Một năm có mười hai ngày phép, bạn thường làm gì? Mười hai ngày phép của tôi thường là những dịp tắm biển, nghỉ dưỡng cùng gia đình. Khi đã chán những chuyến đi theo cùng một khuôn thước ấy, tôi bắt đầu chọn một chuyến phượt cùng đám bạn vừa quen trên mạng, lên miền Tây Bắc.
Một năm có mười hai ngày phép, bạn thường làm gì? Mười hai ngày phép của tôi thường là những dịp tắm biển, nghỉ dưỡng cùng gia đình. Khi đã chán những chuyến đi theo cùng một khuôn thước ấy, tôi bắt đầu chọn một chuyến phượt cùng đám bạn vừa quen trên mạng, lên miền Tây Bắc. Tôi gặp Quỳnh trong chuyến đi phượt đầu tiên ấy. Trông Quỳnh ngồ ngộ khi tóc dài quá nửa lưng, để xõa dịu dàng ngồi trên xe Suzuki cào cào. Một hình ảnh trái ngược khiến người ta phải dừng mắt. Chỉ vậy rồi không nghĩ ngợi gì hơn, bởi hoa đã có chủ, Quỳnh ngồi dựa sau lưng Tùng, phó ban tổ chức cuộc du xuân này.
Trong khi Tùng với vai trò ban tổ chức bận rộn nhiều công việc không tên thì Quỳnh say mê chụp hết thảy cỏ cây hoa lá trên đường đi. Em khoe Tùng một khoảnh khắc khói lam chiều bay lên từ nhà sàn nằm lọt giữa những vòm hoa mận trắng. Tùng có điện thoại, mải nói chuyện, chẳng buồn ngó qua. Tiện thể thấy tôi ngồi một mình gần đó, Quỳnh chìa máy cho tôi: “Anh xem đẹp không?”. “Những hình ảnh như thế này không phải ai cũng có cơ hội gặp và chộp”. Nghe tôi tỏ ý đồng tình, Quỳnh lần lượt khoe những bức hình khác. Hình một em bé H' Mông mắt tròn xoe, áo thổ cẩm rực rỡ nép mình bên gốc đào đang nở lứa hoa cuối mùa. Hình những nhành hoa cải trắng dịu dàng ngậm đầy sương... Tôi ngầm đoán tay máy này hẳn là cô gái đa cảm.
Lần thứ hai tôi gặp Quỳnh tình cờ ở rạp chiếu phim miễn phí những tác phẩm kinh điển vượt thời gian. Rạp vắng nên không khó để chúng tôi lập tức nhận ra nhau. Quỳnh nheo mắt: “Gần một năm không gặp. Anh vẫn đi một mình à?”. Tôi gật đầu. Quỳnh bảo: “Em ngồi cạnh anh cho vui”. Chẳng thấy vui đâu khi gần suốt bộ phim, chỉ thấy nét trầm tư u uẩn trên gương mặt Quỳnh.
Kể ra, Những cây cầu quận Madison mà chúng tôi cùng xem chưa bao giờ là bộ phim xem để có thể tìm niềm vui. Gần cuối phim, khi vai nữ chính đi bên cạnh chồng mà gặp lại người tình, hai người nhìn nhau trong xót xa, tôi nghe tiếng sụt sịt, vô tình nhìn qua thấy gò má hồng của Quỳnh loa lóa nước mắt.
-Tùng không đi cùng em à?
- Tụi em chia tay rồi, anh à.
Khi ra khỏi rạp, tôi vô tình chạm vào nỗi buồn của Quỳnh. “Đám bạn đi phượt nói em là người yêu dài hạn nhất của Tùng. Những mối tình khác đều ngắn hạn. Hầu hết mỗi chuyến phượt là một em. Em đi với Tùng dăm bảy chuyến, cả hai năm nay rồi. Nhưng em phải dừng lại vì em không thuộc về Tùng, không thuộc về những chuyến đi”. Khi nói ra sự so bì ấy, dù cười tươi nhưng tôi thấy mắt Quỳnh vẫn ướt. Chẳng lẽ dư âm bộ phim buồn kéo dài đến vậy?
