Hò bá trạo là một trò diễn dân gian của người dân ở các làng biển khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Trò diễn này là một phần không thể thiếu trong lễ hội Cầu ngư nên có giá trị nghệ thuật với những nét đặc trưng và sức hấp dẫn riêng.
Lễ hội Cầu ngư là một sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến của ngư dân Khánh Hòa, được bắt nguồn từ tập tục thờ cá voi - loại cá theo quan niệm của người dân là có bản tính hiền lành, thường cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp hoạn nạn trên biển nên được tôn xưng là Ông Nam Hải. Khi cá voi chết trôi dạt vào vùng biển của làng nào thì làng đó phải tổ chức tang lễ, lập lăng thờ phụng, cúng tế nghiêm cẩn. Lễ tế Ông Nam Hải ngày nay được gọi là lễ hội Cầu ngư. Lễ hội gồm có: Lễ rước sắc; lễ nghinh ông; hò bá trạo; lễ tỉnh sanh; lễ tế chánh; thứ lễ và tôn vương; lễ tống na. Nếu như các nghi thức khác mang nặng phần lễ thì hò bá trạo có thể xem là phần hội trong lễ hội Cầu ngư. Theo nhạc sĩ Hình Phước Liên, hò bá trạo là trò diễn dân gian mang tính tổng thể, nguyên hợp đậm nét với hình thức biểu diễn có đặc điểm của sân khấu dân gian bao gồm múa, hát, nói… Đây là trò diễn nhưng cũng được xem là nghi lễ bắt buộc chỉ riêng có trong lễ hội Cầu ngư. Ngoài ra, hò bá trạo cũng có thể được diễn trong một số hoạt động khác như: Lễ khánh thành lăng ông, lễ đưa cốt cá voi vào lăng thờ…
Biểu diễn hò bá trạo trong dịp Kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024). |
Khi xem hò bá trạo, chúng ta thấy có các nhân vật như: Tổng lái, tổng mũi, tổng thương, trạo phu. Một buổi hò bá trạo thường bắt đầu bằng lớp giáo đầu, tiếp đến là ra khơi - tổng thương xem giông - về bến. Đội hình chủ yếu của hò bá trạo thường xếp 3 hàng dọc, gồm 2 nhóm trạo phu đứng thành 2 hàng bên, hàng giữa gồm 3 vị tổng lái, tổng mũi, tổng thương. Mỗi lớp diễn như vậy chính là màn tái hiện những hoạt động của ngư dân trong quá trình lao động trên biển. Nếu giáo đầu là lớp diễn mang tính chất giới thiệu thì ra khơi là lớp diễn quan trọng nhất để bộc lộ chủ đề tư tưởng, xem giông là lớp mô tả cảnh con thuyền gặp sóng to gió lớn, về bến mô tả cảnh ngư dân vượt giông bão thành công để trở về an toàn. Nội dung của trò diễn hò bá trạo thường ca tụng công ơn của Ông Nam Hải; thể hiện ý chí, nghị lực của người dân khi đối diện với phong ba, bão tố trên biển; bên cạnh đó là niềm tin và ước vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình, xóm làng, đất nước.
Hò bá trạo là một trò diễn xướng nên nghệ thuật múa chiếm đến 2/3 thời gian của buổi diễn. Vũ đạo trong hò bá trạo chủ yếu là động tác chèo thuyền do các trạo phu đảm nhận. Những động tác này có lúc được diễn thong thả, khi mạnh mẽ, quyết liệt, kết hợp với đó là những động tác xoay mái chèo, đảo mái chèo… Những động tác tay như trên kết hợp với nhịp bước chân để diễn tả nhịp đi của con thuyền nhằm mô phỏng hình ảnh con thuyền di chuyển trên biển lúc gặp sóng dữ, hay khi biển êm. “Nếu tách phần lời ca thì phần vũ đạo cũng có thể làm cho người xem hiểu được đầy đủ ý nghĩa của trò diễn. Có lẽ vì thế nên ở nhiều lễ hội Cầu ngư, khi diễn hò bá trạo người ta chú trọng nhiều hơn ở phần vũ đạo”, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết.
Những điệu hò, câu hát chính là linh hồn cho những động tác chèo thuyền của trạo phu. Ngay từ tên gọi của trò diễn cũng đã thể hiện vai trò chủ đạo của ca hát trong hò bá trạo, bởi đây là tổng hòa các loại hình ca hát dân gian ở vùng đất Khánh Hòa như: Hò, lý, ru, vè, ngâm…, đặc biệt là những làn điệu nam xuân, nam ai, bạch, thán, xướng của nghệ thuật hát bội. Đặc trưng nhất trong âm nhạc của hò bá trạo chính là những làn điệu hò như: Hò bá trạo, hò nhại, hò mái dặm, hò mái ngơi… được các nhân vật hát trong những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, trong làn điệu hò bá trạo, tổng mũi hát “Phiêu phiêu hề, nhất trạo ba”, trạo phu tiếp lời “Khinh khinh hề, trục lãng qua/Thừa phong hành phất phất/Hố khoan hò khoan… quơi ư à/Trạo hướng Châu Sa”…
Theo tìm hiểu, trước đây, mỗi làng biển có lăng ông đều hình thành một đội hò bá trạo để diễn xướng vào các dịp lễ hội của làng. Mỗi đội hò bá trạo thường có từ 15 đến 19 thành viên, chủ yếu là thanh niên khỏe mạnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên bây giờ còn rất ít làng biển giữ được đội hò bá trạo. Một số đội hò bá trạo hiện vẫn còn hoạt động như: Ở TP. Nha Trang có đội của ông Nguyễn Văn Hảo (phường Vĩnh Trường), đội của ông Nguyễn Sỹ Huynh (phường Vĩnh Nguyên); ở huyện Vạn Ninh có đội của ông Lê Sỹ Hùng (xã Vạn Thắng)… Trong những kỳ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa gần đây thường diễn ra hoạt động tái hiện lễ hội Cầu ngư trên đường phố, qua đó vừa có một hoạt động nghệ thuật mang tính cộng đồng, vừa là dịp để những đội hò bá trạo biểu diễn để người dân và du khách biết thêm về loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, hò bá trạo cũng ẩn chứa những nguy cơ thất bản khi không gian diễn xướng, chủ thể trình diễn có những sự thay đổi. Vậy nên, rất cần một sự hệ thống lại bài bản nghệ thuật trình diễn hò bá trạo chuẩn nhất, tạo điều kiện, hỗ trợ nhiều hơn trong việc tổ chức những lễ hội Cầu ngư ở các làng biển hiện nay.
NHÂN TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin