cũng giật mình tự hỏi không biết nó có khiếu gì. Người ta nói cần phát hiện năng khiếu con mình ngay từ bé để có kế hoạch bồi dưỡng nó. Thế mà nay nó đã mười lăm tuổi rồi chị mới nhớ đến điều đó. Chị cuống quýt tìm xem tập học của nó. Tất cả đều tốt. Văn, toán, ngoại ngữ đều thuộc loại giỏi. Mà hầu hết học sinh bây giờ đều giỏi như vậy. Thế thì nó có năng khiếu gì? Chị không biết. Hỏi nó, nó cũng không biết. Nó nói con thích bơi lội (chả là thứ năm tuần nào nó cũng đi bơi). Chị nạt ngang, vớ vẩn, đó không phải là năng khiếu mà là sở thích. Nó thất vọng, thế thì con không có năng khiếu gì rồi, vì cái gì con cũng thích cả. Chị phì cười: "Ý mẹ không phải vậy". Cái việc đi tìm năng khiếu của hai mẹ con chẳng có kết quả nào, vì chỉ vài ngày sau công việc lại cuốn chị đi làm chị quên khuấy mục đích của mình. Có lẽ một ngày nào đó chị nhớ ra thì đã thêm mười lăm năm nữa trôi qua. Cũng may, có con bé Tâm luôn kèm cặp sát Phương Chi một lần vô tình nói: "Nó khoái nghe em đọc thơ lắm". "Thơ thì có nhiều người khoái lắm, nhưng đâu phải ai cũng thành nhà thơ". "Nhưng mà nó có làm thơ đấy". "Thật không?". Chị giật phắt người, run lên vì một cái gì đó chị không rõ. Chị là một cô giáo dạy văn, có một thời cũng đắm chìm trong các câu thơ từ cổ tới kim, có một thời mơ viết được nỗi lòng mình thành những câu thơ bất tử. Nó sẽ thực hiện được ước vọng của chị chăng? Thế nhưng chị hoàn toàn thất vọng, thậm chí vô cùng tức giận khi Tâm lén lút dúi vào tay chị bài thơ của nhà thơ tương lai là con gái chị. Đó là một bài thơ họa lại một bài thơ nào đó của một thằng bạn trai trong lớp. Hai "nhà thơ" mười lăm tuổi ngồi gần bàn nhau trong lớp bắt chước lối si tình "nhà nàng ở cạnh nhà tôi" có cải biên thành "bàn nàng ở cạnh bàn tôi". Chị bàng hoàng, chị điên tiết, chị giận dữ nhưng cuối cùng cũng nguôi ngoai vì biết tình cảm kia chẳng có gì ngoài một bài thơ. Nhưng Tâm thì cảnh cáo chị: "Chị mà đi hoài thì em không biết đâu. Nó có sao chị đừng trách em".
Nó thì không sao cả nhưng lại đâm ra thơ thẩn khi đọc đám sách cũ của mẹ. Cả ngày nó ngồi lì trong phòng sách, đọc nghiến ngấu như bù đắp lại những thiếu hụt của thời gian qua. Nó ngạc nhiên khi trên đời này người ta có thể tỏ tình bằng một khúc Phượng cầu hoàng và thấy bài thơ của thằng bạn trong lớp tặng nó ngày nào cũng lãng mạn không kém. Nó phục Tư Mã Thiên, một người mà ở tuổi nó không đứa bạn nào biết đến. Nó trách mẹ nhà mình có một kho tàng mà mẹ lại giấu đi. Trong cái kho báu đó, nó khóc cười cùng những con người từ thuở xa xưa, từ nàng Lâm Đại Ngọc tài hoa bạc mệnh đến thi tiên Lý Bạch ôm trăng chết dưới đáy hồ. Nó nói với mẹ đó là một cảnh chết hết sức bi tráng, cả tỉ con người không ai có được. Phải hết sức tri âm tri kỷ với trăng mới chết như thế. Chị ngạc nghiên nhìn nó, thấy nó không phải là con bé mười lăm tuổi mà là một triết gia bảy mươi lăm.
Một đêm rằm, nó mơ màng nhìn trăng (chị không còn lạ gì khi nó đang bước vào cái tuổi mơ màng). Nó hỏi:
- Mẹ ơi, ở đâu trăng cũng như thế này hả?
- Con hỏi vậy là sao?
- Con thấy trăng đâu có gì đẹp như trong sách tả đâu, càng không đáng để cho Lý Bạch phải chết. Nó không lung linh mà mờ nhạt, tối tối thế nào ấy.
Từ ngày tiếp xúc với đám sách mà chính bản thân chị biết toàn là sách quí, ngôn ngữ của con bé như vượt xa cái tuổi của nó. Chị cũng không thấy có gì lạ, vì đó là tác dụng tất nhiên của sách. Nhưng cái cách con bé nhận xét về trăng khiến chị cũng có chút suy nghĩ. Dường như nó chưa hề biết trên đời này có một vầng trăng cho đến khi nó biết có một người ôm trăng mà chết, như người ta không chú ý đến một vật gì đó rất tầm thường bên mình cho đến một ngày nó bị mất đi. Chị thấy mình cũng nên đặt mình vào vị trí con bé để nhìn nhận sự việc. Chị bước ra sân thượng, quan sát trăng thật kỹ. Trăng tròn vành vạnh, treo giữa bầu trời trong xanh. Ánh sáng chiếu xuống thành phố bị những ánh đèn lấp lánh đủ màu sắc che lấp hết. Một cái gì đó rúng động trong lòng chị khi chị nhìn thấy vẻ cô đơn của vầng trăng giữa thành phố đầy ánh sáng. Dòng xe cộ hối hả chen chúc, dòng người lũ lượt về nhà cứ chăm chăm vào đèn xanh đèn đỏ, thắng ken két hoặc rú ga ào ào, có ai một lần ngước nhìn vầng trăng vằng vặc chỉ tròn mỗi tháng một lần kia. Chị ôm vai con, chính bản thân mình cũng cảm thấy thất vọng về vầng trăng đang thời mười sáu trên kia:
- Có lẽ không phải trăng ở đâu cũng đẹp cả. Nó còn tùy vị trí mình đang đứng và tùy tâm trạng người ngắm. Khi mẹ còn nhỏ, mỗi ngày rằm, nhất là khi trung thu, hầu như cả xóm túa ra đồng cỏ. Người lớn thì túm tụm nhau nói chuyện, bọn trẻ thì đùa giỡn nghịch ngợm. Trung thu còn vui hơn nữa. Bọn trẻ miệt mài làm những cái đèn ông sao, rồi đem khoe nhau xem ai làm to nhất, làm đẹp nhất. Tối trung thu cả đồng cỏ lấp lánh ánh đèn. Trên trời trăng cũng lấp lánh, lung linh...
Kể đến đó, cả lòng chị cũng thấy bồi hồi xúc động. Cảm giác ngày xưa ùa về làm tuổi thơ sống dậy. Chị chợt thèm cái cảm giác ấy, cái cảm giác mỗi mùa trung thu đến lại nôn nao làm những cái đèn lồng, nôn nao rồng rắn kéo nhau ra đồng cỏ xanh bạt ngàn hát bài chú Cuội. Chú Cuội khờ khạo ngàn năm và vĩnh viễn muôn đời vẫn ngồi gốc cây đa. Bọn trẻ khờ khạo ngày xưa thì đã lớn thành những con người thành đạt và không thành đạt, nhìn trăng lẻ loi giữa lòng thành phố mà lòng những ngậm ngùi. Cao hứng, chị nói:
- Trung thu năm nay con đừng đi chơi nữa. Cứ chạy xe rông rông ngoài đường cũng không có gì thú. Cả nhà mình sẽ thưởng trăng trên sân thượng. Con tiếp mẹ sắp xếp lại những chậu kiểng làm sao cho ánh trăng tràn ngập cả sân, sao cho hoa quỳnh nở đúng lúc trăng thật tròn. Mình tắt hết đèn, cho trăng phát huy hết ánh sáng của nó.
Nó bằng lòng ngay và chăm chăm mong chờ ngày đó. Nó ngoan cực kỳ, chỉ sợ mẹ đổi ý. Chị cũng tự hứa với lòng sẽ cố gắng làm cho nó thật vui...
Gần chín giờ đêm chị mới về được. Chị gọi điện về nhà nhưng không có ai lên máy. Hẳn là mọi người đều đã lên sân thượng. Chị tắt máy và hối hả chạy xe về nhà. Lúc này mọi người mới túa ra đường đi chơi trung thu. Bọn trẻ choi choi cỡ con gái chị trở lên, trung thu không còn chơi đèn, chỉ tụ năm tụ bảy chạy xe vòng vòng ngoài phố. Chị sốt ruột khi cứ hết đèn đỏ rồi đèn đỏ, rồi lại bị kẹt xe, mãi đến hơn mười giờ chị mới về đến nhà. Nhà lặng ngắt. Chị hoảng hốt chạy vào hết phòng con gái đến phòng chồng. Không có ai. Trên sân thượng cũng không có ai. Bánh trung thu đã cắt sẵn bày la liệt trên cái bàn nhỏ cạnh bụi hoa quỳnh. Đèn đủ màu được treo xung quanh. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một cuộc thưởng trăng đầy lãng mạn, thế nhưng người thì vắng mặt. Chị chạy ào xuống phòng khách, lại chỗ cái bảng nhỏ ghi những lời nhắn gởi. Dòng chữ nguệch ngoạc của Đoan. "Em và Phương Chi đi về nhà em". Trời ơi! Chị gần như muốn té xỉu. Chưa bao giờ chị nghĩ ra tình huống này và chị cũng không nghĩ con gái mình lại nghĩ ra. Dù cả ngày mẹ con ít gặp nhau, nhưng nó chỉ quanh quẩn ở trường học và ở nhà, chưa bao giờ đi đâu xa. Nguyên cớ gì tự nhiên nó lại theo Đoan về quê? Mà Đoan cũng đâu có việc gì phải về quê vào cái giờ này mà không thể đợi chị về. Chị hốt hoảng gọi cho chồng. Giọng anh lè nhè ở đầu dây bên kia. Chị cáu gắt: "Giờ này mà anh còn say nữa à. Anh thất hẹn với con gái mà còn dám say nữa!". "Thì em cũng thất hẹn với nó đó thôi. Không phải em bảo anh nếu có lợi cho công việc thì cũng nên say hay sao?". "Nhưng không phải lúc này. Anh có hay con Phương Chi đi mất rồi không?". "Hả?". "Anh về mau, cùng với em về quê ngay. Hứa dẫn nó về quê không biết bao nhiêu lần mà không dẫn. Để bây giờ thì nó tự đi rồi". Nói "quê" cho nó có vẻ xa xôi, chứ thật ra chỉ cách thành phố vài chục cây số mà chị hứa hoài chẳng có dịp dẫn nó đi một lần cho thỏa. Vì nơi đó bà con gần chẳng còn ai, vì khi còn nghèo phải lo bươn chải kiếm sống, vì khi đã giàu sợ mất mối làm ăn, vì con bé Phương Chi khi nhỏ cứ bệnh triền miên, nhất là hay hạ canxi té xỉu bất chợt, vì đủ mọi lý do trên đời mà chị có thể vin vào đó để lòng khỏi ray rứt.
