09:03, 17/03/2013

Những bài hát không bao giờ thuộc

Vậy là mình đã về làm dâu nhà chàng được hai tháng. Trong đó có một tháng xây dựng tư cách đạo đức. Cũng may chưa vỡ cái bát đĩa nào. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là làm cho ai trong họ hàng nhà chàng ghét.

Vậy là mình đã về làm dâu nhà chàng được hai tháng. Trong đó có một tháng xây dựng tư cách đạo đức. Cũng may chưa vỡ cái bát đĩa nào. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là làm cho ai trong họ hàng nhà chàng ghét.

Mẹ mình bảo: “Mày làm mẹ nhẹ cả người. Chiều con, cứ để học hành, mọi việc mẹ làm cho hết. Cuối cùng gả đi, chỉ sợ bị người ta chê con mình!”. Thật tội cho mẹ.

Ngày giỗ ông.

Sau khi nghe thông báo từ "tổng chỉ huy trung ương", mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có dịp gặp gỡ họ hàng nhà chàng cho gần gũi. Lo vì chưa thật sự biết các phong tục ở đây như thế nào. Ví như sau khi cưới chàng vài ngày ấy thấy mình rửa bát một mình giữa trời rét ngoài sân, chàng ra ngồi ở cửa chờ. Vợ rửa xong thì chàng bê đỡ vào nhà úp bát hộ. Vậy mà chàng vừa vào trong nhà một cái, mình đang lúi húi quét sân thì mẹ ở đâu đã xuất hiện, ghé vào tai mình làm mình giật thót cả tim. Mẹ thì thầm:

“Này, đàn ông làng Đông không có thói quen rửa bát đâu nhé. Mày đừng làm cho ông bố nhìn thấy mà ông ấy ghét đấy”. Trong lòng run lên bần bật, mình dạ mà trong lòng tự hứa thật sắt đá: “Có chết cũng không dám để chàng úp bát giúp mình nữa”. Âu đấy cũng là chưa biết về phong tục tập quán. Âu đấy cũng là cô dâu mới thôi mà.

Tiếng khóa mở cửa dưới tầng 1 làm mình vội vàng tung chăn lao ra khỏi giường. Nếu có cuộc thi xem ai tai thính nhất chắc chắn mình sẽ tham gia để giành giải nhất mất.

Thật đấy, bình thường thời con gái, mình ngủ nhiều nhưng cũng là đứa ngủ thính lắm. Mình tự hào vì điều này bởi lẽ nhờ ngủ thính mà nhiều khi mọi người cứ tưởng mình ngủ, nói xấu mình thật lực. Mình nghe thấy hết, có lúc còn bất bình định vùng dậy cãi nhưng lại thôi, vì nếu làm như thế lần sau mọi người sẽ cảnh giác. Nói xấu mình nhiều nhất luôn là bố. Còn mẹ cứ ra sức bênh vực. Có lúc thấy ghét bố, bố chê mình thế sao còn nuôi mình làm gì!

- Mẹ cho con đi chợ cùng mẹ nhé, con sẽ xách đồ cho mẹ đỡ nặng!

- Đi đâu mà đi. Không khiến đâu. Cô ở nhà đi. Tôi đi với dì Vinh. Chúng tôi đi còn nhiều chuyện để bàn. Rồi mẹ đi với tiếng đóng cổng cành cạch. Bỏ lại sau lưng là mình đứng tần ngần ngoài cửa chính. Mùa đông 2006 được Nhà nước và Chính phủ công nhận là mùa đông rét, vậy mà mình mặc cái áo len phong phanh đứng ở cửa tần ngần, tẽn tò, ngơ ngác vào lúc 6g sáng, không dám quay trở lại phòng ngủ mà cũng không dám chạy theo mẹ.

20 phút sau...

- Anh ơi, nằm... dịch vào... cho... em nằm... với.

- Sao lại rét thế, không chịu mặc cho đủ ấm rồi đi đâu thì đi (chàng cáu kỉnh vừa dịch vào trong giường vừa nói).

- V...â...ng (mình lập cập trong tiếng run rét trả lời).

- Tưởng em đi chợ với mẹ?

- Mẹ không cho em đi. Mẹ bảo mẹ đi với dì Vinh vì có chuyện phải bàn.

Chàng lại động đến nỗi đau của mình, làm giọng thuật lại của con bé tội nghiệp trong mình có vẻ méo đi đôi chút. Chàng cười, quay lại véo má vợ an ủi:

- Mẹ và dì sáng nào chẳng đi chợ với nhau. Các bà ấy còn phải bàn xem chiều nay đánh con gì ấy mà. 7g sáng là giờ tính xem nguyên nhân vì sao hôm qua về chẵn lẻ.

Còn 3g chiều là giờ tính xem hôm nay lẻ chẵn sao đây. Em hiểu chưa? Thôi, đừng buồn làm gì. Ngủ đi!

Đúng là đồ đàn ông vô tâm, ngủ thế nào được mà ngủ. Hay nói chính xác hơn là không dám ngủ. Mình cũng rửa mặt rồi mà. Đành nằm trong chăn chăm chú lắng nghe tiếng cổng bao giờ lại lạch cạch, mẹ về và mình lại lao xuống phụ giúp chuyện bếp núc. Nằm im lắng nghe... mùa xuân về!

...

Cứ tưởng đây sẽ là dịp để mẹ và họ hàng thán phục tài nấu nướng của mình. Mọi ngày ở nhà, mỗi ngày có cỗ bàn hay hội họp, mình vẫn được làm bếp trưởng. Nhà  mình ông bà nội toàn các chú, các chú lại toàn con trai. Thế là mình vẫn luôn chịu trách nhiệm đi chợ và nấu nướng mà. Có mấy đứa em họ lon ton giúp sức, vui ơi là vui. Nhưng...

Dì bảo:

- Mày xem bóc tỏi thì bóc, nếu không thì nhặt rau sống thôi. Biết gì mà làm.

- V...â...n...g!

Mẹ bảo:

- Thôi, thôi, cô đi chỗ khác cho khỏi vướng chân.

- V...â...n...g!

Tự dưng mình chỉ luẩn quẩn như một đứa trẻ lên ba...

Hết việc vặt, hết những việc được phép làm, mình mệt mỏi bò lên tầng ba ngồi cho đỡ buồn. Ở dưới bếp, tiếng mẹ và các dì bảo nhau vẫn còn rõ:

- Mày cho nó làm làm gì? Nó con một thì biết làm cái gì mà làm. Quét cái nhà còn chẳng sạch nữa là.

- Thì em có để nó làm đâu. Tôm chị em mình mua trăm nghìn một cân, ai dám đưa cho nó chế biến, nhỡ nhịn đói cả nhà thì sao?

...

Tiếng cười dưới bếp làm mình chán không buồn xuống nhà nữa. Chui vào chăn lắng nghe tiếp. Lạc lõng...

...

Bữa tụ họp nhân dịp giỗ ông cuối cùng cũng xong. Họ hàng nhà chàng thật đông, đặc biệt là đội ngũ tuổi teen.

Nhưng khi bữa ăn kết thúc, đứa nào cũng có đủ lý do chính đáng để ra về sớm hoặc để được miễn dọn rửa. Trời mưa đông tối sớm. Cái sân ngổn ngang như chiến trường. Sáu mâm bát đĩa đủ loại và... một cô dâu mới về nhà chồng. Nhớ lại khi còn ở nhà, mỗi lần rửa bát mấy chị em xúm vào, vừa cười đùa vừa chuyện lm, công việc mới nhanh làm sao. Giờ chỉ còn mình mình. Nào... vừa hát vừa làm thôi...

Hát những bài hát đã thuộc.

...

Hát những bài hát hơi hơi thuộc.

...

Chết mất, môt mình cô dâu lúi húi ngoài sân, lắng nghe tiếng cười trò chuyện của già trẻ lão ấu trong nhà mà tủi quá. Hiền ơi, cố lên nào!

...

Hát những bài hát dạo đi mẫu giáo vẫn hát.

...

Hát những bài hát chưa thuộc.

...

Ui cha, sao 6 mâm bát lại nhiều thế này!

...

Ư ử giai điệu của những bài hát không thuộc tí nào.

...

Cuối cùng, cuộc chiến cũng kết thúc.

Đôi bàn tay chỉ toàn lướt trên bàn phím.

Giờ...

Tê cứng... đỏ au... không co duỗi được. Thôi nào, đừng tủi thân mà khóc ở đây. Có gì thì lao lên phòng đóng cửa sau. Hay hôm nào về kể cho mẹ để được an ủi vỗ về. Thôi nào, lấy chồng phải khác chứ, ai hầu mà đòi sướng. Thôi nào, mọi người cười cho đấy. Rồi mai cả làng lại đem chuyện này ra mà cười. Thôi nào... thôi nào...

Tự dỗ dành mình.

Vậy mà...

Úp xong đám nồi trong bếp, mình vẫn ứa nước mắt không sao cầm lại được. Những giọt nước mắt vô lý không có tí âm thanh sụt sịt. Nó trào ra, lăn vụng trộm trên mặt, bị gạt vội đi và khô dần trong tiếng cười nói của những họ hàng mà mình còn chưa biết hết tên.

Theo (tuoitre)