* * *
Đúng ra, một người phụ nữ nhẹ nhàng, đa cảm như Quỳnh không nên và không thể tìm chỗ dựa ở Tùng, anh chàng lấy nick Ngựa Hoang trong đám ham hố những chuyến đi khám phá đường dài. Điều ấy, khi Quỳnh đã là người yêu của tôi, sau là vợ của tôi, tôi có nhắc tới. Quỳnh cười, má lúm tươi, mắt cũng tươi: “Chẳng quan trọng gì, vì bây giờ em đã có chỗ dựa đích thực”.
Cưới Quỳnh, tôi phải vượt qua rào cản rất cao của mẹ. Không có chuyện gì tôi giấu mẹ, từ chuyện quen Quỳnh trong một chuyến đi phượt, chuyện Quỳnh chia tay người yêu và yêu tôi… Mẹ tôi, mẫu người phụ nữ luôn vun vén cho gia đình, một đời bà chưa biết chuyến đi nào cách nhà ba mươi cây số, dĩ nhiên cực lực phản đối cô con dâu có “chân ngựa”, từ mà mẹ gán cho những người ham đi du lịch, khám phá. Nhưng khi tôi gân cổ cãi: “Mẹ chỉ có thể góp ý, chứ không thể quyết định. Vì con lấy vợ cho con chứ không phải cho mẹ”. Mẹ choáng váng mặt mày, xuôi theo mọi chuyện trong một tâm trạng đầy buồn phiền.
Chỉ gần một năm sau khi về làm dâu, Quỳnh đã thành công trong việc lấy lòng mẹ. Nhiều khi mẹ tỏ rõ thái độ bênh vực Quỳnh trước mặt tôi, khiến tôi ngoài mặt tỏ ra cau có nhưng trong lòng lại vui phơi phới. Mẹ bắt đầu giục chúng tôi sinh con. “Mẹ biết chúng mày còn trẻ, thích hưởng thụ. Nhưng đừng ích kỷ, sợ sinh con xong bị làm phiền thì yên tâm, đã có mẹ nuôi”. Khi mẹ nói câu ấy, cả tôi và Quỳnh đều thấy có gánh trách nhiệm đè lên vai. Quả thực, chúng tôi không thể thanh minh với mẹ rằng không phải vì sợ trách nhiệm mà chẳng hiểu vì sao đã thả hoài vẫn chưa đậu.
Sau nhiều cuộc đấu tranh, có cả khóc lóc, năn nỉ, tôi đồng ý theo Quỳnh vào một phòng khám hiếm muộn nằm kín đáo, sâu trong hẻm. Chủ phòng khám là chị Hoài, một người quen cũ Quỳnh chưa từng nhắc tới. Mọi ngại ngần trong tôi bay biến hết khi khá nhiều cặp vợ chồng tuổi trên dưới ba mươi đang có mặt ở đây ngồi chờ khám. Quỳnh nói nhỏ vào tai tôi: “Anh thấy chưa, bây giờ môi trường khắc nghiệt, công việc căng thẳng, hiếm muộn ở tuổi mình là chuyện bình thường”. Tôi gục gặc, bắt gặp bao nhiêu ánh nhìn mòn mỏi từ những ông bố bà mẹ tương lai khác, tự nhủ, tâm trạng mình không sớm thì muộn cũng sẽ mỏi mệt rã rời như họ.
May mắn là chúng tôi chỉ ghé phòng khám ấy một lần. Quỳnh đưa về một đống thuốc bổ, bảo của chị Hoài kê đơn, chỉ cần uống thuốc một thời gian, khi sức khỏe dồi dào thì sẽ có em bé. Mỗi đêm, tôi đều đặn lấy thuốc uống cho cả vợ lẫn chồng. Bốn tháng sau, Quỳnh hoan hỉ báo tôi, đèn đỏ đã tắt, con của chúng tôi đang hình thành.
Khỏi phải nói cả mẹ và vợ chồng tôi đều vui đến mức nào. Mẹ háo hức đặt ngay tên Đậu Đen cho đứa bé mà chưa ai biết được giới tính. Mẹ nói nó sẽ mát ngọt như món chè đậu đen. Đó là món ăn tôi thích nhất từ nhỏ tới lớn.
Ngày Quỳnh trở dạ, mẹ và tôi đứng ngoài hành lang bệnh viện, mồ hôi đầm đìa. Khi tiếng khóc của Đậu Đen cất lên, một niềm vui vỡ òa ra như có thể cầm nắm được. Mẹ ôm lấy tôi, mặt tràn đầy sự mãn nguyện: “Giờ thì mẹ có chết cũng vui lòng”.
Chẳng biết câu nói của mẹ có phải điềm báo gở hay không, một tuần sau ngày Đậu Đen ra đời, mẹ tôi trượt chân ngã trong nhà tắm, và qua đời. Bà ra đi mà vẻ mặt tươi tắn như vừa được nghe một câu chuyện vui.
* * *
Đậu Đen có nước da ngăm đen, không giống với da tôi và Quỳnh đều trắng. Nó có mái tóc xoăn, càng lớn càng xoăn quắn vào nhau trông thật ngộ. Những lúc chỉ có hai vợ chồng, tôi trêu Quỳnh: “Hay là giống như phim Hàn Quốc, con nhà đại gia nào lạc vô nhà mình, còn con mình giờ đang ở nhà người ta?”. Quỳnh nghiêm trọng: “Anh đừng nói bậy”. Từ đó tôi không đùa nữa.
Nhưng bà con bên nội thì không thôi gièm pha vì trên người thằng bé bói cũng không ra một nét nào giống tôi. Có bà cô còn gọi thẳng tôi ra một góc trong ngày giỗ đầu của mẹ, khẳng định chỉ có mù mới không nhìn ra là thằng bé chẳng có chút gì hao hao tôi chứ đừng mơ tới chuyện giống. Bà còn huỵch toẹt ra, có khi mày là một… con lừa bị nắm đầu lôi đi mà không biết. Tôi nổi đóa, vằn mắt lên nhìn bà, khiến bà hạ giọng: “Tại người ta nói ra nói vào nhiều quá, tao rát tai mới nhắc mày”.
Khi bà cô cun cút đi ra sau bếp, tôi bắt gặp Quỳnh đứng bên kia chân cầu thang. Có vẻ Quỳnh đã nghe hết mọi việc, mặt đầy nét âu lo. Thái độ ấy của Quỳnh bỗng khiến tôi ngờ vực, dù trước đây tôi chưa bao giờ nghi ngờ Quỳnh điều gì. Kể cả khi Quỳnh đến với tôi không còn trong trắng vì đã trao cho Tùng thứ quý nhất của mình trong lần đi phượt lên Tây Bắc, nơi tôi gặp Quỳnh lần đầu.
Tôi quyết định đưa một nhúm tóc của Đậu Đen đến trung tâm thử ADN. Dọc đường đi, tôi cười thầm trong bụng, nghĩ tới cảnh khi cầm tờ giấy xác định Đậu Đen cùng huyết thống với tôi, hẳn bà cô và những người nhiều chuyện sẽ tắt ngay câu chuyện về sự thủy chung của Quỳnh. Tôi tin Quỳnh, nhưng niềm tin ấy chẳng thể giá trị bằng giấy trắng mực đen xác chứng.
Nếu có một nơi nào đàn ông có nhiều tâm trạng nhất thì tôi nghĩ đó chính là trung tâm ADN này. Nằm trên một con đường nhỏ ít ai biết tên nhưng bao nhiêu phận đời vẫn vào ra nơi đó. Khi tôi bước vào sân trung tâm, những hàng ghế xếp kín khoảng sân nhỏ đã chật kín người. Nhìn những chiếc ghế đen bóng vì quá nhiều người ngồi lên, tôi có chút chạnh lòng. Vài giây chạnh lòng của tôi đột ngột tỉnh thức khi một người phụ nữ tầm ba mươi òa khóc lên và chạy thẳng ra cổng. Phía sau chị, đứa trẻ tuổi lên bốn mếu máo và người đàn ông mắt vằn lên ánh đỏ quạch.
Sau khi gửi mẫu tóc hai bố con lại, tôi ra khỏi trung tâm với một tâm trạng khác. Những câu chuyện, những gương mặt trong không gian chật chội, đông đúc của trung tâm này khiến tôi ngờ vực hết thảy, kể cả điều tôi vẫn tin tuyệt đối là tình yêu và sự thủy chung của Quỳnh. Những ngày sau đó, tôi đặt ra hai giả thiết, nếu là đúng thì kết quả có càng sớm càng tốt, nếu không đúng thì giá như có một lỗi gì đó ở mẫu tóc của hai bố con, và cho kết quả không thể chính xác. Dĩ nhiên tôi sẽ chẳng bao giờ đến đó để kiểm chứng lần hai để lại mang về một tâm trạng hoang mang cực độ như bây giờ. Tôi không chịu nổi khi nghĩ nếu thằng bé hằng đêm vẫn cưỡi ngựa trên lưng mình lại là kẻ khác giống.