Loay hoay thế nào gần bốn giờ sáng hai vợ chồng mới đến được nhà Đoan. Chị định bụng sẽ mắng cho Đoan một trận, lớn rồi mà còn nông nổi. Nhưng cả nhà Đoan còn đang hoảng loạn hơn cả chị. Họ cũng đang tìm Phương Chi. Đoan tái ngắt, giãy đành đạch trên nền đất, kêu gào thảm thiết:
- Không phải tại em. Tại nó bắt em phải dẫn về. Không chiều thì nó đập đầu vào tường. Nó bảo chắc ba mẹ không về đâu mà ngày mai thì trăng bị méo rồi. Nó hỏi em ở nhà chị có trăng không. Em nói ở đâu mà không có. Nó hỏi có đồng cỏ không. Em nói cỏ thiếu cha gì. Chỉ qua cơn mưa là phún lên đầy đồng. Người ta còn tìm cách đốt bỏ. Nó nói sao uổng vậy. Rồi nằng nặc bắt em dẫn đi. Đã về đến đây rồi, ra đồng xem trăng đã đời rồi, vô mùng ngủ với em rồi. Thế mà khi em tỉnh giấc thì không thấy nó đâu nữa.
Thanh ngồi phịch xuống đất, gần như muốn ngất đi. Chồng chị tỉnh rượu hẳn, bắt đầu chì chiết chị:
- Cũng tại em cả, tả làm chi cảnh đồng cỏ nên nó mới đòi về. Lại còn hứa thưởng trăng nữa. Thưởng, thưởng cái gì. Biết không làm được thì đừng có hứa. Chỉ vớ vẩn. Cắt đứt mọi mơ mộng của nó ngay từ đầu là được chứ gì. Cứ trả lời sách phần nhiều là xạo. Trăng không đẹp như nó tưởng là xong. Nó cứ việc ăn ngủ, đi học, lớn lên đi làm để có nhiều tiền là được. Vẽ vời chi cho khổ vậy. Em bao nhiêu tuổi rồi, đã trải qua những gì rồi, thấy cái giá của những mơ mộng hão rồi mà còn hùa theo con bé mười lăm tuổi tìm vẻ đẹp của trăng. Khùng, khùng hết chỗ nói. Còn bây giờ thì không phải tìm trăng nữa mà tìm nó kìa. Không tìm được thì em có mà ôm trăng chết cũng không ai khen ngợi đâu.
Dẫn đầu là Đoan, cả đoàn người túa nhau đi tìm. Hai vợ chồng chị cứ bám theo Đoan, gặng hỏi đêm qua đứng ngắm trăng ở đâu. Đoan dẫn hai người ra đồng. Đêm đã gần tàn. Trăng vẫn kiên trì lơ lửng trên trời dẫn đường họ đi. Cả xóm nháo nhác. Chuyện một cô bé mười lăm tuổi người thành phố mất tích giữa đồng là một chuyện hi hữu. Hay là nó đã bị bắt cóc? Chuyện tống tiền thời nay cũng không phải là hiếm.
Cuối cùng cũng có một tin báo về, dù là tin dữ, có một cô bé nằm bất động trên ruộng lúa. Tất cả chạy ào đến. Phương Chi đang nằm sấp trên một vũng nước mấp mé bờ ruộng. Khi người ta kéo thân thể mềm nhũn, rã rượi của cô bé lên làm vũng nước lay động, ánh trăng dưới đáy nước vỡ vụn ra từng mảnh. Khi chồng chị xốc lấy con chạy băng vào bệnh viện thì chị từ từ khuỵu xuống, ngất ngay trên vũng nước. Ngay cả trong mơ chị cũng không dám nghĩ Phương Chi chỉ bị hạ canxi xỉu như bao lần, ngủ thiếp đi với bóng trăng hay là đã chết cùng trăng, dù là một vầng trăng nhỏ xíu trong vũng nước ao tù.
Theo (tuoitre)