19:38, 01/05/2024

Rộn ràng lễ hội Tháp Bà Ponagar

GIANG ĐÌNH

Từ ngày 28-4 đến 1-5 (từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch), tại Khu di tích quốc gia Tháp Bà Ponagar diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024. Lễ hội năm nay trùng với thời gian nghỉ lễ nên thu hút số lượng lớn người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham dự. Do có sự chuẩn bị chu đáo trong công tác tổ chức nên lễ hội diễn ra sôi nổi, rộn ràng với các nghi thức truyền thống, đảm bảo an ninh, an toàn.

Khu vực di tích Tháp Bà Ponagar đông kín người trong thời gian diễn ra lễ hội.

Năm nay, số lượng người dân và du khách đến tham gia lễ hội ước tăng khoảng 50% so với năm trước. Theo thông tin từ Ban tổ chức, lễ hội có hơn 100 đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với hơn 5.000 người đăng ký tham gia. Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, có hơn 100.000 lượt khách hành hương, người dân, du khách đến Khu di tích Tháp Bà Ponagar, trong đó có một số lượng lớn đồng bào Chăm ở các tỉnh trong khu vực về tham dự. Ông Thập Hồng Liến (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: “Năm nào đến lễ hội Tháp Bà Ponagar, gia đình tôi cũng từ Ninh Thuận ra đây dự lễ. Năm nay, đoàn đi lễ Mẹ của gia đình tôi có gần 20 người. Chúng tôi đến đây mang theo những lễ vật đơn giản để cúng dâng lên Mẹ và nguyện cầu Mẹ ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu trong nhà mạnh khỏe, cuộc sống gia đình ấm no. Việc tham gia lễ hội Tháp Bà Ponagar là một phong tục truyền thống của đồng bào Chăm chúng tôi. Mỗi lần về dự lễ, chúng tôi đều được Ban tổ chức tạo điều kiện thuận lợi để thực hành các nghi thức truyền thống của dân tộc mình”.

Những thiếu nữ Chăm biểu diễn tiết mục múa truyền thống của dân tộc mình.
Những thiếu nữ Chăm biểu diễn tiết mục múa truyền thống của dân tộc mình.

Theo ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, di tích Tháp Bà Ponagar và lễ hội Tháp Bà Ponagar là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị, tôn vinh nét đẹp văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng dân gian truyền thống. Với những giá trị to lớn, độc đáo về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật nên từ năm 1979, di tích Tháp Bà Ponagar đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Đến năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tại, di tích Tháp Bà Ponagar đang làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay diễn ra với các nghi thức truyền thống như: Lễ thay y, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, lễ cúng thí thực, lễ tế cổ truyền, lễ khai diên và tôn vương, hoạt động hát văn - múa bóng của các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu…

Người dân sắm sửa lễ vật để vào dâng lên Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Người dân sắm sửa lễ vật để vào dâng lên Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Mặc dù lễ hội diễn ra trong thời gian dài, điều kiện thời tiết nắng nóng, lượng người tham gia đông nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đều được đảm bảo. Các bộ phận, lực lượng được phân công nhiệm vụ đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để triển khai thực hiện từng phần việc được giao. “Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024 diễn ra trong bối cảnh toàn tỉnh và toàn ngành Văn hóa đang đặt ra vấn đề quan trọng nhất là phát huy di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, làm sao để di tích được sống động, được quảng bá, giới thiệu ngày càng rộng rãi hơn. Để đảm bảo lễ hội được diễn ra thành công, trước đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết phối hợp giữa các sở, ban, ngành; các lực lượng an ninh, giao thông, y tế, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương sở tại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách về tham dự lễ hội được an toàn, an tâm, thoải mái”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

 

Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức cầu nguyện những điều tốt đẹp lên Mẹ xứ sở.
Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức cầu nguyện những điều tốt đẹp lên Mẹ xứ sở.

Trong dân gian, từ bao đời nay vẫn truyền câu nói “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” để thể hiện tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt từ xa xưa. Trên vùng đất Khánh Hòa, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có sự giao thoa, kết hợp thật ý nghĩa với phong tục thờ cúng Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm thông qua lễ hội Tháp Bà Ponagar. Đây là minh chứng sinh động cho tình đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào gắn bó keo sơn suốt bao đời nay. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được tổ chức hàng năm là dịp mọi người cùng nhau hướng về Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt và Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm để cầu mong cho quốc thái dân an, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.

GIANG ĐÌNH