***
Nhưng ADN không biết nói dối và cũng không biết an ủi. Đậu Đen và tôi không cùng huyết thống, không liên quan gì nhau. Khi nhận kết quả ấy, mặt tôi nóng bừng đổ lửa, cảm nhận rõ máu nóng đang chạy rần rật trong từng vi mạch. Tôi rùng mình và có cảm giác lợm mửa khi nghĩ tới Quỳnh, người đàn bà mà tôi từng bỏ qua những sai lầm, người mà tôi luôn tin bằng niềm tin tuyệt đối vào sự chung thủy... Hóa ra mọi chuyện đúng như cô tôi dự đoán.
- Cô nói đi, đồ đĩ, tại sao cô lừa tôi?
Tôi gào lên khi thấy Quỳnh đang tập thể dục trên sân thượng. Sau câu nói ấy, tôi thấy mặt Quỳnh biến sắc. Chưa thể hoàn hồn để kịp hiểu ra chuyện gì, Quỳnh cứ đứng trân chịu trận những cái tát như trời giáng của tôi. Khi nhìn thấy tờ giấy trên tay tôi, Quỳnh mím môi, nước mắt lã chã: “Anh ơi, nghe em nói đã…”.
Tôi còn muốn nghe gì nữa khi sự thật hiển nhiên đến thế. Đậu Đen mà tôi nâng niu, mà mẹ tôi mãn nguyện nói “chết cũng vui lòng” hóa ra lại mang dòng máu lang. Tôi văng ra những lời lẽ độc địa nhất, rủa Quỳnh chết đi cho khuất mắt. Và khi tôi không kìm được những cái tát của trận đòn thứ hai xuống mặt Quỳnh thì cô né người, không tiếp tục chịu đựng. Trước mắt tôi, Quỳnh chới với ngã ra sau. Thành lan can quá thấp không đỡ nổi khiến Quỳnh rơi khỏi sân thượng.
Tôi chỉ kịp nghe tiếng mẹ vợ kêu thất thanh. Bà đang tưới cây trước sân nhà. Khi tôi chạy xuống đất, máu từ miệng và mũi Quỳnh đổ dài xuống cả cằm và cổ. Quỳnh nhìn tôi bằng đôi mắt sầu thảm, nói đứt quãng: “Xin anh bỏ qua cho em… Xin anh hãy nuôi con…” rồi từ từ khép mắt. Mẹ vợ gào lên và ngất lịm. Tôi gọi xe cấp cứu nhưng không còn kịp nữa. Quỳnh đã chết ngay trong sân nhà.
Mẹ Quỳnh khai, lời cuối cùng Quỳnh nói với bà là đang tập thể dục thì trượt chân. Những lời chứng ấy khiến tôi không gặp rắc rối gì với pháp luật. Nhưng mẹ vợ dường như đoán ra điều gì. Bà nói: “Thôi con, nghĩa tử là nghĩa tận”.
Cái chết của Quỳnh không san bằng nỗi hận trong tôi. Lấy lý do Đậu Đen cần một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, tôi gợi ý mẹ Quỳnh đưa thằng bé về hẳn nhà ông bà. Chỉ ít lâu sau tuần 49 ngày của Quỳnh, tôi xin chuyển công tác vào Sài Gòn.
Sau cái chết của Quỳnh, tôi chưa động đến người Đậu Đen lần nào. Lòng tôi khép lạnh với cả Quỳnh lẫn đứa bé, như thể chính nó cũng mang một tội lỗi không thể thứ tha vậy.
***
Hằng, vợ mới của tôi, người giúp tôi vượt qua những nỗi buồn, lần thứ tư đề nghị sinh em bé. Dù chuyện cũ đã qua lâu nhưng tôi vẫn chưa thể bình thường để nghĩ tới chuyện sinh con. Tôi vẫn nhớ lần ghé ngang nhà mẹ vợ cũ chào bà để vào Nam, Đậu Đen cứ nhìn theo tôi với ánh mắt ràn rụa nước: “Ba ơi... cho con theo với!”. Nhận cái lắc đầu của tôi, nó chỉ biết quệt nước mắt trên má: “Ba nhớ viết thư cho con nha ba...”. Vẻ mặt của thằng bé, dù không ruột thịt cũng khiến tôi xót cả lòng.
Lần thứ hai tôi lại vào khoa hiếm muộn cùng vợ. Không ngại ngần như lần đầu cùng Quỳnh, tôi chủ động hơn khi đi với Hằng. Vài ngày sau, Hằng đưa tôi tinh dịch đồ: “2% di chuyển chậm anh ạ, bác sĩ nói hết hy vọng. Có thể lúc bé anh bị bệnh gì đó ảnh hưởng tới tinh hoàn”.
Nghe Hằng giải thích, tôi bấn loạn nghĩ tới trận sốt kéo dài khi mắc quai bị lúc bé, càng bấn loạn khi nghĩ tới Quỳnh. Có thể nào trong lần đi khám trước, Quỳnh đã giấu tôi điều này. Và để không chạm vào tự ái của tôi, bằng cách nào đó, để có Đậu Đen?
Tôi bay ra Hà Nội ngay trong ngày. Tôi chỉ mong nhanh tới 4 giờ chiều, khi phòng khám của chị Hoài mở cửa để tìm gặp chị. Tôi tự trách mình lúc trước sao ngu ngốc không đi tìm chị để có thể biết sự thật, và biết đâu đã tránh được cái chết oan uổng của Quỳnh khiến tôi day dứt suốt năm năm nay.
Không phải chỉ một phần sự thật. Chị Hoài đã cho tôi biết tất cả sự thật mà tôi chưa bao giờ hình dung.
Đúng là theo kết quả khám nghiệm của chị Hoài, tôi không có khả năng có con. “Chính
chị dẫn Quỳnh sang trung tâm thụ tinh ống nghiệm bên bệnh viện A. Em có thể qua đó gặp bác sĩ Phong, xin tìm hồ sơ kiểm chứng”.
Tôi biết chị Hoài đang trách tôi rất nhiều. Nhưng mọi lời lẽ đã trở nên vô ích. “Vợ em yêu cầu chị giữ bí mật này. Cô ấy cứ sợ làm em tổn thương mà cô ấy thì quá muốn làm mẹ... Chừng đó năm không thấy liên lạc, chị cứ nghĩ vợ chồng em đang hạnh phúc...”.
Khi tiễn tôi khỏi phòng khám, chị Hoài rút khăn giấy lau vội những dòng nước mắt. Tôi tìm đến bác sĩ Phong, cứ mong mọi chuyện không đúng như chị Hoài nói, có thể có sự nhầm lẫn nào đó.
Nhưng thêm một lần, tôi thấy mình như bị rơi xuống vực sâu, khi bác sĩ Phong đưa bộ hồ sơ của Quỳnh cho tôi xem. Tôi nức nở như một đứa trẻ trước mặt vị bác sĩ già đang nhìn mình với cặp mắt nhân từ, đầy chia sẻ.
***
Ngay lập tức, tôi quay về đi tìm Đậu Đen và mẹ vợ. Tôi chỉ muốn kể tất cả với mẹ để xin mẹ cho tôi nhận lại Đậu Đen. Đó là cách duy nhất tôi có thể làm để đền bù cho con và chuộc lỗi với Quỳnh.
Thế nhưng nhà xưa đã đổi chủ, chẳng còn tung tích gì về bà cháu Đậu Đen. Có vài lần tôi gửi tiền về cho hai bà cháu, nhưng gửi mà không xuất phát từ tình yêu thương nên khi bị bưu điện trả lại, tôi cũng không bận tâm tìm hiểu cho rõ ngọn ngành.
Người chủ mới nói rất vô tình: “Bà cụ chủ nhà nói nhà này nhiều kỷ niệm buồn quá, hai bà cháu ở không nổi. Hồi hai bà cháu dọn ra khỏi nhà này, ở trọ đầu hẻm, bà ngoại nó vẫn nhờ tôi giả vờ đóng vai cha nó, viết thư thăm con. Thư trả lời nào nó cũng hỏi, ba ơi bao giờ về thăm con? Đọc muốn ứa nước mắt”.
Hàng ngàn con kiến đang cắn rứt lòng dạ tôi.
Mười hai ngày phép năm nay tôi lại tiếp tục hành trình đi tìm Đậu Đen. Đã rất nhiều năm rồi, tôi luôn dành 12 ngày phép cho công việc mỏi mòn ấy.
Theo (thanhnien online)