Mười phút đầu giờ cô giáo thường kể chuyện thời sự - nào là nước mình có người lọt vào danh sách mười lăm người đẹp nhất thế giới, nào là nước mình có người là tác giả của máy ATM được toàn thế giới sử dụng, nào là nước mình đã có vệ tinh trên trời, nào là nước mình có hai thắng cảnh đang được xếp hạng nhất nhì trong cuộc bầu chọn bảy kỳ quan thế giới...
Mười phút đầu giờ cô giáo thường kể chuyện thời sự - nào là nước mình có người lọt vào danh sách mười lăm người đẹp nhất thế giới, nào là nước mình có người là tác giả của máy ATM được toàn thế giới sử dụng, nào là nước mình đã có vệ tinh trên trời, nào là nước mình có hai thắng cảnh đang được xếp hạng nhất nhì trong cuộc bầu chọn bảy kỳ quan thế giới...
Mười phút hôm nay là một thông tin chấn động: ly cà phê lớn nhất thế giới, ly cà phê do người nước mình làm nên, sắp đến thành phố của chúng mình. Cả lớp nhao nhao:
- Chừng nào cô?
- Chừng nào hả cô?
- Khi nào hả cô ơi?...
- Vài ngày nữa - Cô giáo trả lời.
- Vài ngày nữa là mấy ngày hả cô?
- Ngày khai mạc Lễ hội Cà phê, các em biết không... - Như một người kể chuyện lém lỉnh, cô giáo đằng hắng rồi ngừng lại vẻ như đang bận tìm gì đó trong sách.
Phải chờ thôi.
Bọn nhỏ kiên nhẫn lắng nghe tiếng sột soạt của những trang giấy, rồi không kiên nhẫn được nữa, đồng loạt phì ra.
- Biết sao hả cô?
- Cô nói đi cô.
- Nói nhanh đi cô.
Cô giáo nói chậm từng tiếng:
- Vào ngày khai mạc lễ hội, cái ly sẽ được máy bay kéo lên trời.
- A á à ...
- Ô ố ồ...
- Ơ ớ ờ...
Những hốc mắt nhướng lên và những cái miệng há ra hết cỡ:
- Cô ơi, mình đu theo sợi dây kéo cái ly được không cô?
- Hay là mình ngồi vô trong ly luôn được không hả cô?
- Ngồi vô ly có phải mua vé không hả cô?
***
Lớp câm điếc, giờ học vẽ.
Tất cả những màn hình đều hiện lên những cái ly đủ kiểu dáng và đủ màu sắc. Không phải đứa nào cũng có khả năng vẽ được cái máy bay sao cho giống máy bay cho nên... những cái ly đủ kiểu dáng và đủ màu sắc được kéo lên cao bằng những đám mây xanh.
Cô giáo đứng lại sau lưng Mạnh, đứa học trò giỏi nhất lớp môn vẽ và cũng là đứa hay gây chuyện ồn ào. Màn hình của Mạnh hiện đàng hoàng một cái máy bay cột sợi dây kéo cái ly bay, đáng nói là có một cái đầu người nhô qua miệng ly, hai tay bám chặt thành ly và mái tóc bay xù lên.
Mạnh quay nhìn cô giáo đợi lời nhận xét, cô giáo vỗ vai Mạnh, lắc đầu. Cái lắc đầu là dành cho ước mơ viển vông muốn ngồi vô cái ly bay, nhưng Mạnh không hiểu vậy. Tưởng cô chê vẽ xấu, gãi đầu gãi tai nhìn lại bức tranh, Mạnh nhận ra sai sót là một sợi dây thì quá ít so với sức nặng của cái ly khổng lồ và người ngồi trong đó, Mạnh bèn vẽ thêm nhiều sợi nữa giăng quanh đáy ly rồi cột túm những đầu kia thành cái nơ cài vô đuôi máy bay.
Xoa tay, Mạnh đợi cô giáo khen. Lần này thì cô giáo mỉm cười gật đầu. Mạnh khoái chí ủn cái mông đẩy mạnh ghế về phía khác để rộng chỗ mà nhảy tưng tưng. Cái ghế bị đẩy vèo về phía cửa vừa lúc bà hiệu trưởng bước vào lớp với vẻ mặt quan tòa.
Thì ra bên lớp khiếm thị, muốn học trò hình dung được rõ hơn, cô giáo đem tới lớp một cái máy bay bằng nhựa khá lớn và cột cái ly vào. Cô chưa kịp nghĩ ra sẽ cho nó bay theo cách nào đây thì cậu học trò quá háo hức đã quờ được sợi dây treo máy bay vừa reo vang vừa chạy ù ra sân kéo cả lớp rùng rùng chạy theo sau, kết cục là cả lớp té nhào chồng chất đè lên cái máy bay và hậu quả là có mấy cái áo bị rách khiến cùi chỏ trầy trụa, còn cái máy bay thì cánh một nơi thân một nẻo.
Chưa hết, xưởng mỹ nghệ, trong khi đơn đặt hàng một trăm bức tranh khắc hoa cúc đã đến hạn mà chưa làm xong thì khắp xưởng lại là những mẫu gỗ hình cái ly đủ mọi kiểu dáng.
Cứ như là lễ hội đã được dời tới nơi này!
Liếc nhìn những màn hình đầy những cái ly bay, bà hiệu trưởng nghiêm khắc:
- Ngừng ngay mọi hoạt động dính dáng tới cái ly, nếu ai bất tuân thì sẽ bị phạt là… - Bà hiệu trưởng ngừng lại.
Cả lớp nín thở chờ đợi.
Bà hiệu trưởng xuống giọng:
- Không được đi chơi lễ hội.
Hình phạt hiệu nghiệm tức thì.
Lớp khiếm thị, từ ngữ dính dáng tới cái ly khổng lồ không được nhắc tới nữa. Xưởng mỹ nghệ, những cái ly mới không được khắc thêm nữa. Lớp khiếm thính, không được vẽ thêm cái ly nào khác nữa. Nhưng những cái đã có thì vẫn còn đó, thầm nhắc về giấc mơ bay.
***
Cái ly khổng lồ được đặt trên bục cao, những cái trụ inox sáng choang quấn dây bảo vệ chung quanh và hai người mặc đồng phục đứng nghiêm hai bên, tư thế sẵn sàng kịp thời ngăn chặn những ai muốn chạm tới.
Không được chạm vào cái ly thì chụp hình chung với nó vậy, ánh đèn máy ảnh chớp lóe liên tục.
Bọn nhỏ đứng quanh, càng lúc càng tiến gần sát sợi dây bảo vệ. Khiếm thính nhìn ngắm chỉ trỏ háo hức miêu tả, ngôn ngữ bằng tay khiến vạt áo sột soạt liên tục, tiếng xuýt xoa khiến khiếm thị thêm sốt ruột. Nhất là Mạnh, tận mắt nhìn cái ly, Mạnh nhận ra không chỉ một người mà hàng chục người ngồi vô ly cũng vẫn còn rộng! Mạnh phấn khích đến nỗi thụi vào hông đứa đứng bên cạnh khiến đứa này né chúi người vào đứa kia làm cả bọn dúi dụi vào nhau. Thường ngày là sẽ kiện tụng với cô giáo nhưng lúc này đây tất cả cùng cười khoái chí. Tiếng cười càng khiến các em khiếm thị tò mò khát khao muốn được biết, những câu hỏi nhao nhao.
Cô giáo bối rối. Thường thì cô miêu tả cho các em nghe. Nhưng lúc này đây... chỉ nghe miêu tả thì không cần mất công tới tận đây làm gì.
- Anh biết đó - Cô giáo thuyết phục người bảo vệ - Đây là lần đầu tiên và có thể là lần duy nhất các em được tự mình nhận biết về một kỷ lục thế giới.
Anh bảo vệ cũng bối rối nhìn những vị khách đặc biệt nhất lễ hội. Cô giáo hạ giọng:
- Không thể ngắm, nhưng các em có thể hình dung nếu được chạm tay vào.
Anh bảo vệ ngập ngừng:
- Nếu tôi cho các em rờ mó, thì những người khác cũng sẽ...
- Tôi tin là không ai nỡ ghen tị với các em khiếm thị đâu.
Anh bảo vệ ngần ngừ:
- Nhưng lỡ các em...
- Các em rất ngoan, các em chỉ chộn rộn một chút ban đầu vậy thôi, rồi anh sẽ thấy...
Nhận ra giữa cô giáo và anh bảo vệ là cuộc trò chuyện đặc biệt có liên quan tới lũ học trò, Mạnh mở to mắt hết cỡ để thu nhận hình ảnh mà dò đoán nội dung. Chắc là cô đang xin cho cả lớp ngồi vô ly chơi một chút? Không, cả lớp thì không đủ chỗ, vậy thì những đứa nào ngoan mới được cô chọn cho ngồi vô đó. Mạnh thấp thỏm vì tự biết mình khó được khen ngoan.
Và khi anh bảo vệ kéo hai cái trụ inox sáng choang qua hai bên thu lại một đoạn dây để chừa ra một khoảng đủ cho một người đi về phía cái ly thì Mạnh chen tới trước. Nếu không được cô chọn thì Mạnh cũng sẽ nhào đại vô ly rồi về trường có bị phạt cũng đành.
Cô giáo cầm tay đứa khiếm thị nhỏ nhất leo lên bục. Mạnh khựng lại, nhìn cô và đứa nhóc đang càng lúc càng tiến lại gần cái ly hơn. Tim Mạnh đập bùm bùm. Sao chỉ có một đứa? Mạnh căng mắt nhìn cô cầm tay đứa nhóc chạm vào thành ly, cô nói gì đó, đứa nhóc nhoẻn miệng cười sung sướng, rồi cô hướng dẫn đứa nhóc nhón chân đo thân mình với chiều cao ngất ngưởng của cái ly, rồi dang rộng hai cánh tay để ôm vòng quanh, sờ vào quai ly và rồi chui hẳn người qua cái quai. Đứa nhóc tan dần vẻ hồi hộp ban đầu, cái miệng toét ra cười mãn nguyện.
Dắt đứa bé về vị trí cũ, cô giáo lại cầm tay đứa khác leo lên bục. Mạnh hiểu ra là không có chuyện được ngồi vô ly mà chơi, và cũng không dễ dàng được rờ mó đã đời như đứa nhóc kia, chỉ những đứa khiếm thị mới được mà thôi.
Ngay lập tức, Mạnh nhắm mắt lại, tiến về phía đầu hàng, để chứng minh với anh bảo vệ là mình mù thật, Mạnh nhắm mắt kín mít và vậy là va đụng lung tung. Lớp khiếm thị không hiểu được sự va đụng đột ngột, tưởng là những đứa xếp sau sẽ không được rờ cái ly nữa cho nên vội nhào về trước để xí phần, còn khiếm thính thì nhao nhao khui trò giả mạo của Mạnh bằng những tràng ú ớ khiến không khí vô cùng nhốn nháo. Anh bảo vệ hoàn toàn không thể đoán ra lý do của sự nhốn nháo bất ngờ này, chỉ biết nhướng mắt nhìn cô giáo đợi một lời giải thích.
Cô giáo muốn ngay lập tức ra lệnh cho Mạnh thôi ngay cái trò giả mạo, nhưng biết làm sao được khi mà nói thành lời thì Mạnh không thể nghe, còn ra hiệu thì Mạnh không nhìn thấy vì đang nhắm mắt.
Trong lúc cô giáo đang không còn biết làm sao thì... tất cả lớp khiếm thính đều đồng loạt bắt chước Mạnh nhắm tít mắt lại. Đến lúc này thì anh bảo vệ không cần cô giáo giải thích nữa. Anh cười, còn cô giáo thì đỏ bừng mặt mũi.
***
Có thể hiểu được và có thể thông cảm được, anh bảo vệ nói với cô giáo như vậy. Nhưng không thể tạo tiền lệ cho cái trò giả mạo gian dối. Phải phạt thôi. Tất cả úp mặt vô tường, riêng Mạnh thì phải úp mặt vô tường trong tư thế quỳ.
Lần đầu tiên bị phạt nặng hơn các bạn mà Mạnh không kiện cáo khiếu nại, và cũng là lần đầu tiên thấy Mạnh bị phạt nặng hơn mình mà những đứa khác không hí hửng hài lòng, ngược lại. Nhận hình phạt mà đứa nào cũng hân hoan rộn ràng cứ như hình phạt là một món quà hiếm khi.
Còn gì nữa, có bao nhiêu khách đến lễ hội ngày hôm đó được chạm tay vào cái ly bay?
Theo (tuoitre)