Khi tôi đến đã có ba bạn ngồi trước, thành thói quen, chúng tôi đến quán bờ sông vào mỗi sáng chủ nhật, uống cà phê, nói chuyện tầm phào, đến khoảng gần 10giờ mới tan hàng. Sáng nay cũng vậy, vì có dẫn theo thằng cháu nội, nên đến hơi trễ.
Khi tôi đến đã có ba bạn ngồi trước, thành thói quen, chúng tôi đến quán bờ sông vào mỗi sáng chủ nhật, uống cà phê, nói chuyện tầm phào, đến khoảng gần 10giờ mới tan hàng. Sáng nay cũng vậy, vì có dẫn theo thằng cháu nội, nên đến hơi trễ.
Gọi là quán bờ sông, vì nằm trên bờ sông, vùng ngoại thành, cách gầm cầu bê tông cao rộng chạy bên trên khoảng vài chục mét, cách mép nước khoảng 5 mét, gọi là quán, thực tế là các lều che tạm, bán cà phê vào buổi sáng và chiều tối, thường là những người ở không, công chức về hưu là nhiều nhất, những công chức có mức lương thấp, vừa uống vừa nhìn dòng sông chảy, nhìn dòng người qua cầu, vội vã, vừa nói chuyện đã qua lúc còn làm việc, và lắm lúc bàn chuyện hiện tại, với những cái cười hóm, dè chừng. Bên kia sông là trong thành, con đường đẹp chạy dọc bờ sông, những biệt thự sang trọng. Hàng tuần cổng đóng im lìm, chỉ có các ngày thứ 7, chủ nhật, có người, chủ các ngôi nhà này về đây nghỉ ngơi cuối tuần. Những câu chuyện quanh các biệt thự có lúc như cổ tích. Sự giàu lên đột ngột, qua các kỳ cổ phiếu, các dự án đấu thầu. Cũng có thể trúng đậm về khoáng sản, về gỗ, về rừng. Nhưng rõ ràng nhất là sự giàu có. Những chậu cây trong sân đều có giá tiền tỷ, cây sanh nghe nói khi mua chồng tiền bằng tờ 200.000đ00 mà số tờ giấy bạc nhiều hơn số lá trên cây! Hai cây lộc vừng đối xứng nghe đâu có 800 triệu, điều đáng nói là các cây đều đẹp, có người chăm sóc. Trong đó nổi bậc nhất là biệt thự màu hồng, màu phơn phớt hồng, ngoài các cây cảnh, còn có giàn phong lan, dọc bờ rào phải, nghe có nhiều loại lan quí, mà mỗi giò phải tính bằng cây vàng. Còn nghe nơi đó là nhà của các vợ bé của các đại gia. Trong các ngôi nhà này, biết có sự hạnh phúc hay khổ đau!
Mới 7giờ00 sáng mà đã đông xe qua lại trên cầu. Người ngoài thành chở hàng vào thành, nào rau, quả, củ, bằng đủ loại xe, xe đạp, xe honda, xe ba gát, xe xích lô, cả những xe tải nhỏ. Từ thành đi ra cũng vậy, nhưng lại chở các hàng vật dùng hàng ngày, họ hối hả, chạy đua với cái nắng, nóng.
Tôi nhâm nhi ly cà phê sữa nóng, cu Phát uống sữa hộp. Gió từ sông thổi nhẹ lên, mang theo hơi nước dễ chịu, cả mùi ngai ngải của rác mục. Dòng nước đục, chảy chậm, những cụm bèo từ từ trôi, êm ả, khác với dòng người trên cầu.
Bỗng trên cầu xôn xao, xe ùn lại. Một cô gái trần truồng chạy ra từ một trong các biệt thự, dọc theo thành cầu, đến giữa cầu, rồi thình lình nhảy xuống sông, chìm lỉm. Những tiếng la lớn: Có người tự tử, có người tự tử! Số đông, đứng dựa thành cầu nhìn xuống chỉ trỏ. Bỗng thấy một người mặc áo lam nhảy xuống theo. Một thầy Chùa. Người này lặn xuống, trồi lên, rồi lặn xuống nữa, nhiều lần. Nước sông vẫn vô tình từ từ trôi, người trên cầu vẫn vô tình la ó, chỉ trỏ, bàn luận. Trong các biệt thự đó có là sự hạnh phúc hay khổ đau! Có thể với người này nơi đó là thiên đường, nhưng với những người khác nó là địa ngục. Râm ran, trong những cuộc cà phê buổi sáng hay các cuộc lai rai buổi chiều, người ta nói, ngày nay, không đút lót bằng tiền bạc, mà bằng gái, loại gái sạch. Các người mẫu, các hoa hậu, hoa khôi, có kẻ bệnh hoạn đòi phải là vợ của kẻ cần việc. Một bác sĩ phải lên giường với xếp để được đi học cao học, để được bố trí chỗ có thu nhập cao. Một hiệu trưởng tổ chức một nhóm học sinh của mình để mua vui cho các quan chức. Giao thông tắc nghẽn một thời gian, rồi cũng dãn ra. Bỗng có tiếng la lớn, được rồi, vớt được rồi. Giữa sông, cạnh các đám bèo. Một tay đỡ cô gái mềm nhũn, Thầy từ từ bơi vào bờ, tới chỗ cạn, Thầy bồng cô gái bằng hai tay, đi lên bờ cỏ, người trên cầu, chạy ào xuống, một số người đang uống cà phê cũng chạy ra. Thầy để cô gái lên bờ cỏ, cổi chiếc áo lam, đắp lên người cô gái. Cô gái vẫn thiêm thiếp. Thầy bình tĩnh, sự bình tĩnh của nhà Chùa. Cầm hai tay cô gái ép lên ngực, rồi đè mạnh, nhiều lần, cô gái vẫn thiêm thiếp. Thầy cuối xuống ngậm miệng cô gái, thổi mạnh vào, và hút mạnh ra, để kích hơi thở. Có tiếng la của mấy đứa bán vé số, Thầy Chùa hun con gái, Thầy Chùa nút lưỡi con gái! Những chiếc điện thoại được đưa lên chụp ảnh, tôi cũng lôi máy ảnh, chụp nhiều kiểu hiếm có nhất trên cuộc đời này. Vị Thầy Chùa độ 30 tuổi, ngực nở, bó sát trong chiếc áo lót 3 lỗ sũng nước, hai bắp tay cuộn, rắn chắc, tôi nghĩ đến các vị thầy ở chùa Long Phước ngoài Bình Định, một ngôi chùa mà tất cả các thầy đều giỏi võ. Thầy vẫn bình tĩnh, vừa đè hai tay cô gái lên ngực, vừa hút và thổi vào miệng cô gái. Ánh nắng buổi sớm chiếu vào đầu trọc nhẵn thín ánh lên nền trời như các hào quang tỏa ra từ người Thầy. Bỗng cô gái ọe, ọc nước ra sặc sụa. Có tiếng la sống rồi, cô gái sống rồi. Cô gái mở mắt nhìn quanh, nét kinh hãi vẫn còn đọng trong đáy mắt! Nét kinh hãi đêm qua ở trong biệt thự, hẳn đó là địa ngục, cô vừa thoát ra, để đi vào thiên đường cõi chết. Có ai đó gọi xe cấp cứu, cô gái được chở đi. Vị Thầy từ từ đi lên hướng cầu, nơi để chiếc honda, bình thản cài dây mũ bảo hiểm, Thầy chạy xe ra hướng ngoài thành.
Đám đông dãn ra, cuộc sống vẫn hoạt động lại bình thường. Trong cái bất thường, có cái bình thường. Có phải vậy, đó là điều vô thường!
Quay lại bàn cà phê, chúng tôi bàn tán xôn xao. Thân phận các cô gái trẻ, hẳn đấy là một cuộc mua bán, một ép buộc, một vụ bắt cóc. Tất cả suy nghĩ, dự đoán đều được đem ra bàn.
Cháu Phát nói, sao những người khác không nhảy xuống cứu mà để Thầy Chùa cứu hả nội? Tôi nói, từ lâu một bộ phận nhiều người, đã hình thành thói quen mặc kệ, chỉ giữ phận mình, bình yên cho riêng mình, một số người chần chừ, một số thấy vượt quá khả năng cứu người của mình. Sao nội không nhảy xuống cứu hả nội. Sức của nội yếu, không những không cứu được cô gái, mà có khi không giữ được mạng sống của mình. Gặp trường hợp như vậy, ta phải nghĩ nhanh, có khả năng cứu hay không, nếu cứu được thì ra tay cứu ngay, như vị Thầy Chùa, không thì ta la lớn để tìm người giúp, không liều lĩnh nhảy xuống mà chết cả, vừa không có trí, vừa không có nhân. Thân xác ta, do cha, mẹ sinh ra, ta phải yêu quí nó. Ta không yêu, quí thân xác ta thì làm sao yêu, quí thân xác người khác được!
Tôi chở cháu Phát về. Vào nhà tôi copy các ảnh vào máy tính, đây là thói quen giữ ảnh của tôi.
Cái gì đây!
Cái gì đây!
Tôi vô cùng kinh ngạc, từ ảnh đầu đến ảnh cuối, cả thảy 10 ảnh, đều có sự giống nhau. Ảnh hiện lớn trên màn hình vi tính: Cô gái nằm trên bãi cỏ, nét mặt bình yên, ẩn sau sự bình yên đó là sự chịu đựng khổ đau của kiếp người! Trên người được đắp bằng nhiều lá sen màu xanh lam đậm, ánh mốc trắng, phía trên đầu cô gái là một bông sen trắng, đang nở giữa chừng, ở nhiều tư thế khác nhau, lúc như vươn lên nền trời trong xanh, lúc nghiêng trên mặt cô gái, lúc áp sát vào mặt cô gái, hiền hòa, từ trong bông sen như có ánh sáng tỏa ra, lấp lánh, tôi chắc rằng đây là ánh sáng mặt trời chiếu vào đầu Thầy Chùa được hắt lên nền trời. Tôi xem lại nhiều lần đều như vậy cả.
Phòng ngoài, má cháu Phát nói lớn, hình như có mùi bông sen trong nhà hả ba. Tôi nói, đúng đó con, mùi bông sen trắng!./.
Theo (vanchuongviet.org)