Có thể nói như thế khi đọc xong “Đất thiêng”, tập bút ký - tùy bút của nhà báo, nhà văn Phong Nguyên vừa xuất bản (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2024), một cuốn sách khá đầy đặn với 26 tác phẩm được tác giả sáng tác trong những năm gần đây.
Đề tài phản ánh trong “Đất thiêng” khá rộng, khi kể chuyện trên rừng, lúc về đồng bằng, biển, đảo; khi đề cập đến kinh tế, lúc giới thiệu về văn hóa, xã hội… Nếu “Bên dòng Tô Hạp” mang đến cho bạn đọc hình ảnh của một bức tranh sinh động về phát triển kinh tế ở vùng đất miền núi Khánh Sơn, thì “Ninh Vân quê em” là những hình ảnh về một xã miền biển với bao đổi thay từ sự phấn đấu không mệt mỏi của người dân. Nếu “Nha Trang phiêu linh cùng vũ trụ” nói về Đài Thiên văn Nha Trang, tọa lạc trên một ngọn đồi ở Hòn Chồng, là nơi đang cuốn hút du khách từ xa tới Khánh Hòa thì “Chuyện về con tàu đến từ xứ lạ” là những trang viết kể về quá trình hoạt động của Viện Hải dương học, trong đó có Bảo tàng Hải dương học Việt Nam. Nếu “Đất Thành” mang đến cho bạn đọc bao nhiêu dấu ấn gắn liền với di tích Thành cổ Diên Khánh qua mấy thế kỷ, thì “Đất thiêng” nói về cuộc sống sinh hoạt của chiến sĩ và nhân dân ta ở Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu “Hỏi xem điệu múa dâng Bà…” đề cập đến Tháp Bà và lễ hội Tháp Bà ở Nha Trang thì “Ơi, chapi…” nói về sự tâm huyết của nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến - người con của đồng bào Raglai trong việc sưu tầm, lưu giữ văn hóa truyền thống của người Raglai…
Không chỉ đa dạng về đề tài, nội dung ở từng bút ký - tùy bút trong “Đất thiêng” cũng rất phong phú, chứa đựng nhiều thông tin sống động, có giá trị với người đọc. Sinh ra, lớn lên ở Khánh Hòa, có nhiều năm làm phóng viên, được tiếp cận với sự thay da đổi thịt của quê hương mình nên khi đề cập đến một vùng đất hay một nội dung nào đó, Phong Nguyên thường đưa ra nhiều tư liệu để so sánh rồi nhào nặn cùng vốn sống, cùng những cảm xúc và ký ức một cách nhuần nhuyễn để đưa vào tác phẩm.
Đặc biệt, để cho những trang viết của mình lôi cuốn người đọc, Phong Nguyên luôn sử dụng, diễn đạt bằng ngôn ngữ đậm chất tôi trữ tình, giàu hình ảnh, có sức liên tưởng cao. Đoạn văn trong bút ký “Ơi, chapi…” là một ví dụ: “Ðêm mông lung trong thung Ô Kha. Sương mờ giăng tấm khăn voan mơ hồ trên núi rừng Khánh Sơn cô tịch. Có tiếng con chim bắt muỗi nghe mênh mang trong không gian bàng bạc. Non ngàn như mơ màng trong giấc cô miên thăm thẳm. Tôi ngồi bên bếp lửa, trong gian nhà nhỏ nhắn của người Raglai, đợi ama (ba, bố), away (má, mẹ) Mấu Thị Mười, vợ ông, ngồi cùng chúng tôi, lặng lẽ. Lửa tí tách reo bên vách nứa thưa. Away Mười thêm củi cho nồi canh rau rịa bà vừa hái khi chiều. Canh rau rịa nấu với khoai mì. Món này tôi không lạ. Không thịt, không cá cũng cứ ngọt lừ; và thơm lừng hương vị núi rừng. Bên cạnh nhà, không như những con sông khác xuôi chảy về Đông, dòng Tô Hạp cứ thổn thức, miên man quay ngược về phía Tây, như cố lần tìm về một miền hoài niệm xa lắc của nhiều thế hệ người Raglai trên dải Trường Sơn hùng vĩ…”.
Là tập bút ký thứ 3 của Phong Nguyên, sau “Giọt máu thiêng” (năm 2010), “Hoa của biển” (năm 2020), có thể nói, “Đất thiêng” với nhiều sắc màu đã tạo thêm một thành công mới của nhà báo, nhà văn Phong Nguyên, để lại trong lòng người đọc nhiều dấu ấn trên đường khám phá, chiêm nghiệm về một vùng đất…
HOÀNG NHẬT TUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin